Hốt hoảng khi công trình hạ tầng… 'mò tới'

05/06/2017 - 07:56

PNO - Có một nghịch lý, thay vì vui mừng khi khu vực mình được phát triển cơ sở hạ tầng, thế nhưng, với thực tế các đơn vị thi công kiểu “mèo mửa” đã khiến người dân lại “ám ảnh” mỗi khi có công trình nhà nước… kéo đến.

Hot hoang khi cong trinh ha tang… 'mo toi'
“Lô cốt” trên đường Bông Sao (Q.8, TP.HCM) thuộc công trình xây dựng hệ thống cống bao của dự án “Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2” khiến người dân ăn không ngon, ngủ không yên. Ảnh Quốc Ngọc.

Tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp hạ tầng cuối tuần qua, lãnh đạo TP.HCM đã xác định những thử thách mà thành phố đang kêu gọi sự chung sức của toàn xã hội đó là quy hoạch không gian ngầm đô thị; hạ tầng giao thông đường bộ; thu gom, xử lý rác thải và quan trắc môi trường; dự án chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh rạch, xây dựng mới chung cư cũ trước 1975 và các dự án chống ngập nước của thành phố.

Và trong phát biểu chỉ đạo của mình, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thử thách cũng là cơ hội để phát triển bền vững. Đồng thời, ông Nhân chỉ ra, thước đo của phát triển chính là sự hài lòng của người dân.

Tuy nhiên, thực tế mà chúng tôi tiếp nhận từ người dân cho thấy, chỉ số trên thước đo hài lòng hiện khá thấp đối với những khu vực dân cư có công trình xây dựng hạ tầng đi qua.

Đến đâu, dân “khó thở” đến đó

Từ tháng 8/2016, các “lô cốt” của công trình xây dựng hệ thống cống bao thuộc dự án “Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2” bắt đầu mọc lên tại đường Bông Sao (Q.8, TP.HCM) đến nay. Ông Nguyễn Văn Phát - cư ngụ tại đây - lắc đầu nói: “Thấy họ có ghi trên tấm phên là tháng Chín năm nay sẽ xong, mà không biết có xong nổi không. Làm bữa đực, bữa cái vậy mà hy vọng gì”. Chưa kể, theo ông Phát, đêm đêm đơn vị thi công đóng cừ, đóng cọc thì chẳng ai có thể ngủ được.

Hot hoang khi cong trinh ha tang… 'mo toi'
Vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) vừa được lát gạch hôm trước, hôm sau đã vỡ, hư hỏng. Ảnh: Quốc Ngọc

Một người dân buôn bán trên đường Bông Sao bức xúc cho rằng, rào chắn của công trình khiến giao thông tắc nghẽn, nắng bụi, mưa sình, hàng quán ế ẩm. “Chỉ mong sao công trình sớm hoàn thành. Nhưng mà tức lắm, có khi 10-11h sáng mới bắt đầu làm, 1-2 tiếng sau là nghỉ trưa, làm vậy chừng nào xong được”, chị nói. Chị chỉ tay về phía những trụ đèn, cột điện bị lún nghiêng rất nguy hiểm dọc tuyến đường mà công trình của Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM (thuộc Sở GTVT) đang ì ạch thực hiện.

Làm đầu này, hư đầu kia

Ngày 4/6, ông Nguyễn Tiến Đạt (ngụ Q.3) cho biết, cách đây khoảng ba tuần, vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai thuộc P.5, Q.3 (TP.HCM) được tiến hành sửa chữa, thay gạch cũ bằng gạch mới. Tuy nhiên, người dân nào ở đây cũng bức xúc vì chất lượng công trình. 

“Hiện còn đang dang dở, mới làm được tới giao lộ Cao Thắng, thì ở đầu này (khu vực Cách Mạng Tháng Tám đến Tôn Thất Tùng) đã hư hỏng. Nhiều viên gạch mới tinh nhưng đạp lên đã thấy bập bênh, rồi sau đó vỡ nát. Những vị trí cột điện, gốc cây nham nhở. Vật tư vất lung tung. Làm như thế này thì lãng phí lớn cho quốc gia”, ông Đạt chắc lưỡi.

Tương tự, tại khu vực đường Nguyễn Ảnh Thủ (đoạn ngã ba Đông Quang, thuộc địa phận giáp ranh Q.12 và huyện Hóc Môn) dân cũng kêu trời bởi công trình chỉnh trang lề đường. Theo một doanh nghiệp tại đây, lề đường bị đào lên, dân ra vô nhà rất khó khăn, phụ nữ té thường xuyên. Thế nhưng, cũng chính kiểu thi công “nhát gừng” mới khiến người dân hết sức bất bình.

Anh Lâm (ngụ 514/32/30 Lê Đức Thọ, P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, cuối năm 2016, có đơn vị do Công ty CP cấp nước Trung An thuê đến khu vực nhà anh để cắt đường. Mục đích là thực hiện việc di dời đồng hồ nước từ trong nhà ra bên ngoài. Tuy nhiên, theo anh Lâm, sau khi đào đường, lắp đồng hồ cho vài hộ, thì từ đó đến nay đã hơn nửa năm, vẫn không thấy đơn vị thi công trở lại để tiếp tục dự án. “Việc cắt đường thành những ô vuông bê tông rồi bỏ đó từ bấy đến nay khiến chúng tôi vô cùng hoang mang, nhỡ lâu ngày những khối bê tông đó sụt lún thì hậu họa sẽ khó lường”, anh Lâm chia sẻ.

Công trình ngầm, cẩu thả lộ thiên

Như chúng ta biết, việc ngầm hóa lưới điện diễn ra trong giai đoạn 2016-2017 của Tổng công ty Điện lực TP.HCM nhận được sự kỳ vọng lớn của nhân dân thành phố. Tuy nhiên, việc thi công cẩu thả các công trình này của đơn vị thuê ngoài đã để lại không ít sự “không hài lòng”, thậm chí lo sợ của dân chúng.

Người dân tại đường Thành Thái (P.14, Q.10, TP.HCM) cho chúng tôi biết, sau khi lắp đặt dây cáp ngầm, đơn vị thi công rút đi để lại hố sâu to tướng dưới chân các hộp biến áp. “Tụi tôi phải bẻ cành cây làm hiệu để người đi đường, nhất là trẻ em, biết mà tránh nếu không sẽ xảy ra tai nạn”, một người dân cho biết.

Chưa hết, “chiến trường” mà các đơn vị thi công này để lại còn là những khối bê tông vương vãi khiến đường sá lồi lõm. “Cẩu thả vô cùng. Họ làm từ đêm, nên sáng ra bê tông đã khô cứng, không tài nào dọn sạch được. Bây giờ đành chịu, mỗi lần chạy xe vô nhà phải vòng qua nhà kế bên để né cái cục vô trách nhiệm đó”, bà Th. buôn bán trước số nhà 125 bức xúc.

Hot hoang khi cong trinh ha tang… 'mo toi'
Vật liệu công trình bỏ chỏng chơ, không có rào chắn trên đường Nguyễn Chí Thanh.

Vụ việc nghiêm trọng mới nhất liên quan đến công trình ngầm hóa lưới điện xảy ra vào ngày 27/5 vừa qua. Đơn vị do Ban Quản lý dự án lưới điện phân phối TP.HCM thuê mướn là Công ty Sao Nam thi công đào móng trụ đã làm vỡ ống cống trước nhà số 12 Nguyễn Chí Thanh (P.2, Q.10, TP.HCM). Nếu người dân không phát hiện kịp thời, yêu cầu ngưng thi công và gọi vào đường dây nóng của Thành ủy TP.HCM thì không biết vụ việc sẽ “trôi” đi đâu!

Ngay sau đó, đại diện ban quản lý, đơn vị giám sát, đơn vị thi công, chính quyền địa phương đã phải làm việc với người dân ngay tại hiện trường vào ngày 29/5. Theo biên bản làm việc, Công ty Sao Nam sẽ tiến hành cắt ống cống phía trên và nối ống đi vòng theo móng trạm. Còn ống cống bên dưới, đơn vị này sẽ đổ bê tông lên trên (?). Đơn vị này cũng chỉ cam kết nếu tiếp tục gây ra sự cố sẽ tiếp tục khắc phục chứ không bảo đảm việc không xảy ra nữa (!).

Tuy nhiên, đại diện các hộ dân đã không đồng ý: “Chúng tôi không yên tâm vì không thể đổ bê tông trùm lên ống thoát nước được. Thể nào cũng sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng vỡ ống. Hơn nữa, các công trình ngầm mà làm không đàng hoàng sau này xảy ra sự cố thì Nhà nước và nhân dân cùng thiệt hại lớn”.

Cũng tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp hạ tầng mà chúng tôi đề cập ở trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã xác định, việc phát triển thành phố phải gắn liền với chương trình đột phá về chỉnh trang và phát triển đô thị theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10. Ông cũng nêu đích danh những công trình tại khu vực trung tâm thành phố, mà theo ông, đang làm xấu diện mạo của Sài Gòn.

Thế nhưng, theo chúng tôi, những cái đã, đang và sẽ tiếp tục làm cho diện mạo thành phố này trở nên cực kỳ nhếch nhác, khiến lòng dân ngao ngán, chính là kiểu làm ăn vô trách nhiệm của các đơn vị thi công các công trình hạ tầng hiện nay. Do được thuê mướn, họ chỉ “làm cho xong việc mình”.

Không biết đồng thù lao mà những người công nhân này nhận được có xứng đáng với công việc cực nhọc, đêm hôm? Cứ nhìn vào cảnh thi công rùa bò, làm cái này, hư cái kia, công trường ngổn ngang sau khi “hoàn tất” mà chúng tôi đã phản ánh, đủ thấy trách nhiệm với cộng đồng của tất cả những ai liên quan đến những công trình hạ tầng được xác định đột phá của thành phố. 

Cần huấn luyện ý thức trách nhiệm xã hội cho các thầu phụ

Trả lời báo Phụ Nữ về vấn đề đơn vị thuê ngoài trong các công trình hạ tầng đô thị, Đại biểu HĐND TP.HCM Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM - cho rằng, có những gói thầu quá lớn phải chia ra cho các thầu phụ. “Nhưng thực tế, bên cạnh vấn đề năng lực dự thầu chưa biết có bảo đảm hay không, thì hiện nay, hầu hết các đơn vị thuê ngoài chưa ý thức được trách nhiệm với cộng đồng”, ông 
Thắng nói.

Theo ông, cần tổ chức các khóa huấn luyện, tập huấn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng cho các nhà thầu phụ. Cần cấp chứng chỉ cho hoạt động này và xem đó như điều kiện bắt buộc khi tham gia dự thầu. Ông Thắng khẳng định, hiện nay, các Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực phía Nam hoặc Việt Nam có đủ sức tổ chức các khóa học như thế.

Song song đó, theo ông Thắng, công tác kiểm tra, giám sát hiện nay của cơ quan chức năng giống như “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Do đó, ông đề nghị, đối với các công trình hạ tầng do Nhà nước đầu tư, bên cạnh HĐND các cấp, rất cần có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ từ đầu đến khi vận hành của chính người dân trực tiếp thụ hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi công trình. “Việc này cần quy định hóa để người dân tham gia kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình thi công, đồng thời cả giai đoạn hậu kiểm. Các công trình khi nghiệm thu phải có ý kiến đánh giá, chấp thuận của người dân và HĐND”, ông Thắng đề nghị.

Thi công công trình hạ tầng cẩu thả phải xem là tội ác

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Cao Vân (nguyên giảng viên Trường Đại học Sài Gòn) cho rằng, các khó khăn khách quan như khói bụi, tiếng ồn thì người dân có thể chia sẻ với Nhà nước. “Tôi nghĩ có thể xem đó như những nỗi đau sinh nở để cùng nhau vượt cạn, để có công trình mới phục vụ cho phát triển, người dân có thể thông cảm. 

Thế nhưng, việc không bảo đảm kỹ thuật, chất lượng và tính an toàn trong quá trình thi công, đặc biệt là các công trình ngầm, phải được xem là tội ác. Có những mảng tối trong việc thuê ngoài là hết sức nguy hiểm, cơ quan nhà nước phải quan tâm có biện pháp siết chặt”, ông Vân trầm ngâm.

Theo UBND TP.HCM, từ nay đến năm 2020, thành phố cần nguồn vốn khoảng 500.000 tỷ đồng để quy hoạch đô thị. Trong đó, ngân sách thành phố chỉ đáp ứng gần 35%. Số còn lại phải kêu gọi các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực chung tay vào thực hiện các dự án hạ tầng đô thị.

Để đẩy nhanh sự tham gia của doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố hứa sẽ cải thiện môi trường đầu tư, đa dạng hóa loại hình và giảm tối đa thủ tục cho nhà đầu tư. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI