Miền Tây đang là mục tiêu của những kẻ buôn người

23/04/2018 - 15:30

PNO - Mới đây, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Công an TP.Hải Phòng giải cứu ba phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc, trong đó có hai người quê ở Đồng Tháp và một người quê ở Kiên Giang.

Đánh vào lòng tham

Ba nạn nhân được lực lượng công an giải cứu là Phan Thị Hồng N. (SN 1993, trú tại H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), Nguyễn Thị Bích T. (SN 1986, trú tại H.Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) và Lê Thị Cẩn Ng. (SN 2002, trú tại H.Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang). Ba người này được hai đối tượng tên Oanh và Tâm (không rõ lai lịch) làm quen. 

Mien Tay  dang la  muc tieu  cua nhung  ke  buon  nguoi
Một nạn nhân bị lừa bán đang cung cấp lời khai. Ảnh: Công an tỉnh Quảng Ninh

Dù trước đó không quen biết, nhưng khi nghe hai đối tượng này dụ dỗ sang Trung Quốc làm nghề may với tiền công 15 triệu đồng/tháng hoặc lấy chồng giàu, cả ba liền đồng ý. Sau khi hẹn ngày, Tâm đón cả ba người tại bến xe Miền Đông (TP.HCM), rồi đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất, mua vé đi TP.Hải Phòng. Tâm không đi cùng mà hướng dẫn cách di chuyển cho ba người qua điện thoại.

Xuống sân bay Cát Bi (TP.Hải Phòng), theo hướng dẫn của Tâm, ba cô gái này gọi taxi đến TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, nơi có người ra đón và thanh toán toàn bộ tiền xe. Cả ba nạn nhân đều không mảy may nghi ngờ người phụ nữ “tốt bụng” mới quen này, cho đến khi xe di chuyển được một lúc, chị N. mới nghi ngờ: nếu lấy chồng Trung Quốc, tại sao không bay thẳng sang đó mà lại phải đi qua cửa khẩu. Biết mình bị lừa, N. đã liên hệ với người thân nhờ gọi cầu cứu Công an TP.Hải Phòng. 

Nhận được tin báo, Công an TP.Hải Phòng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Quảng Ninh và lực lượng cảnh sát giao thông đã dừng chiếc xe taxi tại H.Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, đưa ba phụ nữ này về trụ sở công an. Tại đây, theo lời kể của các nạn nhân, lực lượng chức năng đã xác định cả ba người đều bị lừa để bán sang Trung Quốc.

Tìm cách liên lạc theo số điện thoại của Tâm và Oanh thì hai đối tượng này đều đã khóa máy. Các nạn nhân cũng không có thông tin gì khác của các đối tượng này.

Thủ đoạn mới, nạn nhân mới

Thượng úy Phạm Xuân Đức - thuộc  PC45 Công an tỉnh Quảng Ninh, là cán bộ phụ trách vụ việc này - thông tin: “Ba phụ nữ này cho biết, nghe người ta nói kiếm tiền dễ là đi theo chứ không biết người ta là ai”. Cũng theo thượng úy Đức, để tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng, các đối tượng buôn người giờ không ra mặt “áp tải” nạn nhân như trước mà chỉ đạo qua điện thoại.

Tại sân bay, cũng sẽ có một đối tượng khác đưa vé máy bay cho các nạn nhân. Bọn buôn người sẽ hướng dẫn nạn nhân ra cửa khẩu Móng Cái, đi theo đường tiểu ngạch hoặc đi đò sang bên kia biên giới, sẽ có một đối tượng khác đón ở đó. 

Trong nhiều vụ việc, đối tượng buôn người còn đến tận nhà, hứa hẹn sẽ đưa sang Trung Quốc lao động hoặc lấy chồng giàu. Bọn chúng không đưa tiền cho nạn nhân ngay hoặc chỉ đưa một phần làm lộ phí nhưng vẫn có nhiều người tin tưởng, tự nguyện đi theo. Cũng có những trường hợp được đưa sang lao động thật, lấy chồng một vài tháng để kiếm tiền rồi trở về nhưng vô cùng vất vả; đa phần các trường hợp bị bán ngay khi sang nước bạn.

Việc nạn nhân tự nguyện làm theo lời của những kẻ buôn người khiến lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Kẻ chủ mưu thường ở bên Trung Quốc và nạn nhân cũng chỉ biết mình bị bán khi sang tới nơi. Vì thế, trong quá trình di chuyển ở Việt Nam, sẽ rất khó xác định được liệu những phụ nữ đó có phải là nạn nhân vụ buôn bán người hay không.

Thượng úy Đức nhận xét: “Điều đáng chú ý là gần đây, có rất nhiều nạn nhân từ các tỉnh miền Tây Nam bộ như Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… Trước đây, các đối tượng buôn người thường nhắm vào những phụ nữ dân tộc thiểu số ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, còn gần đây, chúng nhắm vào các cô gái ở miền Tây Nam bộ vì ở đó, thông tin về loại hình tội phạm này vẫn còn mới mẻ”. 

Chi Mai - An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI