Hàng loạt bình cứu hỏa nổ trong ô tô: Tất cả đều đúng…

21/01/2016 - 07:31

PNO - Cơ quan chức năng xác định, các vụ nổ bình cứu hỏa trong xe ô tô gần đây là do người dân mua bình kém chất lượng, để không đúng cách.

Nhiều vụ nổ nhưng không điều tra

Chiều ngày 18/1/2016, trao đổi với Phunuonline, ông Nguyễn Văn Tươi – Trưởng Công an xã Song Bình, huyện Chợ Gạo – Tiền Giang xác nhận vụ việc nổ bình cứu hỏa đặt trong chiếc xe ô tô 4 chỗ tại nhà ông Ngô Hiếu Thuận. Rất may vụ việc chỉ làm hỏng một bộ phận của chiếc xe, không có thiệt hại về người.

Nói về nguyên nhân vụ nổ, ông Tươi cho biết, nguyên nhân khách quan là do thời tiết, còn chủ quan là do ông Thuận – chủ chiếc xe ô tô nên công an xã chỉ làm báo cáo gửi lên công an huyện Chợ Gạo mà không điều tra.

“Chúng tôi ghi nhận trường hợp chiếc bình cứu hỏa ông Thuận đặt trong ô tô là loại bình mini, còn hạn sử dụng đến tháng 11/2017. Trên bình có ghi dòng chữ tiếng Anh nhưng lại có xuất xứ từ Trung Quốc, không có giấy chứng nhận của cơ quan PCCC.

Rất có thể đây là bình nhập lậu, bán trôi nổi trên thị trường. Ông Thuận đặt chiếc bình cạnh cửa xe (đây là điều nên tránh mà chuyên gia đã cảnh báo – PV) nên khi có ánh nắng chiếu vào đã làm tăng nhiệt độ trong xe, áp suất trong bình mà phát nổ” – ông Tươi cho biết.

Hang loat binh cuu hoa no trong o to: Tat ca deu dung…
Ông Thuận và chiếc bình cứu hỏa phát nổ trong xe ô tô của mình.

Cũng trong ngày 18/1, anh Nguyễn Hoàng Hải (Q. Ba Đình, TP. Hà Nội) lái chiếc xe BMW, bên trong có chở chiếc bình cứu hỏa loại nhỏ. Khi đang lưu thông trên đường thì chiếc bình cứu hỏa phát nổ, bọt trắng bắn tung tóe khắp chiếc xe của anh Hải.

Được biết, chiếc bình này được anh Hải mua ở phố Yết Kiêu, TP. Hà Nội hơn 1 tuần trước khi xảy ra vụ việc. Anh Hải chia sẻ: “Sau sự việc này, tôi thà chịu phạt chứ không dám để bình cứu hỏa trên xe ô tô của mình nữa.

Trước đó, ngày 14/1, tại tỉnh Bến Tre cũng xảy ra một vụ nổ bình chữa cháy trên xe ô tô. Ông Trần Sĩ Nhân (ngụ xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) kể, chiếc xe tải loại 3,5 tấn của ông được cơ quan chức năng hướng dẫn trang bị bình chữa cháy loại lớn hơn so với bình mini của xe ô tô 4-9 chỗ ngồi.

Hôm đó ông tháo chiếc bình ra để vệ sinh xe thì chiếc bình bỗng phát nổ và bay lên làm thủng cả nóc nhà. Ông Nhân lo ngại, không trang bị bình chữa cháy thì sợ bị phạt, nhưng có bình mà lại đối mặt rủi ro nổ như thế này thì còn nguy hiểm hơn.

Ai chịu trách nhiệm?

Cũng trong chiều ngày 18/1, ông Trần Hoài Bảo – Trưởng phòng CSGT tỉnh Tiền Giang cho biết, đã nắm được thông tin nổ bình cứu hỏa xảy ra tại nhà ông Thuận. Nhưng chưa thể xác định rõ nguyên nhân vì sao.

“Việc trang bị bình cứu hỏa cho xe ô tô đã được các đơn vị hành chính của tỉnh Tiền Giang thực hiện nghiêm chỉnh. Còn với người dân, vẫn có nhiều người chưa chấp hành. Hiện nay, chúng tôi chưa nhận được văn bản của Cục CSGT thông báo tiến hành xử phạt hành vi trang bị bình cứu hỏa trên xe ô tô hay không. Chính vì thế, bây giờ người dân trang bị cũng được, không trang bị cũng được” – ông Bảo cho biết.

Nói về hàng loạt bình cứu hỏa nổ trong xe ô tô, Đại tá Nguyễn Thế Từ  - Nguyên Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH PCCC cho rằng, việc để một chiếc bình chứa khí, hoạt chất hóa học trong xe chẳng khác nào đặt “quả bom” bên cạnh mình. Bởi, trên thị trường Việt Nam hiện nay, có tới 99% số lượng bình cứu hỏa là loại hàng trôi nổi, không có giấy kiểm định, xuất xứ từ bên Trung Quốc tràn vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau.

“Với bình cứu hỏa đủ tiêu chuẩn, sẽ được thiết kế chịu gấp 3 lần yếu tố thông thường ngoài môi trường. Nhưng với bình không rõ nguồn gốc, kém chất lượng thì nó sẽ nổ bất cứ lúc nào. Với vụ nổ ở Tiền Giang, thời tiết hiện tại trong đó dao động từ 24 – 32 độ C, mức đó chưa đủ để gây nổ bình cứu hỏa được. Còn vụ ở Hà Nội, càng không thể vì nhiệt độ ngoài trời rất thấp. Như vậy chỉ có thể là do người dân mua phải bình kém chất lượng” – ông Từ phân tích.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI