Miền Tây, xơ xác tứ bề - Bài 2: Khi dòng sông rỗng ruột, phận người cũng lao đao

06/09/2019 - 09:25

PNO - Sông cạn kiệt phù sa, mùa màng thất bát, cát sỏi bị khai thác quá mức dẫn đến sạt lở triền miên khiến cuộc sống của người dân miền Tây vốn sống dựa vào sông nước ngày càng bấp bênh, vô định.

Từ 3g sáng, bà Tho - 45 tuổi, ở xã Bình Phú, H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - đã lục tục chuẩn bị đi làm. Bà dậy sớm không phải vì việc đồng áng mà để di chuyển một quãng đường gần 200km tới Sài Gòn làm công nhân. Ngày nào, bà Tho cũng rời nhà từ tờ mờ sáng, theo xe đưa rước công nhân lên khu công nghiệp PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân, TP.HCM) làm việc rồi trở về nhà khi đêm đã gần khuya. 

Người đi khó nhọc, người ở não nề

Từ năm 2016, khi đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hứng chịu đợt khô hạn kéo dài kỷ lục, bà Tho quyết định từ bỏ nghề nông, chuyển sang làm công nhân cho một công ty giày da ở khu công nghiệp PouYuen Việt Nam.

“Thiếu nước ngọt, lúa trồng năng suất không cao nên người ta thuê nhân công cũng rất rẻ, ngày làm thuê chỉ được cỡ năm chục ngàn nên tui thấy đi làm công nhân tốt hơn. Sáng đi sớm, tối về muộn, tuy vất vả nhưng lương gần 6 triệu đồng/tháng, kể ra cũng đáng” - bà Tho bộc bạch.  

Bà Tho không phải là trường hợp cá biệt. Những năm gần đây, tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, rất nhiều người dân từ bỏ việc đồng áng để đến TP.HCM, Bình Dương tìm kiếm việc làm. Chỉ tính riêng khu công nghiệp PouYuen Việt Nam, mỗi ngày, có hàng ngàn người miền Tây theo xe đưa rước vào đây làm việc. Đa phần họ làm gia công cho các công ty như may mặc, giày da với thu nhập bình quân mỗi tháng từ 5-6 triệu đồng. 

Mien Tay, xo xac tu be - Bai 2: Khi dong song rong ruot, phan nguoi cung lao dao
Tình trạng sạt lở gia tăng ở đồng bằng sông Cửu Long khiến cuộc sống của người dân vốn đã khốn khó càng thêm lao đao - Ảnh: HOÀNG NHIÊN

Dù thu nhập có tăng nhưng những người dân bỏ quê lên phố làm công nhân vẫn cảm thấy cuộc sống rất bấp bênh. “Lên Sài Gòn làm công nhân, chấp nhận khổ cực, không chăm sóc được con cái nhưng lương tháng mấy triệu đồng cũng chỉ đủ chi tiêu qua ngày. Tui làm công nhân hơn 4 năm rồi vẫn chưa dành dụm được gì. Không biết mai mốt, khi sức khỏe yếu đi, người ta không thuê làm công nhân nữa thì mình sẽ làm gì” - một phụ nữ lớn tuổi quê ở Tiền Giang, đi cùng chuyến xe chở bà Tho lên khu công nghiệp PouYuen Việt Nam làm việc, bày tỏ sự lo lắng.

Theo Tạp chí khoa học Nature Communications ngày 28/8, khu vực hạ nguồn sông Mê Kông - thực tế chỉ còn cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m, chênh lệch gần 2m so với các dữ liệu vệ tinh thường được nêu ra, vốn không chính xác khi ước lượng cao độ thẳng của các khu vực trũng (2,6m).

Với tốc độ chìm như trên, trong 57 năm tới nước biển sẽ “xóa” khoảng cách 0,8m này, đồng nghĩa số người dân chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng ở ĐBSCL tăng gấp đôi so với dự báo trước đó.

ĐBSCL được hình thành từ lớp phù sa mềm tích tụ qua hàng ngàn năm, dễ nén và dễ chìm. Tình trạng sụt lún có thể diễn ra nhanh hơn khi các con đập trên thượng nguồn chặn dòng phù sa, hoặc khi nước ngầm, khí đốt... bị rút khỏi lòng đất.

Việc xây dựng hạ tầng đô thị, đường sá... cũng làm giảm lượng nước thấm xuống lòng đất, khiến các túi nước nâng đỡ vùng đất không kịp phục hồi.
Tất cả yếu tố trên là những gì đã và đang diễn ra ở ĐBSCL trong vài chục năm qua…

Cũng bỏ quê lên phố vì không sống nổi với nghề nông, dù đang làm cho công ty may mặc có thương hiệu lớn ở TP.HCM, anh Hùng cảm thấy chưa có tương lai: “Mình quê Đồng Tháp, nhà gần khu bảo tồn Tràm Chim Tam Nông. Lúc trước, mình sống bằng nghề đánh bắt cá. Do cá, tôm ngày càng ít nên thu nhập không đủ sống, phải lên Sài Gòn làm công nhân. Trước đây nếu tăng ca liên tục, thu nhập mỗi tháng cũng được gần 10 triệu đồng. Hai năm nay, tiền lương giảm đáng kể, tháng nào cũng tăng ca mà thu nhập chỉ chừng 6-7 triệu đồng. Có lúc, mình cũng muốn về lại quê hương nhưng bây giờ về dưới cũng không biết mần chi. Như mọi năm, giờ này nước lũ đã về, cá, tôm nhà mình đã gửi lên đầy nhóc, nhưng năm nay, đã qua tháng Chín rồi mà nghe nói nước vẫn chưa lên”.

Trong khi cuộc sống của người nông dân vùng đất Chín Rồng ngày càng bấp bênh do chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng như việc xây đập thủy điện chặn dòng trên thượng nguồn sông Mê Kông, những nơi ít chịu tác động nhất, cuộc sống của người dân cũng rơi vào cảnh lao đao. Đó là những vùng trồng mía, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy đường. 

Trên lý thuyết, khi khô hạn kéo dài, đất đai thiếu nước thì việc trồng mía là phù hợp (vì mía chịu hạn tốt), nhưng vào những ngày cuối tháng 8/2019, tại vùng trồng mía nguyên liệu gần nhà máy đường Phụng Hiệp (thuộc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ) ở H.Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, nhiều nông dân ở đây cũng thở dài thườn thượt.

Mien Tay, xo xac tu be - Bai 2: Khi dong song rong ruot, phan nguoi cung lao dao
Những dòng sông ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng cạn kiệt cá, tôm khiến cuộc sống của những người dân sống dựa vào sông nước cũng bấp bênh theo - Ảnh: HOÀNG NHIÊN

Ông Nguyễn Văn Lắm - người trồng mía có tiếng ở xã Tân Phước Hưng, H.Phụng Hiệp - nói với chúng tôi với vẻ não nùng: “Còn mấy ngày nữa là thu hoạch mía được rồi nhưng chán quá nên tui chưa chuẩn bị gì. Năm nay, giá thu mua thấp quá nên lại lỗ nữa. Tui trồng tới 2 héc-ta mà lỗ hoài nên chẳng muốn trồng mía nữa. Nếu nhà máy không nâng giá thu mua lên, chắc tui phải tính đường khác”.

Cũng từng là người trồng mía nổi tiếng ở thị trấn Búng Tàu, H.Phụng Hiệp nhưng ông Lê Văn Dậu đã giảm diện tích trồng mía: “Giá mía nhà máy thu mua thấp nên tính ra không có lời. Trồng mía lỗ miết nên mấy năm nay, tui chuyển dần sang trồng tràm. Cây tràm cũng bấp bênh lắm, nên không biết có thắng hay không” - ông Dậu tâm tư.

Ông Hồ Thanh Hòa - Trưởng phòng Kỹ thuật, Nhà máy đường Phụng Hiệp - cho biết, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ có hai nhà máy đường (Phụng Hiệp và Vị Thanh). Năm nay, do vùng trồng mía nguyên liệu của công ty giảm đáng kể nên một nhà máy phải tạm dừng hoạt động vì không có nguyên liệu. Về việc người trồng mía phản ánh giá thu mua thấp, ông Hòa giải thích: “Công ty cũng muốn nâng giá thu mua lên để khuyến khích người dân trồng mía, nhưng do đường bán ra thị trường không có lời nên giá mua cũng ảnh hưởng theo”.

Mê Kông kiệt quệ, đất Chín Rồng long đong

Nhiều lần theo ghe ngược dòng sông Tiền, sông Hậu, qua các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, chúng tôi nhận thấy, số người đánh bắt cá trên sông ngày càng ít, trong khi các phương tiện khai thác cát lại nhiều vô kể. Dọc bờ sông, hầu như chỗ nào cũng thấy cảnh sạt lở, nhất là những đoạn có dự án nạo vét luồng sông, tận thu cát với số lượng lớn.

Đứng trên bờ chỉ ra phía mặt sông cách xa cả trăm thước, ông Thắm - nhà gần khúc sông bị sạt lở dữ dội thuộc xã Long Thuận, H.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - chau mày: “Lúc trước, nhà tui xây ở tận ngoài đó, giờ sạt tới trong này rồi. Sông sạt lở miết mà họ cứ cho xáng cạp nạo vét lấy cát cả ngày lẫn đêm thì sao không sạt cho được”. Cả xã Long Thuận chỉ có khoảng 5.000 hộ dân nhưng trong mấy năm qua, tình trạng sạt lở xảy ra liên tiếp khiến hơn 1.000 hộ dân ven sông phải di dời đi nơi khác.

Mien Tay, xo xac tu be - Bai 2: Khi dong song rong ruot, phan nguoi cung lao dao
Dù được cho là ít chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, cuộc sống của người dân trồng mía cũng bấp bênh - Ảnh: HOÀNG NHIÊN

Từng tham gia nghiên cứu về tác động của BĐKH đến khu vực hạ nguồn sông Mê Kông, ông Hồ Long Phi - nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và BĐKH, thuộc Trường đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng, những tác động của BĐKH đến ĐBSCL đang ngày càng rõ rệt, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân.

“Theo tác động mang tính dây chuyền, khi nước trên thượng nguồn sông Mê Kông về ít, tình trạng xâm nhập mặn sẽ tăng lên. Người trồng lúa ở miền Tây sẽ phải tìm cách thích nghi như chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hoặc trồng những giống lúa có khả năng thích nghi với hạn mặn. Nếu không thích nghi được, họ buộc phải đi nơi khác tìm kế mưu sinh” - ông Phi phân tích.

Theo ông Phi, người dân ĐBSCL chủ yếu sống bằng nghề nông và phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sông nước. Do đó, khi sông cạn kiệt phù sa và tình trạng nhiễm mặn gia tăng, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi.

“Lâu nay, ĐBSCL được biết đến là vùng đất trù phú. Do được thiên nhiên ưu đãi nên người dân có cuộc sống dư giả, phóng khoáng. Nhưng qua các đợt khảo sát thực tế và so sánh các số liệu thống kê, chúng tôi nhận thấy, mức sống của người dân ở ĐBSCL rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Năm 2015, khi khảo sát 3.000 hộ dân ở khu vực bị ảnh hưởng của BĐKH ở tỉnh Bến Tre, chúng tôi ghi nhận, có đến 70%  hộ dân đang mắc nợ” - ông Phi chia sẻ thêm. 
(Còn tiếp)

Chưa có số liệu đầy đủ về di dân 

Trao đổi với chúng tôi về hiện tượng di dân ở ĐBSCL, nhiều nhà khoa học từng nghiên cứu về tác động của BĐKH đến khu vực này cho rằng, do ảnh hưởng của các đập thủy điện dày đặc trên thượng nguồn sông Mê Kông, đặc biệt là của Trung Quốc, nên ĐBSCL bị khô hạn kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp, nhất là đối với nghề trồng lúa. Vì vậy, di dân cũng tăng lên đáng kể. “Vài năm gần đây, nhìn tình trạng kẹt xe trên trục Quốc lộ 1A vào các đợt nghỉ lễ, dễ nhận thấy lượng người dân ở miền Tây đến TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương làm việc tăng như thế nào” - một chuyên gia dẫn chứng. 

Dù vậy, hiện chưa thấy đơn vị nào công bố số liệu thống kê cụ thể và đầy đủ về tình trạng di dân ở miền Tây, giai đoạn từ năm 2010 đến nay. Từng tham gia nghiên cứu nhiều đề tài về tác động của BĐKH đến khu vực ĐBSCL, ông Hồ Long Phi cho biết, việc tìm kiếm số liệu thống kê về tình trạng di dân rất khó vì không có dữ liệu chính xác: “Rất khó thống kê về tình trạng di dân trên diện rộng vì quy mô quá lớn. Hy vọng qua đợt điều tra dân số toàn quốc năm 2019, Tổng cục Thống kê Việt Nam sẽ có đủ tư liệu để phân tích, đánh giá về tình trạng di dân ở ĐBSCL”.

Hoàng Nhiên - Lê Nguyễn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI