HEPZA bị tố giải thể đơn vị thành viên sai luật

09/08/2019 - 10:30

PNO - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ doanh nghiệp các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (JESC) cho rằng, có nhiều khuất tất trong việc giải thể JESC ngày 24/6/2019.

Đề án giải thể thiếu minh bạch?

Phản ánh với Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Nguyễn Ngọc Điệp, nguyên Giám đốc JESC cho rằng, việc JESC trực thuộc Ban quản lý (BQL) các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) bị giải thể chưa đúng theo quy định của pháp luật, thiếu dân chủ, công khai, minh bạch, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động và các bên liên quan. 

Cụ thể, theo khoản 3, điều 3, Nghị định 55/2012/NĐ-CP, điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập phải tuân thủ một trong các điều kiện: không còn chức năng, nhiệm vụ; ba năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoạt động không có hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền thành lập; theo yêu cầu sắp xếp về tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập để phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong khi đó, JESC vẫn đáp ứng đầy đủ các điều kiện này. 

Việc giải thể JESC theo bà Điệp cũng chưa tuân thủ quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục như: thiếu các văn bản cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc hoàn thành các nghĩa vụ về tài chính, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả; không đề cập đến văn bản thẩm định hồ sơ của các cơ quan tổ chức…

Thêm vào đó, quá trình xây dựng đề án giải thể JESC (đề án giải thể) thực hiện chưa minh bạch, công khai, thiếu dân chủ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của JESC và các đối tác có liên quan.

Giám đốc JESC cho rằng, có nhiều khuất tất trong việc giải thể JESC ngày 24/6/2019. Việc thiếu dân chủ trong thực hiện đề án giải thể thể hiện ở nhiều điểm. 

Ngày 3/4, lãnh đạo BQL thông báo thành lập tổ công tác đánh giá lại hiệu quả và đề xuất phương án hoạt động của JESC. Tuy nhiên, cho đến nay, JESC vẫn không nhận được văn bản chính thức, công khai về kết quả đánh giá và đề xuất phương án hoạt động của tổ công tác trình BQL. 

Lãnh đạo BQL giao văn phòng BQL thực hiện xây dựng đề án mà không chỉ đạo việc phối hợp với JESC. JESC không được đóng góp ý kiến về dự thảo đề án trước khi gửi 3 sở chuyên môn dù rất nhiều lần JESC đề nghị. 

Ngoài ra, nhiều lần tập thể JESC có trình bày nguyện vọng của mình về không đồng thuận phương án giải thể mà tìm phương án sắp xếp lại hoặc cổ phần hóa nhưng không được lãnh đạo BQL quan tâm xem xét. BQL chỉ tổ chức cuộc họp với toàn thể JESC để thông báo đã có đề xuất UBND TP.HCM giải thể sau khi gửi tờ trình giải thể đến Sở Nội vụ và UBND thành phố.

Những góp ý cân nhắc và lựa chọn khách quan giữa việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động hay giải thể từ Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi BQL cũng không thông tin và trao đổi lại với JESC. 

HEPZA bi to giai the  don vi thanh vien sai luat
Đại diện Hepza cho rằng, JESC hoạt động không hiệu quả nên mới đề nghị giải thể

Cách làm của BQL, theo bà Điệp, là đã gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quyền chính đáng của JESC, người lao động tại JESC và các bên liên quan. Nhiều nội dung đàm phán, hợp đồng đã và đang phải thực hiện với doanh nghiệp và các đối tác, nhưng vì Quyết định giải thể JESC có hiệu lực từ ngày 24/6/2019 nên JESC không còn pháp nhân để tiếp tục thực hiện.

“Chúng tôi đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM xem xét, áp dụng biện pháp khẩn cấp thu hồi quyết định giải thể JESC. UBND TP.HCM cho phép JESC trình bày phương án “Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động JESC” nhằm phát huy những lợi thế, tháo gỡ những khó khăn để JESC hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ tốt cho xã hội” - bà Điệp đề xuất. 

Ban quản lý nói gì?

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Năng - Trưởng BQL Hepza - cho rằng, nơi ra quyết định giải thể là UBND TP.HCM. Trước khi đưa ra quyết định, UBND TP.HCM đã căn cứ ý kiến tham mưu của các sở chứ không chỉ “nghe” mỗi Hepza. 

Theo ông Năng, sở dĩ ông đề nghị giải thể JESC vì trung tâm này hoạt động không hiệu quả. 

JESC có hai chức năng lớn là giải quyết việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp nhưng giải quyết việc làm hiện đã được xã hội hóa; doanh nghiệp cũng có quyền tuyển dụng lao động chứ không cần đến JESC. 

Theo quyết định của UBND TP.HCM thì Hepza cũng có một phòng giám sát, hỗ trợ doanh nghiệp; nếu doanh nghiệp tìm đến thì cơ quan quản lý nhà nước có bổn phận hướng dẫn, giúp đỡ, không việc gì phải đến JESC để tốn phí. 

Theo ông Năng, JESC cho rằng mình hoạt động hiệu quả nhưng sự thật, hiệu quả không nhiều. 

Trong năm 2017, quyết toán còn tồn hơn 700 triệu đồng, toàn bộ lương của JESC từ giám đốc trở xuống là do JESC tự chịu. Khi bà Điệp về tiếp nhận công việc, hoạt động nhiều thứ nhưng kết quả, tiền quỹ chỉ còn lại 300 triệu đồng, trong khi lương của giám đốc JESC là do Hepza chi trả. Tính ra, JESC đã sử dụng thâm quỹ 400 triệu đồng, nên không thể gọi là “hoạt động hiệu quả”. 

Ngoài ra, căn cứ con số mà JESC đưa ra thì thấy hiệu quả, nhưng nếu tính đúng chi phí thì sẽ bị âm, bởi toàn bộ trụ sở làm việc, điện, nước, mặt bằng, hội trường giao dịch giữa JESC với các đơn vị đều do Hepza chi trả. 

Giải thích về việc không cho giám đốc JESC tham gia đề án giải thể, ông Năng cho biết, trước khi trình đề án cho UBND TP.HCM, Hepza có thành lập tổ khảo sát, đánh giá hoạt động của JESC, tổ này do Phó ban quản lý Hepza làm tổ trưởng, giám đốc JESC là thành viên.

Sau khi khảo sát, có báo cáo cho lãnh đạo Hepza,  giám đốc JESC không thể nói không biết. “Quả thật, tôi gửi thẳng đề án cho UBND TP.HCM, không chuyển cho JESC nên giám đốc JESC bắt bẻ, chứ sự thật, JESC đều biết hết vì nằm trong tổ khảo sát đánh giá. Giám đốc JESC nói mình phải làm tác giả đề án giải thể, trong khi bản thân giám đốc không chịu giải thể thì làm sao làm đề án?".

"Trước đây, khi có quyết định sáp nhập các ban quản lý khu Nam, Tây Bắc, Thủ Thiêm, các ban quản lý không chịu thực hiện, buộc Sở Nội vụ phải làm đề án. JESC không chịu thì buộc chúng tôi phải làm đề án. Cấp trên được quyền thành lập thì được quyền tính toán” - ông Năng nói. 

Ông Năng cho biết, Hepza vẫn đang xúc tiến tìm nơi để chuyển người lao động đi: 

"Tôi mới làm việc với một đơn vị để giới thiệu một số người lao động cho họ tiếp nhận, đơn vị này cũng đã hứa xem xét. Những việc này tôi đều bàn, đều đề nghị đưa ra giải pháp nhưng giám đốc JESC cứ bác bỏ, nên tôi không bàn. Nếu hợp tác thì tôi sẵn sàng thông báo, bàn bạc. Vì anh em, cái nào lợi ích, tôi sẽ làm. Nếu không có thì tôi vẫn lấy vốn tài sản của tôi để xử lý, cốt sao tốt nhất cho anh em”.

Theo luật sư Bùi Minh Nghĩa - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Luật Hằng Sinh, Đoàn Luật sư TP.HCM - nếu là giải thể JESC thì JESC phải được các quyền bàn bạc, đóng góp ý kiến đề án giải thể, quyền được biết, được thông tin về thủ tục, quy trình, tiến trình giải thể, cũng như các quyền lợi và nghĩa vụ của toàn thể cán bộ, nhân viên JESC. 

Nếu BQL phớt lờ JESC, thì lãnh đạo BQL đã không thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này dẫn đến việc tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành Quyết định 2658/QĐ-UBND ngày 24/06/2019 chưa phù hợp với các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục của Nghị định 55/2012/NĐ-CP của Chính phủ về giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI