Hợp thức hóa sai phạm là tạo tiền lệ cho hoạt động vô pháp

15/09/2019 - 08:09

PNO - Liên quan vụ hô biến 5 căn nhà thành 34 căn hộ cho thuê tại quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng; luật sư cho rằng, cần tạm dừng hoạt động kinh doanh tại công trình sai phép đồng thời phải buộc tháo dỡ công trình.

Luật sư Trần Hậu (Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng) cho rằng, căn cứ vào kết luận thanh tra đột xuất ngày 10/9/2019 do Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ ký và thực tế các công trình đang tồn tại, có thể thấy rõ các sai phạm của bà Nguyễn Thanh Huyền.

Bà Huyền đã xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình không đúng diện tích, chiều cao, kết cấu, công năng so với giấy phép xây dựng đã được cấp; hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú của bà Huyền cũng chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện để được kinh doanh theo quy định pháp luật.

“Theo pháp luật xây dựng hiện hành, cụ thể là tại điểm b khoản 1 điều 28 và điều 30 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, điểm a khoản 4 và điểm d khoản 11 điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP và điều 4 Thông tư 03/2018/TT-BXD ngày 24/4/2018, với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng, ngoài bị xử phạt với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng (đối với nhà ở riêng lẻ đô thị) còn bị buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm” - luật sư Hậu cho hay.

Hop thuc hoa sai pham la tao tien le cho hoat dong vo phap
Theo kết luận do Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, các sai phạm của chủ đầu tư chưa đến mức phải đập bỏ các công trình 

Luật sư này phân tích, đây là quy định mang tính mệnh lệnh, không có nội dung loại trừ áp dụng dù với nguyên do gì, kể cả do người vi phạm thiếu hiểu biết hay do sự giám sát chậm trễ của cơ quan chức năng.

Trường hợp người vi phạm không tự giác chấp hành, các cơ quan nhà nước sẽ tự lên phương án tháo dỡ, thuê đơn vị để cưỡng chế thực hiện và buộc người vi phạm phải chi trả các chi phí phát sinh đồng thời với khoản tiền phạt hành chính.

Mục đích quy định và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả không chỉ mang tính răn đe, xử lý sai phạm mà thông qua đó, còn ngăn ngừa sự lặp lại của các sai phạm cũng như đảm bảo trật tự, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.

Nếu đã có cơ chế xử lý rõ ràng mà không áp dụng, sẽ dẫn đến tình trạng xem thường pháp luật, người xây dựng sẽ cố tình sai phạm và khi bị phát hiện lại tìm cách hợp thức hóa, luồn lách để công trình sai phạm vẫn tiếp tục tồn tại.

"Chủ đầu tư khi xây dựng trước hết cần tự giác tuân thủ pháp luật, tuân thủ nội dung được cấp phép, không thể viện lý do cơ quan chức năng chưa kiểm tra để lấp liếm rằng không biết đã vi phạm”.

Hop thuc hoa sai pham la tao tien le cho hoat dong vo phap
Luật sư Trần Hậu cho rằng, mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật, không thể du di các công trình sai phạm 

Về việc 33 căn hộ xây dựng sai phép đang được chủ đầu tư cho thuê lưu trú, thu tiền kinh doanh, luật sư Trần Hậu cho biết: khoản 9, điều 7 Nghị định 78/2015/NĐ-CP đã quy định: trong trường hợp hộ kinh doanh kinh doanh ngành nghề có điều kiện không đáp ứng đủ điều kiện, cơ quan đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngưng kinh doanh ngành, nghề có điều kiện, đồng thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Kết luận thanh tra ngày 10/9/2019 đã xác định hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú của bà Nguyễn Thanh Huyền không đủ điều kiện vì chưa được cấp phép, sử dụng công trình sai công năng sử dụng. Đối chiếu quy định pháp luật, cần tạm dừng hoạt động kinh doanh tại công trình sai phép đồng thời với vệc áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình.

"UBND quận Cẩm Lệ lại cho phép công trình được tồn tại trên cơ sở hướng dẫn thực hiện thủ tục chuyển đổi công năng sử dụng từ xây dựng nhà để ở sang kinh doanh dịch vụ lưu trú là không phù hợp với pháp luật” - luật sư Hậu khẳng định.

Thực tế, tình trạng xây dựng không phép, sai phép đang diễn ra tràn lan, từ công trình đơn lẻ cho đến các dự án đầu tư quy mô lớn. Nguyên nhân là do sự thiếu chặt chẽ, sát sao trong khâu quản lý, giám sát, thanh kiểm tra, cũng như việc xử lý không nghiêm, còn nể nang, không quyết liệt.

Việc xử lý sai phạm không đúng theo quy định pháp luật cũng được xem là một hành vi vi phạm pháp luật.

“Trong sự việc này, bà Huyền không thuộc các đối tượng hạn chế, mất năng lực hành vi dân sự hay được hưởng những đặc quyền mà pháp luật đã quy định. Do vậy, như bao công dân khác, bà Huyền buộc phải tuân thủ quy định pháp luật kể cả trong hoạt động xây dựng công trình và chế tài xử lý vi phạm. Các nội dung giải quyết nếu mang tính nương nhẹ, sẽ tạo nên tác dụng ngược, tiền lệ xấu và gây nên những phản ứng tiêu cực làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật” - luật sư Hậu cho hay.

“Thực tế, nhiều doanh nghiệp, cá nhân cứ xây dựng trái phép rồi tìm cách hợp thức hóa sai phạm. Nếu tất cả mọi công dân đều dùng cách này thì pháp luật không còn ý nghĩa, giá trị gì nữa. Nhiều công trình xây dựng sai phép ngang nhiên được xây cất vì người ta có tâm lý sẽ “chạy” được ”.

“Chúng tôi cho rằng tiền lệ của các hoạt động vô pháp như vậy không nên được tiếp tục. Các cơ quan có thẩm quyền cần phải làm những gì mà pháp luật buộc họ phải làm, không thể du di được” - luật sư Trần Hậu nói.

Hoàng Thanh Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI