Không ngạc nhiên!

01/03/2019 - 06:24

PNO - Không nhượng bộ trước vấn đề cốt lõi thì mọi biểu hiện có vẻ thân thiết, mềm mỏng, hay “thích nhau” cũng khó mà đi đến kết quả đàm phán.

Từ các nội dung thứ phát như: giảm số lượng quân đội Mỹ trú đóng tại Hàn Quốc, tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên, nới lỏng lệnh trừng phạt… cho đến nội dung nguyên phát từ hai phía: Mỹ dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận, Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn; tất cả đều “rơi tự do”, thậm chí, kết quả cuối cùng đánh đổi cấm vận - hạt nhân cũng không đạt được bất cứ thỏa thuận bước đầu nào. 

Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đều biết rõ từng mi-li-mét mục đích đàm phán, và cũng chính họ đã đưa ra các điều kiện đi kèm hoàn toàn bất khả. Chủ tịch Kim Jong Un nói, chấp nhận phi hạt nhân hóa nhưng Mỹ phải bãi bỏ lệnh cấm vận trước. Tổng thống Donald Trump bảo, họ (tức Triều Tiên) chỉ muốn đưa ra một phần của cơ sở hạt nhân trong khi bãi bỏ lệnh cấm vận hoàn toàn thì Mỹ chưa sẵn sàng làm. 

Khong ngac nhien!
 

Không nhượng bộ trước vấn đề cốt lõi thì mọi biểu hiện có vẻ thân thiết, mềm mỏng, hay “thích nhau” cũng khó mà đi đến kết quả đàm phán. Việc không thông qua tuyên bố chung tại Hà Nội hay một nơi nào đó, sẽ tiếp tục được “thỏa thuận” trong tương lai. 

Bởi nhìn sâu hơn, xa hơn, vòng kềm tỏa - xung đột giữa các nước, lớn hơn là giữa các cực của thế giới vẫn đang xoay. Tháng 10/2018, Tổng thống Donald Trump xác nhận sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã ký với Nga từ năm 1987, đồng nghĩa với việc Mỹ trở lại cuộc đua sản xuất vũ khí hạt nhân tầm trung. Trước đó, Mỹ đưa ra cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi vẫn âm thầm phát triển tên lửa đạn đạo hạt nhân phóng từ mặt đất 9M729. Washington cũng cho rằng, sự tuân thủ hiệp ước trong 30 năm qua đã khiến Mỹ thất thế trong đối đầu chiến lược với Trung Quốc trên Thái Bình Dương.

Với Triều Tiên, thời gian qua đã tỏ ra cởi mở hơn nhưng vẫn trồi sụt trong sự nửa tin nửa ngờ. Một Punggye-ri hay nhiều hơn thế cho thấy đã phá hủy nhưng còn Yongbyon, xa hơn nữa là lò phản ứng 20 megawatt có khả năng sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho vài quả bom nguyên tử vẫn là mối đe dọa không chỉ các quốc gia láng giềng, mà cho chính nước Mỹ và phần còn lại của thế giới. 

Thậm chí, ngay khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019 đang không tìm được tiếng nói chung về vấn đề phi hạt nhân hóa thì trong cuộc căng thẳng giữa hai nước láng giềng Nam Á vừa xảy ra, phía Pakistan đã cảnh báo những tính toán sai lầm của Ấn Độ có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân. 

Trong vòng quay 24 giờ, bên này, ban ngày, con người ra sức kêu gọi giải giáp vũ khí hạt nhân; bên kia, ban đêm, con người lại nhập cuộc, thách thức, sử dụng vũ khí hủy diệt. Mâu thuẫn, xung đột nào, là ý thức hệ, là sắc tộc, là tín ngưỡng, là quyền lực thống trị rồi cũng dẫn tới xung đột quân sự - nơi phần chập choạng, tăm tối, hiếu sát nhất của con người, luôn tìm thấy mối lợi cho những thương vụ khí tài, đạn dược. Với bản chất vốn dĩ ấy, liệu chừng dễ có được cú “bắt tay lịch sử” ngay tại Hà Nội cho lần đàm phán thứ hai của mối xung đột cực kỳ phức tạp? Không thể. 

Nhìn không khí nồng nhiệt chào đón của nước chủ nhà Việt Nam trong những ngày qua, ngắm cuộc đổ bộ hùng hậu của làng truyền thông thế giới đến Hà Nội trước thời khắc 14g53 - cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ kết thúc; không ai khỏi ngạc nhiên về thiện chí, sự lạc quan của một đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh chưa đầy nửa thế kỷ, cũng đã từng chìm trong những phiên đàm phán kéo dài - mà Hiệp định Paris 1973 với thời gian đàm phán 5 năm là một ví dụ - trước khi có được chữ ký chính thức. 

Nếu không có buổi “chiều hè lịch sử”, 7/5/1954 tại Điện Biên Phủ thì đã không thể có Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết tại Genève - Thụy Sĩ ngày 21/7/1954. 

Nếu không khởi đi từ chiến thắng xuân Mậu Thân 1968 và cuộc bẻ gãy đợt không kích B52 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng thì đã không thể có Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973. 

Nếu không quyết chiến trên chiến trường thì không thể quyết thắng trên bàn đàm phán ngoại giao. Nhưng cả hai lần ký kết lịch sử ấy, trước khi đặt bút, đất nước này chìm trong nghiêng ngửa. Họ lật ngược các cam kết, điều khoản của đối phương, phá vỡ tiến trình thực thi, nhấn chìm cả một dân tộc trong chia cắt, bom đạn. 

Để thấy, 65 năm - kể từ Hiệp định Genève, 46 năm - từ Hiệp định Paris; hay cú bắt tay để “dạy cho Việt Nam một bài học” vào năm 1979 và những diễn tiến không lường về trật tự thế giới vốn được thiết lập trên nguyên lý, quyền lực nằm trong tay kẻ mạnh, là chưa bao giờ thay đổi. Do đó, sẽ không ngạc nhiên về bữa cơm trưa bỏ dở ngày 28/2 hay không phải thất vọng về sự lỡ hẹn cuộc đoàn tụ cho hai miền Triều Tiên. 

Mà bất lực khi nhìn về con ngựa sắt ở Baegmagoji không thể chạy tiếp, xót xa khi nghĩ tới con số 10,1 triệu người dân Triều Tiên bị suy dinh dưỡng, 10,3 triệu người đối mặt thiếu lương thực (theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc tính tới tháng 3/2018). 

Cuối cùng, ngay tại Hà Nội, tháng 2/2019 đã không thể cất lên lời thơ của Martin Fenryder - người dẫn đầu 24 thanh niên Mỹ đã đến trước người phụ nữ Việt Nam bé nhỏ mang theo ước vọng hòa bình ngay tại Paris, cách nay 47 năm: 

Tất cả sắp là hiện thực.
Trong những giờ phút Paris ngắn ngủi
Và bao nhiêu mơ ước.
Và tất cả từ hai phương trời xa lắc
Sẽ hòa thành một niềm chung vui! 

(trích Hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình - Gia đình bạn bè và đất nước - nhà xuất bản Tri thức). 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI