Mạng sống mong manh vì vũng nước trên đường

03/11/2018 - 06:00

PNO - Một tuyến đường có nhiều người chết do né vũng nước nhưng sau 3 năm vẫn chưa được sửa chữa, cho thấy công tác kéo giảm tai nạn giao thông vẫn chưa được thực hiện quyết liệt.

Tránh vũng nước, đụng… xe tải

TP.HCM đã vào mùa nắng nhưng đường Đặng Thúc Vịnh - tuyến giao thông quan trọng ở H.Hóc Môn - vẫn thường xuyên đọng nước và tai nạn cứ chực chờ xảy ra. “Hầu như ngày nào cũng có va quệt xe do né vũng nước. Ban đêm, do thiếu đèn đường nên tai nạn xảy ra hoài. Nhiều hôm đang ngủ, nghe tiếng xe tông nhau mà sợ quá, không dám ra xem” - chủ một tiệm tạp hóa ở đoạn đường qua địa phận ấp 7, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, phản ánh.

Mang song mong manh vi vung nuoc tren duong
Đường Đặng Thúc Vịnh dù đã có nhiều người chết do né vũng nước nhưng sau 3 năm đề xuất tuyến đường này vẫn chưa được sửa chữa - Ảnh: H.N.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều đoạn trên đường Đặng Thúc Vịnh chỉ rộng chừng 6m nhưng hai bên có nhiều vũng nước đọng nên mặt đường bị bó hẹp. Nhiều người chạy xe máy, theo phản xạ tự nhiên, khi thấy vũng nước trên đường thì đánh tay lái gấp để né, nên rất dễ bị va chạm với các phương tiện khác. Trong khi đó, đây là tuyến đường có nhiều xe tải lưu thông.

“Tình trạng đường đọng nước đã kéo dài nhiều năm nhưng không thấy sửa. Tôi rành đường này mà nhiều đêm còn sụp ổ gà, huống hồ người lạ” - một người chạy xe ôm ở tuyến đường Đặng Thúc Vịnh bày tỏ.

Tại TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2018, đã có hơn 550 người chết và hơn 2.000 bị thương do TNGT.

Theo Công an H.Hóc Môn, tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) ở đường Đặng Thúc Vịnh đã được báo động từ năm 2016 nhưng đến nay, đường vẫn chưa được sửa chữa.

Số liệu tổng hợp của Công an H.Hóc Môn cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2016, trên đường Đặng Thúc Vịnh đã xảy ra 5 vụ TNGT nghiêm trọng làm 5 người chết và 2 người bị thương. Một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT là do người điều khiển phương tiện né vũng nước đọng trên đường. 

Mang song mong manh vi vung nuoc tren duong
Xe container ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung không có những thiết bị che chắn dọc thân xe nên khi va chạm, rất dễ cuốn xe máy vào gầm làm chết người - Ảnh: S.V.

“Nếu xem tính mạng người dân là quan trọng nhất thì khi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phải ưu tiên giải quyết trước những khu vực thường xảy ra TNGT chết người. Đường xảy ra tai nạn chết nhiều người mà không ưu tiên sửa chữa chứng tỏ công tác kéo giảm TNGT chưa được thực hiện quyết liệt” - một chuyên gia về lĩnh vực giao thông nhận định.

Hạ tầng kém, bố trí giao thông cũng “trời ơi”

Nhận định của vị chuyên gia nói trên khá trùng hợp với thực trạng giao thông ở cửa ngõ phía Tây TP.HCM - một trong những khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn chết người nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư tương xứng.

Mỗi năm, 100 người chết do đi bộ ở lòng đường 

Trong một thời gian dài, dư luận “rần rần” với câu chuyện ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND Q.1 - quyết liệt xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Song, mục đích cuối cùng của chiến dịch lập lại vỉa hè gần như không được nhắc tới.

Khi chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè không đạt được kết quả như mong muốn, ông Đoàn Ngọc Hải đã từng nộp đơn xin từ chức. Trong đơn, ông có đề cập đến thực trạng “mỗi năm, ở TP.HCM, có 100 người chết do đi bộ ở lòng đường” để nhấn mạnh ý nghĩa của công tác lập lại trật tự lòng lề đường. Thế nhưng, lý do này hầu như không được chú ý. 

Cụ thể, theo số liệu tổng hợp của UBND H.Bình Chánh, tính từ giữa tháng 12/2017 đến hết tháng 9/2018, tại huyện này, đã xảy ra 102 vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết 104 người, tăng 21 người so với cùng kỳ năm trước. Ngoài số vụ TNGT chết người trên, còn có 382 vụ va chạm giao thông làm 274 người bị thương.

UBND H.Bình Chánh nhìn nhận, địa phương không đảm bảo được chỉ tiêu kéo giảm TNGT trên cả 3 mặt (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2017.

Một trong những nguyên nhân làm gia tăng TNGT là do cơ sở hạ tầng giao thông chưa được hoàn thiện, nhiều tuyến đường chật hẹp so với lưu lượng lưu thông, phần đường dành cho xe máy không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều tuyến đường đọng nước, hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp. 

Trong khi ở cửa ngõ phía Tây, số người chết do TNGT tăng cao thì ở cửa ngõ phía Đông và trục giao thông phía Nam, nỗi ám ảnh về tai nạn do xe container gây ra vẫn còn đó. Chỉ tính trên xa lộ Hà Nội, từ tháng 4/2018 đến nay, đã có 4 vụ TNGT liên quan đến xe container. 

Một số chuyên gia về giao thông cho rằng, những vụ va chạm giữa xe container và xe máy cho thấy hạ tầng bất cập. Người lưu thông ở TP.HCM đa phần bằng xe máy, nhưng trên nhiều tuyến đường, vẫn còn tình trạng xe container và xe máy lưu thông chung với nhau, rất nguy hiểm. Chỉ cần va quệt nhẹ, người chạy xe máy có thể tử vong.

Một vị chuyên gia về giao thông cho rằng, nếu chưa có làn đường riêng cho xe container, vẫn có phương án đảm bảo an toàn cho người chạy xe máy. “Tôi thấy ở nhiều nước, xe container thường được trang bị những tấm bạt dày hoặc thanh chắn dọc bánh xe để đảm bảo an toàn khi chạy vào nội thành. Còn ở nước ta, xe container thường không được che chắn nên khi va chạm, thường cuốn xe máy vào gầm dẫn đến chết người. Do đó, khi điều kiện hạ tầng chưa đảm bảo, cần nghiên cứu tìm những giải pháp hiệu quả hạn chế tai nạn chết người” - vị này nói. 

TP.HCM sẽ lập fanpage tiếp nhận sự cố hạ tầng kỹ thuật

UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng UBND TP.HCM triển khai tích hợp phần mềm đường dây nóng của lãnh đạo thành phố và phần mềm tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật 1022.

Trong công văn này, UBND TP.HCM cũng đồng ý chủ trương mở rộng hệ thống 1022 cho việc tiếp nhận thông tin về môi trường và trật tự đô thị, đồng thời cho phép mở fanpage (trang trên mạng xã hội Facebook) có tên “1022 TP.HCM” nhằm tiếp nhận và phản hồi thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống 1022.

Quốc Ngọc

Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI