Mua lại TrustBank, Phạm Công Danh ‘sốc’ khi ‘sập bẫy’ của đại gia Hứa Thị Phấn

11/05/2018 - 19:39

PNO - Vì tin vào đại gia Hứa Thị Phấn, ông Phạm Công Danh đã mua lại ngân hàng Đại Tín cùng các bất động sản rồi vô cùng “sốc” vì phát hiện giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch đã bị nâng khống lên gấp 8 lần.

Ngày 11/5, phiên tòa xét xử bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cao cấp của Ngân hàng Đại Tín) cùng 27 đồng phạm về hai tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục làm rõ các vấn đề liên quan đến căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.

Mua nhà “hớ” gấp 8 lần

Theo cáo trạng, Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín có tiền thân là Ngân hàng Nông thôn cổ phần Rạch Kiến huyện Cần Đước (tỉnh Long An). Đầu năm 2007, bà Phấn cùng nhóm Phú Mỹ mua hơn 254 triệu cổ phần Ngân hàng Đại Tín, tương đương hơn 2.547 tỷ đồng. Giữ gần 85% vốn điều lệ ngân hàng này, bà Phấn cùng đồng phạm đã nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Đại Tín, gây thiệt hại hơn 1.105 tỷ đồng.

Mua lai TrustBank, Pham Cong Danh ‘soc’ khi ‘sap bay’ cua dai gia Hua Thi Phan
Ông Phạm Công Danh tại phiên tòa

Với vai trò là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, ông Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây Dựng) cho biết đã mua lại Ngân hàng Đại Tín vào tháng 8/2014 và đổi tên thành VNCB. Ông Danh cho biết vào thời điểm này ông không có kinh nghiệm về tài chính.

“Tôi nghĩ tài sản ngân hàng phải chuẩn mực nên tôi tin là mình làm đúng nhưng bây giờ tôi mới thấy được điều quá sức kinh khủng, tài sản bất động sản của tôi chênh lệch 12%-20%. Việc đúng hay sai tôi không dám nói, nhưng mong HĐXX làm rõ về hậu quả hành vi này”, ông Danh trình bày.

Đến khi thẩm định giá lại căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch ông Danh vô cùng bàng hoàng về giá trị thật quá thấp (chỉ khoảng 181 tỷ đồng). “Tôi rất sốc”, ông Danh bày tỏ. Nguyên chủ tịch HĐQT cho biết chưa bao giờ nghe mua nhà bán gấp 3-4 thậm chí gấp 8 lần như vậy. Đồng thời, ông Danh nhấn mạnh: “Nếu biết thực trạng như thế này thì không bao giờ tôi dám đụng vào. Đây là sai lầm rất lớn của tôi trong đó có niềm tin đối với bà Phấn”.

Hứa Thị Phấn lách thuế 177 tỷ đồng

Tại hôm xử trước đó (ngày 10/5), TAND TP.HCM đã triệu tập đại diện Chi cục thuế quận 3 là ông Võ Văn Phong để làm rõ việc bà Phấn cùng đồng phạm đã nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch rồi bán lại cho Ngân hàng Đại Tín gây thiệt hại hơn 1.105 tỷ đồng. Có mặt tại tòa, ông Phong khẳng định Chi cục thuế quận 3 đã thu thuế đúng theo quy định pháp luật.

Mua lai TrustBank, Pham Cong Danh ‘soc’ khi ‘sap bay’ cua dai gia Hua Thi Phan
Chân dung bà Hứa Thị Phấn và ngôi nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bị nâng giá lên gấp 8 lần

Vị này cho biết có 2 cách thu thuế, cách thứ nhất là thu 25% phần giá trị chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá vốn, cách còn lại là thu 2% tính theo giá trị chuyển nhượng. Theo đó, ông Phong cho biết phía bà Hứa Thị Phấn không cung cấp giấy tờ để tính theo cách thứ nhất nên buộc phải tính theo cách thứ hai.

Cụ thể, nếu lựa chọn cách đóng thuế 25% thì người nộp thuế phải cung cấp đầy đủ các chứng từ theo quy định để xác định giá vốn. Trong trường hợp không xác định được giá vốn và không có đề nghị của người nộp thuế, không có đủ căn cứ xác định thì phải tính theo cách còn lại.

HĐXX cho rằng việc Chi cục thuế quận 3 tính theo cách hai đã làm lợi cho bị cáo Phấn 177 tỷ đồng bởi lẽ giá căn nhà mà bà Phấn mới nhận chuyển nhượng từ công ty Lam Giang chỉ có 450 tỷ đồng.

Về vấn đề này, theo cáo trạng, cơ quan điều tra xác định vào ngày 7/2/2012, bà Hứa Thị Phấn mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ Cty CP Địa ốc Lam Giang với giá 450 tỷ đồng. Đến ngàỵ 13/2/2012, bà Phấn bán lại cho TrustBank với giá 1.260 tỷ đồng.

Kết luận Giám định thuế của Bộ Tài chính ngày 27/2/2015 cho rằng, số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mà bà Hứa Thị Phấn đã kê khai nộp thuế đối với việc chuyển nhượng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch là có sai lệch. Cụ thể, số thuế TNCN đã kê khai nộp thuế là 25 tỷ đồng, qua giám định thuế, số tiền thuế phải nộp là 202 tỷ đồng. Số thuế TNCN chênh lệch qua giám định là 177 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, hành vi trên có dấu hiệu của tội “Trốn thuế”, quy định tại Điều 161 Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho TrustBank với giá 1.260 tỷ đồng khiến bà Phấn và 10 bị cáo bị truy cứu về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tể gây hậu quả nghiêm trọng”, nên không xem xét xử lý về hành vi “Trốn thuế” của bà Phấn và những người liên quan.

Phiên tòa do thẩm phán Phạm Lương Toản (chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) làm chủ tọa, dự kiến kéo dài đến ngày 31/5. Hiện, phiên tòa tạm nghỉ và tiếp tục làm việc vào sáng thứ hai tuần tới (ngày 14/5).

Thiên Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI