Khi nghệ sĩ bị lãnh đạo tranh suất đi nước ngoài

09/10/2019 - 09:00

PNO - Nhận lời mời sang Hàn Quốc biểu diễn, các nhạc công, nghệ sĩ nhã nhạc, ca Huế vui mừng nhưng đến giờ chót lại bị gạt bớt người để bổ sung cán bộ khác...

Nhận lời mời của Thị trưởng TP.Gyeongju (Hàn Quốc), từ ngày 4-8/10 các thành viên câu lạc bộ Ca Huế và câu lạc bộ Nhã nhạc Phú Xuân thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP.Huế sang biểu diễn trong lễ hội văn hóa Silla lần thứ 47 tại TP.Gyeongju - thành phố kết nghĩa với TP.Huế. Lẽ ra, đây là điều khiến nhạc công, nghệ sĩ nhã nhạc, ca Huế vui mừng vì được công diễn ở nước ngoài, nhưng… 

Bắt nữ đóng giả nam để biểu diễn nhã nhạc

Thành phần đoàn nghệ sĩ, nhạc công TP.Huế ban đầu đăng ký danh sách tham dự gồm 10 người. Sau khi danh sách được lãnh đạo TP.Huế duyệt, các nghệ sĩ đã ra sức tập luyện, chờ đến ngày lên đường sang Hàn Quốc biểu diễn, giao lưu văn hóa. Bỗng nhiên, đến giờ chót, UBND TP.Huế yêu cầu đoàn nghệ sĩ gạt bớt hai người, để dành suất cho cán bộ đang công tác ở các phòng ban trực thuộc UBND TP.Huế đi cùng.

Do quá bất ngờ, nhiều anh chị em nghệ sĩ phản ứng, vì bớt người thì phải cắt bỏ các tiết mục biểu diễn. Trớ trêu thay, trong danh sách do ông Hoàng Hải Minh - tân Chủ tịch UBND TP.Huế - ký duyệt ngày 30/9, có cả tên ông Nguyễn Anh Tuấn -  Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP.Huế, người vừa nhận kỷ luật vì những sai phạm về tài chính tại đơn vị mình công tác.

Việc giảm bớt số lượng nghệ sĩ đi dự biểu diễn tại một lễ hội văn hóa uy tín ở Hàn Quốc làm giảm sút chất lượng các chương trình nghệ thuật đã được dàn dựng công phu, thậm chí còn tạo ra tâm lý đố kỵ, chán nản của những nghệ sĩ trẻ đang phấn đấu bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của cha ông. 

Khi nghe si bi lanh dao tranh suat di nuoc ngoai
Các nghệ sĩ, nhạc công Huế trước ngày đi dự lễ hội văn hóa Silla ở Hàn Quốc. Trong đoàn, có ông Tuấn (thứ hai từ trái sang)

Do số lượng nghệ sĩ, nhạc công không đủ để biểu diễn một chương trình, nên đến buổi tổng duyệt cuối cùng, một số nghệ sĩ đã phản ứng việc rút bớt thời lượng tác phẩm (dự kiến, chương trình tại Gyeongju Hàn Quốc sẽ có 40 phút ca Huế và nhã nhạc cung đình). 

Những người có chuyên môn, am tường về ca Huế càng ngao ngán, vì chương trình nghệ thuật mang tính đối ngoại lại bị cắt xén, hoặc làm bậy bởi những người duyệt chương trình yếu chuyên môn. Đơn cử, nếu có bốn nghệ sĩ, chương trình sẽ chọn tiết mục Nón quê em, với đội hình bốn người tám cái nón, dứt tiết mục sẽ tỏa xuống tặng nón cho khán giả; giờ còn ba người, tiết mục sẽ trở nên lỏng lẻo.

Một nghệ sĩ bức xúc: “Chúng tôi đi biểu diễn ca Huế, nhã nhạc ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng không có khi nào cảm thấy bôi bác như lần này. Người đam mê, dành trọn đời để phục dựng, sưu tầm từng bài cổ nhạc, cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật ca Huế lại không được đi, trong khi lãnh đạo tham gia đoàn quá đông, 14 người đi thì đã có đến sáu cán bộ, chỉ còn lại tám nghệ sĩ, nhạc công”.

Do thiếu nghệ sĩ, nhạc công nên trong buổi duyệt cuối cùng, lãnh đạo Phòng Văn hóa TP.Huế yêu cầu các nữ nghệ sĩ đảm nhận biểu diễn nhã nhạc phải giả nam để làm nhạc công, khiến một nữ nghệ sĩ phải nói thẳng: “Nếu nhã nhạc thì phải mời đủ nhạc công dàn tiểu nhạc và trang phục, sao lại yêu cầu hai người nữ mặc áo giả nam? Như thế là bôi bác nhạc công nhã nhạc. Tại sao không mời nghệ sĩ, nhạc công thêm, lại bắt nghệ sĩ nữ chúng tôi đóng giả nam?”. 

Các anh em nghệ sĩ khác cũng hỏi trực tiếp bà Phạm Thị Quỳnh Giao - Trưởng phòng Văn hóa TP.Huế - ngoài số tiền phía Hàn Quốc tài trợ vé máy bay, ăn ở trong quá trình biểu diễn ở Hàn Quốc, các nghệ sĩ đi lưu diễn được hưởng chế độ bồi dưỡng từ ngân sách địa phương là bao nhiêu? Dù anh em nghệ sĩ hỏi mãi suốt buổi tổng duyệt, nhưng không ai trả lời. 

Sự thiếu chuyên môn của bộ phận duyệt chương trình còn thể hiện ở chỗ, khi anh em nghệ sĩ biểu diễn tiết mục tác phẩm nhã nhạc Đăng đàn cung, một người trong đoàn đến tổng duyệt đứng lên nói rằng: “Bài này không được giới thiệu là nhã nhạc mà phải giới thiệu đây là hòa tấu nhạc dân tộc vì thiếu Bông man (một bài khác trong nhã nhạc)”. Trên thực tế, hai tiết mục này hoàn toàn không dính líu gì nhau.

Khi nghe si bi lanh dao tranh suat di nuoc ngoai
Danh sách “bớt nghệ sĩ thêm cán bộ” do Chủ tịch UBND TP.Huế ký ngày 30/9

Tranh suất nghệ sĩ đi nước ngoài
Từng nhiều năm sinh hoạt ở Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế), nhạc công L.H.N. cho rằng, lâu nay, cử nhạc công, nghệ sĩ ở Huế đi biểu diễn giao lưu văn hóa ở nước ngoài không còn là chuyện lạ. Nhiều bạn trẻ mới chập chững học được vài ba bài nhã nhạc cung đình Huế nhưng do mối quan hệ thân quen nên nhanh chóng được đề cử đi nước ngoài giao lưu, trong khi những người gạo cội, am tường lại bị gạch tên vào phút chót, nhường suất cho cán bộ dẫn đoàn, khiến nhiều anh em nghệ sĩ nản chí, đắng lòng. 

“Điều này xảy ra thường xuyên, nhưng không ai dám nói, vì cứ nghĩ đến miếng cơm manh áo, nên im lặng, chịu ấm ức, thiệt thòi. Biểu diễn ca Huế, nhã nhạc ở nước ngoài tại một lễ hội văn hóa là cơ hội quảng bá những tinh hoa văn hóa của dân tộc, chứ không phải vịn cớ đi biểu diễn để du lịch, đi chơi hoặc thăm viếng bà con” - ông L.H.N. bức xúc.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, vào năm 1995, lần đầu tiên, đoàn nghệ thuật truyền thống Huế đến TP.Boston của Hoa  Kỳ giới thiệu về ca Huế.

Thời điểm đó, thủ tục đi nước ngoài rất khó khăn, nhất là đi biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa. Các thành viên trong đoàn lúc đó chỉ nghĩ đưa nghệ thuật truyền thống Việt Nam ra quảng bá, giới thiệu ở nước ngoài, và thật lòng chỉ có những người thật sự yêu nước mới ủng hộ.

Thậm chí, bản thân nghệ sĩ cũng ý thức việc biểu diễn nghệ thuật truyền thống trên sân khấu ở Boston ngày đó cũng chính là thể hiện tinh thần yêu nước. Giờ thì việc đi biểu diễn so với ngày xưa quá dễ dàng. Chuyện cán bộ TP.Huế nằm trong danh sách đi Hàn Quốc quá nhiều, gần bằng số lượng nghệ sĩ là một điều không hay. Nên dành suất đó cho những nghệ sĩ, người có chuyên môn sâu về ca Huế, nhã nhạc cung đình, vì chính sự tham gia của họ làm sang trọng thêm kho tàng di sản phi vật thể của cha ông.

Theo thạc sĩ - họa sĩ Trần Thanh Bình - con trai cố nghệ sĩ ca Huế nổi tiếng Văn Lang - việc cử cán bộ đi nước ngoài, đặc biệt gần đây, được Nhà nước quản lý chặt. Tuy vậy, các cơ quan nhà nước thường có những kiểu lồng ghép, đưa người đi nước ngoài với danh sách không rõ ràng, có sự cài cắm những cán bộ, quan chức không đúng chức năng hoặc đi theo diện chính sách nghỉ hưu, gần nghỉ hưu…

Theo ông Bình, đây là một chương trình nghệ thuật mang tính đối ngoại do nước bạn tài trợ, nên cần phải xây dựng một chương trình nghệ thuật bài bản, lựa chọn tiết mục đặc sắc để quảng bá văn hóa Huế. Do vậy, phải ưu tiên tối đa cho nghệ sĩ, nhạc công xuất sắc, hạn chế sự tham gia của lãnh đạo. Nếu cử cán bộ đi, cũng phải cử người am hiểu để giới thiệu được ca Huế và nhã nhạc đến bạn bè quốc tế. 


“Không nên tranh suất hoặc đưa nghệ sĩ đi nước ngoài biểu diễn như một ân sủng. Ngoài ra, lãnh đạo TP.Huế cần phải ứng xử có văn hóa với những người tâm huyết với nghệ thuật ca Huế cũng như những nhạc công đang ngày đêm ra sức giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nhã nhạc cung đình Huế” - ông Bình nói. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI