Vụ Nguyễn Hữu Linh tại tòa án quận 4: Khi phóng viên truy đuổi và bị cáo chạy trốn

26/06/2019 - 07:49

PNO - Theo nguyên tắc “suy đoán vô tội” thì “không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM nhắn hỏi tôi về hình ảnh bị cáo Nguyễn Hữu Linh chạy trốn máy ảnh phóng viên trong phiên xử kín vụ án dâm ô sáng 25/6. Bạn muốn tôi chia sẻ xem có thấy hình ảnh đó kém văn minh hay kém nhân văn không? Dưới góc độ của một luật sư, việc “đuổi cùng diệt tận” này có vi phạm điều gì theo quy định pháp luật không?

Vu Nguyen Huu Linh tai toa an quan 4: Khi phong vien truy duoi va bi cao chay tron
Hình ảnh ông Nguyễn Hữu Linh bị "truy đuổi" tại tòa

Tôi xin phép có ý kiến ở hai góc nhìn, trong khuôn khổ của một người tiếp cận những người đã có hành vi phạm tội và dưới góc nhìn của một luật sư.

Tôi đã tiếp cận những người phạm tội, bị truy tố, xét xử. Và tôi thấy rằng, con người ta có những lúc hay số phận đưa đẩy mà phải phạm tội, có khi vì lòng tham, vì cả tin, vì không hiểu biết pháp luật, vì một lúc không kiềm chế được bản ngã của mình mà phạm tội. Nhưng dù với căn nguyên gì thì khi hành vi phạm tội xảy ra, con người ta buộc phải đối diện với cái giá phải trả cho hành vi phạm tội đó.

Cái giá phải trả không bao giờ chỉ là những câu chữ thể hiện trên bản án, những năm tháng tù tội hay cái lý lịch tư pháp được ghi nhận. Cái giá đó còn hơn thế nữa, đó là những hệ lụy cho mình và cho người thân, là sự xấu hổ dẫu có muộn màng. Tôi tin việc trốn chạy khỏi ống kính hôm qua của ông Nguyễn Hữu Linh cũng có phần bắt nguồn từ điều đó.

Ông xấu hổ cho mình và cho cả những người thân yêu của mình nữa. Bởi con người ta đâu ai chỉ có một mình trên thế gian này, nếu không phải là một gia đình huyết thống thì cũng là tình thân bạn hữu, người quen, người biết. Và sự xấu hổ này là cái giá kèm theo bản án của tòa, đôi khi nó lớn lao và dai dẳng hơn cả thời gian thụ án trên bản án.

Chẳng ai nói hay ho được khi cuộc đời còn dài và ngày từng ngày đang tới với bao điều không phải lúc nào cũng có thể kiểm soát được hoàn toàn. Thế nhưng, hãy tự xác định cho mình một ranh giới, ranh giới đó dựa trên những kiến thức, nhận thức và đạo đức mà mình có cũng như cả một quá trình giữ gìn và xây dựng. Ranh giới đó để cho mình không phải có những lúc xấu hổ phải trốn chạy như thế này và giữ được cho mình những điều đơn giản mà quý giá khác của cuộc sống.

Giả như có được những bữa cơm hằng ngày với người mình thương, có những lúc có thể tự khóc, tự cười mà không phải "xin phép", có thể chạy vù qua thăm một đứa bạn thân, gọi điện cho người thân mà không phải “xin lịch”, được ôm người mình yêu thương mà không phải giữa vòng vây cảnh sát. Nhưng khi hành vi phạm tội xảy ra, khi họ đã bước qua ranh giới và đối diện với cơ quan tiến hành tố tụng với tư cách là một bị cáo, họ sẽ được pháp luật bảo vệ đến đâu?

Sáng hôm qua, ông Nguyễn Hữu Linh có mặt để tham gia phiên xử kín cho vụ án dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Và ông Linh đã “tháo chạy” để tránh phóng viên đuổi theo tận phòng vệ sinh trên tầng 4 của tòa.

Xem clip chúng ta có thể thấy sự “áp sát” có phần quyết liệt của lực lượng phóng viên. Theo Thông tư số 13/2016/TT-BCA ngày 10/3/2016 quy định về việc bảo vệ ngoài phòng xử án thì cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo bệ ngoài phòng xử án phải phối hợp các lực lượng khác để không xảy ra mất trật tự khu vực ngoài phòng xử án.

Nếu tình hình trật tự ngoài phòng xử án có diễn biến phức tạp thì người chỉ huy bảo vệ phiên tòa phải kịp thời báo cáo lãnh đạo cấp có thẩm quyền để tăng cường lực lượng hỗ trợ.

Như vậy, theo quan điểm của tôi, nếu chỉ là hành vi “săn hình ảnh và thông tin” có phần quyết liệt mà chưa gây ra mất trật tự hay có dấu hiệu diễn biến phức tạp thì không phải là hành vi cần phải có sự can thiệp của lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa.

Lực lượng này sẽ can thiệp nếu có các dấu hiệu trên hoặc có yêu cầu từ tòa án để đảm bảo phiên tòa được diễn ra trong an ninh trật tự, sự tôn nghiêm của tòa án, bảo đảm cho việc xét xử được tiến hành bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật; góp phần tuyên truyền giáo dục công dân chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của đời sống xã hội (theo khoản 3, điều 2 Quy chế tổ chức phiên tòa ban hành kèm theo Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017).

Tuy nhiên, với câu hỏi “Hình ảnh truy đuổi đến cùng với ông Linh có kém văn minh không?” hay những dòng trạng trái treo trên Facebook “bạn có chắc mình sẽ không có những khi sai lầm hay vướng vào vòng lao lý”, tôi nghĩ, tự bản thân mỗi người sẽ có một góc nhìn và sẽ có câu trả lời cho riêng mình.

Theo nguyên tắc “suy đoán vô tội” thì “không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Và cho đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Hữu Linh vẫn chưa bị buộc tội bởi một bản án có hiệu lực nào và trong phiên xử sáng hôm qua tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ.

Vậy chúng ta, khi hành động nhân danh việc tuyên truyền, bảo vệ pháp luật, đòi hỏi sự công bằng thiết nghĩ cũng nên dành cho ông Nguyễn Hữu Linh cái nhìn công bằng theo nguyên tắc “suy đoán vô tội” này. Hãy để các cơ quan tiến hành tố tụng thực thi quyền và nghĩa vụ của mình trong vụ án, để ông Linh được đảm bảo quyền của mình theo khuôn khổ pháp luật. 

Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như
(Công ty Luật An Luật)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI