Mạng xã hội lại náo loạn vì tin nhảm

15/09/2017 - 11:00

PNO - Tối 13/9, xe của hai nhân viên đội săn bắt chó (ĐSBC) thả rông thuộc Chi cục Thú y TP.HCM bị các trang mạng tung tin là “xe bắt chó giả”.

Trước đó vài giờ, thông tin bịa đặt về vụ chặt đầu ở một trung tâm thương mại cũng đã gây rúng động trên mạng.

Lấy hình cán bộ thú y để tạo tin giả

Mang xa hoi  lai nao loan vi tin nham
Hình ảnh hai cán bộ thú y đi làm nhiệm vụ bị “mượn” để tại tin “xe bắt chó giả”

Hàng loạt trang mạng và nhiều tài khoản facebook tối 13/9 đồng loạt đăng tin “Khẩn cấp: Xuất hiện xe bắt chó giả ở TP.HCM”. Bản tin tường thuật khá chi tiết rằng, một số đối tượng đã thuê xe tải, giả dạng người của Chi cục Thú y TP.HCM đi bắt chó thả rông. Người đưa tin này còn khẳng định: “Ngày 13/9, cơ quan công an cho biết vừa bắt được đối tượng giả mạo ĐSBC.

Chiếc xe tải treo băng-rôn ĐSBC khi đi qua P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân đã bắt hàng loạt chó, sau đó bị người dân chặn lại đòi xuất trình giấy tờ. Tại cơ quan công an, hai thanh niên này đã lộ nguyên hình là những tay trộm chó chuyên nghiệp, từng có tiền án về trộm chó là Ngô Hải Đăng (17 tuổi) và Huỳnh Hữu Nghĩa (24 tuổi, cùng ngụ H.Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng...”.

Chỉ sau vài giờ đăng tải, bản tin trên đã nhận được hàng chục ngàn lượt chia sẻ, bình luận. Trong đó, có rất nhiều bình luận ác ý, nhằm chỉ trích ĐSBC của Chi cục Thú y TP.HCM. Không ít người chia sẻ bản tin trên là doanh nhân, nghệ sĩ nổi tiếng. Sáng 14/9, trao đổi với chúng tôi, đại tá Trần Văn Ngọc - Trưởng công an Q.Bình Tân - tỏ ra bất ngờ về thông tin trên. Ông khẳng định, đó là thông tin bịa đặt; trong những ngày qua, công an Q.Bình Tân không tạm giữ hay bắt bất cứ đối tượng nào giả mạo ĐSBC.

Ông Phạm Minh Trí - Trưởng trạm Phòng chống dịch và kiểm dịch động vật, Chi cục Thú y TP.HCM - cho biết từ lúc xuất hiện thông tin bịa đặt trên, rất nhiều người gọi điện hoặc trực tiếp đến hỏi thăm ông về việc này. “Thông tin giả khiến chúng tôi gặp nhiều phiền phức” - ông Trí nói. Sau khi hình ảnh của hai nhân viên ĐSBC bị sử dụng để tạo tin “dỏm”, nhiều người đã sử dụng nó để chế ảnh kèm những lời miệt thị. 

Cũng trong ngày 13/9, trên mạng xã hội bất ngờ xuất hiện hình ảnh bảo vệ tập trung rất đông ở Trung tâm thương mại Royal City Vincom (TP.Hà Nội) kèm thông tin “vừa có án mạng chặt đầu ở Royal City Vincom”. Thông tin này cũng lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Xác định đây là thông tin giả, cùng ngày, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.Hà Nội đã triệu tập đối tượng tung tin là Đào Ngọc Khánh (SN 1997, quê ở H.Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Tại cơ quan công an, Khánh khai nhận mình là người bán hàng qua mạng, vô tình chụp được bức ảnh và đã chỉnh sửa, tung tin đồn nhảm lên mạng để nhiều người biết đến mình.

Tránh làm kẻ tiếp tay cho tin xấu

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 3/11/2013 của Chính phủ, người tung tin đồn sai sự thật có thể bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng; nếu tung tin đồn sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử lý hình sự về các tội “vu khống”, “làm nhục người khác” hoặc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”. 

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn của Công an TP.HCM - khẳng định bất cứ người nào tung tin bịa đặt gây ảnh hưởng xấu đến dư luận đều bị điều tra và xử lý nghiêm. Đại tá Quang cảnh tỉnh: “Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự. Người tung tin chắc chắn sẽ bị xử lý, nhưng người đọc thông tin cũng phải hết sức cảnh giác, tránh làm người tiếp tay cho thông tin xấu”.

Tiến sĩ (TS) xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia - cho rằng trong thời đại của mạng xã hội, tin đồn có sức “công phá” vô cùng lớn, nhất là khi nhiều người chưa có thói quen kiểm chứng thông tin trước khi like hay share. Theo TS Thúy, ai cũng có thể là nạn nhân của tin đồn, vì vậy, cần học cách ứng phó nó. “Chúng ta cần nhớ: sự thật chỉ có một; ta biết những gì ta làm, ta nói, còn tin đồn bịa đặt sớm hay muộn cũng tan theo gió. Vì vậy, đừng bị cuốn theo nó mà hãy lùi lại, quan sát, bình tĩnh bước tiếp, làm tiếp những gì mình cho là đúng. Hãy bình tĩnh và cho mọi người biết sự thật qua sự bình thản của bạn” - TS Thúy khuyên. 

Xử phạt nhiều đối tượng tung tin sai sự thật

- Đào Xuân Hòa - 26 tuổi, ngụ tỉnh Thái Nguyên - vừa bị cơ quan chức năng xử phạt 12,5 triệu đồng do ngày 25/8 đã tung lên trang facebook cá nhân hình ảnh, thông tin bịa đặt “vỡ đập hồ Núi Cốc”. 

- Ngày 29/8, Công an tỉnh Hà Nam đã xử phạt Nguyễn Văn Thắng 10 triệu đồng vì hành vi đăng tin sai sự thật, gây tổn hại danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác. Trước đó, Thắng đã lên facebook tung tin chị V.T.H.Y. bị công an bắt về tội cướp tài sản, hiếp dâm, nhằm bôi nhọ danh dự chị Y.

- Vào cuối tháng 7/2017, đối tượng Phạm Thị Mùi (SN 1990, tạm trú tại P.Kim Giang, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) cũng đã bị cơ quan chức năng triệu tập và xử phạt hành chính vì đăng tin “rơi máy bay ở Nội Bài” nhằm “câu like” để dễ bán hàng qua mạng.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI