Kiểm tra chuyên ngành vẫn ám ảnh doanh nghiệp

21/12/2018 - 11:54

PNO - Hiện có tới hơn 800 văn bản quy phạm pháp luật, 365 thủ tục, hơn 300 biện pháp kiểm tra, kiểm soát liên quan tới quản lý chuyên ngành.

Ngày 20/12, tại hội thảo tập hợp ý kiến doanh nghiệp và rà soát thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra tại TP.HCM (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức), ông Trần Ngọc Liêm - Phó giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM - cho biết, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn là vấn đề “nhức nhối”, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Cụ thể, thời gian thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn kéo dài, khiến việc đưa nguyên vật liệu vào sản xuất và giao hàng tới đối tác gặp nhiều khó khăn, làm gia tăng chi phí, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và tác động tiêu cực lên môi trường kinh doanh.

Kiem tra chuyen nganh van am anh doanh nghiep
Ảnh minh hoạ.

Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, hiện có tới hơn 800 văn bản quy phạm pháp luật, 365 thủ tục, hơn 300 biện pháp kiểm tra, kiểm soát liên quan tới quản lý chuyên ngành. Trong đó, có nhiều mặt hàng phải thực hiện nhiều yêu cầu kiểm tra chuyên ngành khác nhau, do nhiều bộ, ngành khác nhau quản lý.

Các bộ Công thương, Xây dựng, Y tế tuy có những cải cách tích cực trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành nhưng một số bộ, ngành khác chưa có sự chuyển biến nào cụ thể. Hiện có khoảng 78.000 nhóm/mặt hàng phải kiểm tra chuyên, nhiều mặt hàng chịu sự kiểm tra chồng chéo giữa các bộ hoặc giữa các đơn vị trong một bộ. Tình trạng này đã được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần, nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn chỉ ra nhiều bất cập trong cải cách thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, nhiều thủ tục đã được điện tử hóa nhưng doanh nghiệp vẫn phải nộp chứng từ gốc cho hải quan mới được thông quan (!). Chưa kể, việc giám sát hoạt động của các trung tâm giám định, kiểm định chưa được quan tâm, dễ nảy sinh tiêu cực.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng CIEM - cho rằng, muốn cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, phải chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng phương thức quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân. Muốn thực hiện được điều đó, cần loại trừ lợi ích của các bộ, ngành trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, nên xã hội hóa các trung tâm kiểm định, giám định, cấp giấy chứng nhận… để đảm bảo sự khách quan.

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI