Khi người Việt bị từ chối phục vụ: Trách người nhưng cũng nên tự vấn mình

10/09/2019 - 07:58

PNO - Cách sử dụng dịch vụ không văn minh, không tôn trọng luật lệ đã vô tình khiến người Việt bị e dè, thậm chí bị quay lưng trên chính quê hương mình, chứ đừng nói đến phía ngoài biên giới.

Những ngày qua, chuyện một quán cà phê tại Hội An chỉ tiếp khách Tây, từ chối khách Việt đang khiến dư luận xôn xao. Người người, nhà nhà cảm thấy tức giận xen lẫn cảm giác tổn thương. Nhưng khi người Việt bị từ chối trên chính xứ sở của mình, liệu đó có phải chỉ là câu chuyện một chiều - bị chi phối bởi vật chất - rằng khách Tây luôn sộp hơn, chịu chi hơn và dễ để người Việt “chặt” hơn? 

Khi nguoi Viet bi tu choi phuc vu: Trach nguoi nhung cung nen tu van minh
Chuyện quán cà phê ở Hội An từ chối tiếp khách Việt khiến dư luận xôn xao.

Lòng tự tôn dân tộc luôn là điều tốt, đặc biệt khi những yếu tố nước ngoài đang chi phối, ảnh hưởng đến Việt Nam ở thì hiện tại. Nhưng khi lòng tự tôn bị dâng lên quá mức hoặc đặt sai chỗ, hẳn sẽ khiến đôi mắt người Việt lắm lúc trở nên nhoè nhoẹt. Mỗi vấn đề luôn tồn tại hai mặt song song. Chỉ cần thay đổi điểm nhìn, hẳn ta sẽ thấy một câu chuyện khác.

Cách đây ít lâu, tôi có dịp đi công tác cùng một đồng nghiệp khác cơ quan. Chúng tôi được lưu lại trong một khu resort 5 sao cao cấp bậc nhất miền Trung. Chuyến đi sẽ thật tuyệt vời nếu không gian sống trong những ngày ấy không bị biến thành một “chuồng lợn” đúng nghĩa. Tất, giày của anh bạn ấy được để hẳn lên bàn, quần lót vừa thay xong được vứt hẳn lên sofa (mà đến ngày cuối cùng tôi cũng không dám ngồi lên) hay đi toilet lại không nhấn nút xả nước.

Thậm chí, những chiếc khăn tắm trắng tinh, sạch sẽ cũng trở thành thảm chùi chân trong toilet, hay thậm chí được dùng để lau cả bàn cầu. Chuyện này, ít nhất tôi đã chứng kiến đến hơn 3 lần trong những chuyến đi khác nhau. Tôi bất ngờ, xen lẫn chút rùng mình khi nghĩ lại. Đôi khi, diện mạo bên ngoài khiến người ta dễ lầm tưởng về những giá trị bên trong.

Mấy ngày đầu tháng 8 vừa qua, dân tình lại được một phen hú vía khi xem hình ảnh một nhóm khách Việt thuê homestay ở Đà Lạt ở bẩn đến mức chủ nhà không diễn tả nổi. Đống nồi khét đen, chén đĩa được bày biện lung tung đầy dầu mỡ, khăn tắm trở thành giẻ lau bẩn thỉu từ nhà vệ sinh đến cửa nhà khiến người ta không khỏi lăn tăn về 2 chữ “ý thức”. Rồi chuyện một đôi tình nhân lén mang chó vào khách sạn (dù khách sạn cấm) ở Đà Nẵng, cạo lông, cho chó tiểu, ị lên cả ga giường chỉ khiến người ta thốt lên 2 từ kinh khủng.

Khi nguoi Viet bi tu choi phuc vu: Trach nguoi nhung cung nen tu van minh
 
Khi nguoi Viet bi tu choi phuc vu: Trach nguoi nhung cung nen tu van minh
Khách Việt thuê homestay ở Đà Lạt ở bẩn khiến chủ nhân rùng mình.

Chưa hết, tại nước ngoài, chuyện người Việt không chịu xếp hàng, không biết giữ gìn vệ sinh, vứt thức ăn thừa, giấy bừa bãi trong nhà hàng (dẫu có sọt rác), ăn to nói lớn nơi đông người... không ít lần khiến chính người Việt phải tự xấu hổ.

“Khách hàng là thượng đế” vẫn là câu nói được nhiều người Việt quen miệng thốt ra khi sử dụng bất kỳ dịch vụ nào. Điều này không sai bởi đây được xem là tiêu chí nhắc nhớ người cung cấp dịch vụ phải luôn hoàn thiện mình. Nhưng câu nói này vẫn chưa đủ. Bởi khách hàng chỉ xứng được cư xử như thượng đế khi họ có sự văn minh.

Chứng kiến những chiếc khăn tắm bị mang đi làm thảm chùi chân, giẻ lau bàn cầu, tôi vội hỏi những người cùng phòng, câu trả lời nhận được gần như đều giống nhau. Đó là cách họ sử dụng "hết ga" đồng tiền mình bỏ ra, rằng họ được sử dụng tuỳ thích, còn việc dọn dẹp, hao tốn tiền của là chuyện của một ai đó, mà họ chẳng mấy quan tâm.

Tiền mua được dịch vụ tốt, tiền có thể khiến một “chuồng lợn” bỗng sạch sẽ, tinh tươm sau vài mươi phút dọn dẹp cật lực của vài ba con người. Nhưng tiền không mua được nhân cách, cũng chẳng đổi được sự văn minh hay chí ít là sự thiện cảm trong cách cư xử giữa người với người. Và sự "sành điệu" trong những suy nghĩ, hành động kỳ quặc kia thì thật ấu trĩ.                 

Khi nguoi Viet bi tu choi phuc vu: Trach nguoi nhung cung nen tu van minh
 
Khi nguoi Viet bi tu choi phuc vu: Trach nguoi nhung cung nen tu van minh
Đôi khách thuê khách sạn ở Đà Nẵng lén mang chó vào, tỉa lông chó, cho chó ị, tiểu lên cả ga trải giường.

Người cung cấp dịch vụ muốn thu lợi nhuận, và người muốn sử dụng dịch vụ muốn thoả mãn nhu cầu thụ hưởng. Trong mối quan hệ này, đôi bên đều cùng có lợi. Cán cân không nghiêng về bên nào. Chính vì thế, khi người cung cấp dịch vụ cho đi một sản phẩm chất lượng tốt, hẳn họ luôn mong muốn nhận về một phản hồi tích cực. Nhưng rõ ràng với những câu chuyện bên trên, điều họ nhận lại chỉ là sự thiếu tôn trọng.

Chúng ta đang sống ở thời đại mà sự văn minh luôn được xem là tiêu chí đi đầu để có thể hoà nhập với thế giới xung quanh, để cùng phát triển. Thế nhưng, sự kém văn minh, bất tôn luật lệ, hành xử thấp kém... của một bộ phận người Việt, có thể đang trở thành nỗi ám ảnh khiến người Việt phải từ chối người Việt trên chính quê hương mình. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI