Không quốc gia nào nhẹ tay với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

27/10/2018 - 06:28

PNO - Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em đang nổi lên, buộc chúng ta phải vào cuộc giải quyết ngay, tránh tình trạng để nó âm ỉ, đến khi bùng phát mới giải quyết thì rất khó.

Nạn xâm hại tình dục trẻ em đã từng được các bộ, ngành trung ương xác định là vấn đề nóng, cần giải quyết, thậm chí từng được đưa ra thảo luận tại nghị trường của kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2018). Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết: 

Khong quoc gia nao nhe tay voi toi pham xam hai tinh duc tre em
 

- Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em, do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm chủ tịch, các phó chủ tịch là bộ trưởng các bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế; ủy viên là đại diện của 22 ban, ngành khác. Việc đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em đã quyết liệt hơn trong toàn bộ hệ thống theo hướng ưu tiên xử lý các vụ án xâm hại trẻ em. Chính phủ cũng chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, bao gồm chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, cung cấp cơ hội tiếp cận thông tin, vui chơi giải trí, giúp trẻ được sống an toàn, không bị xâm hại, tổn hại… 

* Phóng viên: Nhưng dường như các vụ bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em lại đang có xu hướng gia tăng. Liệu có phải do khung xử phạt của luật pháp chưa đủ sức răn đe?

- Ông Đặng Hoa Nam: Chúng ta phải nhìn nhận rằng, bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề rất nhức nhối nhưng nó lại đồng hành với xã hội loài người. Ở nhiều quốc gia phát triển, vẫn có những vụ việc kinh hoàng như ông bố nhốt con gái dưới hầm, sinh con đẻ cái dưới hầm, cách ly khỏi đời sống xã hội, hơn 10 năm sau, cảnh sát mới phát hiện. Nói vậy không phải là chúng ta phủ nhận trách nhiệm, mà chúng ta phải giải quyết vấn đề nhưng không thể sốt ruột làm trong ngày một ngày hai được. Chúng tôi còn phải căn cứ quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đã được quy định bằng pháp luật để kiến nghị, trước mắt là thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, sau đó là có những biện pháp tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin. Chúng tôi sẽ trình kiến nghị này lên bộ trưởng, từ đó trình lên Chính phủ.

* Còn với vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em nam, thưa ông?

- Vấn nạn này đang nổi lên, buộc chúng ta phải vào cuộc giải quyết ngay, tránh tình trạng để nó âm ỉ, đến khi bùng phát mới giải quyết thì rất khó. Việc người nước ngoài đến sinh sống, làm việc, du lịch mà có hành vi xâm hại tình dục trẻ em nam là điều rất khó tránh khỏi và gia tăng cũng là điều tất yếu khi hội nhập. Quy trình bảo vệ trẻ em đã được Chính phủ quy định rất chi tiết, nhưng đối với một số vụ việc cụ thể, vẫn cần có những quy định thống nhất về quy trình phối hợp xử lý, trong đó quan trọng nhất là chia sẻ thông tin ban đầu.

Chúng tôi sẽ cố gắng hình thành đầu mối thu thập những thông tin đầu tiên, rồi từ đó chia sẻ thông tin đến các bên liên quan là các tổ chức bảo vệ trẻ em trong nước và quốc tế, cơ quan xuất nhập cảnh, cảnh sát điều tra, bộ phận phụ trách cư trú. Đó là phòng ngừa, còn khi đã xảy ra rồi, cũng cần phối hợp đồng bộ trong từng vụ việc, từ việc bảo vệ nạn nhân, tái hòa nhập cho nạn nhân cũng như đấu tranh phòng chống tội phạm, đưa ra trước pháp luật.

* Đôi khi vì yếu tố ngoại giao mà việc xử lý các đối tượng xâm hại trẻ em là người nước ngoài nhẹ hơn so với mức độ phạm tội, ví như đối tượng Vadim Scott người Canada chỉ nhận bản án 4 năm tù, trong khi hắn nhiều lần xâm hại tình dục trẻ em nam và nhiều cháu là nạn nhân của hắn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Về tư pháp, về quyền trẻ em và quyền con người thì hành vi xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng là hành vi mà cả nhân loại không chấp nhận, cả về pháp lý và đạo lý. Khi tội phạm loại này vào tù, thường bị bạn tù “xử lý” rất mạnh; khi mãn hạn tù, họ cũng rất khó sống tại địa phương vì sự kỳ thị của cộng đồng. Hành vi này bị lên án đến mức nhiều quốc gia còn gắn chíp, thậm chí là thiến hóa học. Nhưng ở nước ta hiện nay, lại có tình trạng ngược lại: người phải chuyển đi nơi khác lại là nạn nhân! Trong quá trình xét xử, thậm chí thủ phạm còn quay sang dọa nạt gia đình nạn nhân (vụ Nguyễn Khắc Thủy ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhơn nhơn đi lại ngoài đường.

Tôi tin rằng, dù chúng ta có xử nặng đối với người của bất cứ quốc gia nào thì họ cũng không thể phản ứng, vì với tội xâm hại tình dục trẻ em thì không một quốc gia nào nhẹ tay hay dung thứ. Cơ quan tư pháp cần vận dụng tối đa khung hình phạt với loại tội phạm này.

* Xin cảm ơn ông. 

Minh Tâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI