Ngày 20 tháng 10 không có lỗi

22/10/2018 - 06:00

PNO - Bốn mạng người đã nằm xuống. Tai nạn vẫn chực chờ trong đêm với những công nhân vệ sinh mà không phải đợi đến ngày… 20/10 hay bất cứ ngày nào, giờ nào.

Bi kịch gia đình 4 người treo cổ tự tử ở xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 20/10 khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Ai cũng chạnh lòng, ngày Phụ nữ Việt Nam, lẽ ra, chị Nguyễn Thị Huyền Thanh (24 tuổi) phải được tặng hoa, được chúc tụng hạnh phúc. 

Sáng 21/10, tôi dự khán cuộc gặp gỡ, đối thoại của lãnh đạo TP.HCM với cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ thành phố, trong đó chủ yếu là nữ công nhân ngành lao động vệ sinh, môi trường. Những cái chết tức tưởi trong đêm, khi đang quét dọn đường phố thì bị kẻ say rượu tông, bị kẻ cướp chém… được kể lại ngay sau ngày 20/10, càng ngậm ngùi hơn, đau xót hơn. 

Ngay 20 thang 10 khong co loi
 

Như thể, những gì bất hạnh, mất mát đến với phụ nữ trong ngày này thì dễ tạo nên sự rúng động, từ đó cũng phản tỉnh xã hội mạnh mẽ hơn. Vậy trước và sau ngày 20/10, trong chuỗi 364 ngày còn lại ấy, phụ nữ - xếp vị trí thứ ba trong nhóm dễ bị tổn thương (người khuyết tật, trẻ em, người lao động di trú, người thiểu số), họ sẽ đối diện như thế nào với những gánh nặng “thiên chức” đầy khốn khó; họ tìm ở đâu những liều đề kháng để chống chỏi áp lực từ cuộc sống gia đình, xóm giềng…; ai và bằng cách nào xã hội tạo cho họ hệ miễn dịch cần và đủ để “băng bó” những vết thương do “bị bỏ lại phía sau”? 

Một lần nữa, ngay trong ngày ngập tràn hoa hồng và quà tặng, tôi lại thấy sự lạc lõng; ngay giữa thời cuộc “bốn chấm không”, tôi lại nhói lên sự xót xa, bởi đằng sau sự lựa chọn cái chết của 2 con người đã trưởng thành và 2 sự sống chỉ vừa mới bắt đầu đã bị buộc phải chấm dứt đã phản chiếu một phần lõi xã hội đang quay ngược chiều. 

Xuất phát điểm vẫn là cái nghèo. Nguyễn Tiến Thành (người chồng, 29 tuổi) mồ côi cha mẹ từ bé, lớn lên trong nghèo khó triền miên. Sau khi cưới vợ, Thành mở tiệm sửa xe đạp, xe máy một thời gian ngắn, rồi hai vợ chồng đi làm thuê làm mướn. Bốn ngày trước khi tìm đến cái chết, Thành vào Quảng Bình, trộm điện thoại, bị bắt giữ, được cho tại ngoại, về nhà. Tiền nợ 70 triệu đồng Thành vay để lo giải quyết vụ việc đã phát sinh tiền lãi 300.000 đồng/ngày, dẫn tới bức bối, cùng quẫn. 

Ngay 20 thang 10 khong co loi
 

Gia đình Thành thuộc hộ nghèo. Hẳn là có nhận chính sách hỗ trợ. Nhưng cái nghịch lý luẩn quẩn là khi chuẩn nghèo tăng lên thì đồng thời, độ tích lũy tài sản của người giàu cũng tăng chóng mặt, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo càng lớn, phân hóa xã hội càng mạnh. Nhìn lên thì chới với bởi độ giàu có ngất ngưởng. Nhìn xuống thì chạm phải mình, phía trước là nợ nần bủa vây, vợ con nheo nhóc, điều tiếng xóm giềng… Trong hố sâu phân hóa xã hội ấy, những chính sách an sinh xã hội có thể đã tiếp cận các đối tượng thụ hưởng nhưng chưa thể chuyển hóa được tâm lý cá thể chứa đựng “tâm trạng xã hội” đầy ức chế trong họ. 

Đọc giữa những dòng chữ trong hai lá thư tuyệt mệnh ấy: “Cuộc sống này chán lắm mọi người à, bao nhiêu áp lực buồn phiền bế tắc dường như không có lối thoát với chúng tôi” - để rồi chủ động, tự nguyện rời bỏ cuộc sống mà sự quẫy đạp, chống chỏi, vượt lên - hầu hết với số đông lại là không thể - với vợ chồng Thành. “Bố mẹ ngàn lần xin lỗi các con vì sinh ra các con trong tình yêu thương” - hóa ra, trong cuộc vật lộn mưu sinh, tình yêu thương lại không đủ để bậc sinh thành giữ lấy sự sống cho hai đứa trẻ, chúng ngơ ngác đi vào cái chết mà chưa kịp hiểu sự bức bối, nhẫn tâm, thậm chí là tội lỗi từ cái nghèo. 

Và thật sự, trong ước mong đầy thánh thiện “thấy cha và các em sống thật tốt”, lại xen cả cái hy vọng đầy thơ ngây “con sẽ âm thầm giúp đỡ cha sức khỏe và các em nhiều may mắn” - còn gì đau xót hơn mà cũng chua chát hơn khi đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn ở… cõi chết.  Để sau cùng, vẫn không quên để lại cho cha miếng đất của hai vợ chồng… Một kết thúc “có hiếu” mà không có hậu. 

Bốn mạng người đã nằm xuống. Tai nạn vẫn chực chờ trong đêm với những công nhân vệ sinh mà không phải đợi đến ngày… 20/10 hay bất cứ ngày nào, giờ nào. Và lòng thương xót, bàng hoàng cũng không ở lâu hơn sau những tai ương, thảm kịch. Có chăng là sự phản tỉnh đang cần được thúc đẩy liên tục để những con người yếu thế, dễ bị tổn thương sẽ luôn được nhắc nhớ, quan tâm, bảo vệ bằng các chính sách bền vững, hữu hiệu; bằng các dịch vụ xã hội căn bản, thiết thực. 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI