Kiến trúc chính quyền điện tử sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của TP.HCM

09/10/2018 - 19:09

PNO - Triển khai kiến trúc chính quyền điện tử sẽ giúp TP.HCM nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế, cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực.

Chiều 9/10 UBND TP.HCM tổ chức lễ công bố “Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố”. Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Thị Trung Trinh cho biết, hiện nay người dân và nhiều doanh nghiệp chưa tham gia nhiều vào các dịch vụ công trực tuyến vì chưa có nhiều thuận tiện, trong đó vấn đề quan trọng là TP chưa ban hành khung kiến trúc chính quyền điện tử.

Kien truc chinh quyen dien tu se giup giai quyet nhieu van de buc xuc cua TP.HCM
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến

Thế nên, việc công bố kiến trúc chính quyền điện tử TP là kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai thống nhất các ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan công quyền TP, đáp ứng mục tiêu xây dựng thành phố thông minh. Kiến trúc chính quyền điện tử TP sẽ dựa trên các của cách mạng công nghệ 4.0 như internet vạn vật (IOT), cơ sở dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ trợ lý ảo…

Với khung kiến trúc chính quyền điện tử này, TP.HCM hy vọng sẽ nâng cao tốc độ tăng trưởng, năng lực cạnh tranh thông qua công nghệ thông tin của cuộc cách mạng 4.0 để xây dựng chính quyền số và thành phố thông minh, giải quyết nhiều vấn đề bức xúc hiện nay của người dân như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường và chăm lo cuộc sống người dân.

Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ thay đổi đời sống kinh tế xã hội của một đất nước và cả thế giới, do đó việc xây dựng thành phố thông minh không còn là vấn đề thông tin đường truyền mà là sự kết nối vạn vật. Khi kiến trúc này này được xây dựng, các sở ngành, quận huyện phải nhanh chóng đưa các giải pháp công nghệ vào quản lý, triển khai nhanh các dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân.

Ông Tuyến khẳng định, nếu không ứng dụng công nghệ thì không thể giải quyết số hồ sơ của một thành phố hơn 10 triệu dân, số lượng hồ sơ trễ hẹn hiện nay chỉ khoảng 0,6% nhưng tính ra con số thì sẽ lên đến hàng ngàn hồ sơ. “Khi thực hiện cần chú ý đến những vùng ngoại thành, là nơi có diện tích lớn và đi lại khó khăn hơn khu trung tâm. Đó mới chính là những nơi cần nhất” – ông Tuyến lưu ý.

Bên cạnh đó, khi thực hiện đề án này phải tuân thủ tuyệt đối hành lang pháp lý, không được tự động làm, không phải cho miễn phí là nhận, vì còn phải tính đến kết nối, dữ liệu. Trong đó, các đơn vị cần đặc biệt chú ý đến việc bảo mật thông tin, bởi nếu bị lộ thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm.

Nguyên Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI