Giữa Sài Gòn, cả trăm hộ dân triền miên dùng nước bẩn

17/06/2019 - 21:41

PNO - Một người dân trong tổ dân phố 61 đem về cái máy đo mức độ ô nhiễm của nước giếng khoan, tá hỏa la khắp xóm: “Dùng nước này, có ngày chết tập thể”.

Hơn 100 hộ với khoảng 500 nhân khẩu ở tổ 61, khu phố 8, phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM đến nay vẫn phải dùng nước giếng khoan ngay bên con sông ô nhiễm. 

Sống chung với nước bẩn

Tổ 61, khu phố 8, phường 15, quận Gò Vấp nằm dọc con sông Vàm Thuật. Nước sông đen ngòm, xộc lên mùi hôi thối. Do vậy, nước giếng khoan cũng bị ô nhiễm. Khoảng 4-5 năm trước, có thông tin nước sạch về khiến ai nấy đều phấn khởi.

Nhưng chưa kịp vui, họ ngỡ ngàng nhận tin, chỉ 70/171 hộ có nước máy về đến nhà. 101 hộ còn lại đành phải tiếp tục xài nước giếng khoan. 

Giua Sai Gon, ca tram ho dan  trien mien dung nuoc ban
Ao sen “nghiệt ngã” dài 11m trở thành ranh giới phân định những hộ có và không có nước sạch để dùng

Đem mớ áo quần nhuốm phèn vàng ố ra phơi, chị Phạm Thị Phương buồn tủi: “Mấy bộ này chị mới mua, giặt nước giếng hai lần, ngả màu hết”. 

Dân ở đây đều vậy, bao đời nay phải dùng nước giếng khoan tắm giặt, lọc qua cát, đá, sỏi rồi nấu ăn. Chị Dâu đứng kế bên, tay không ngừng gãi, chua chát: “Ngứa lắm em. Đi làm về mệt, tắm cho sạch, tắm xong, người hôi rình”. Chúng tôi múc một ca nước giếng khoan đen sóng sánh, đưa lên mũi, tanh nồng.

Dân nơi này kể những câu chuyện rất buồn. 

X., 25 tuổi, 25 năm tắm nước giếng khoan, một bữa nọ đi xin việc, vào thang máy của tòa nhà, người phụ nữ sang trọng đứng kế bên bật hỏi: “Em có nghe mùi tanh tanh như mùi… nước đái chó trong thang máy này không? Bộ phận vệ sinh kém quá”. 

Khi đến lượt mình được gọi vào phỏng vấn, gặp lại người phụ nữ ban nãy cùng ánh mắt “dò xét mùi hương”, X. về khóc ba ngày. 

Chị Phương rưng rưng: “Ông bà, ba má chị đều sinh sống ở đây. Cả thế kỷ, dòng họ chị tính ra có năm người chết vì ung thư. Ba má chị khi sống cứ nói hoài vụ thèm nước sạch. Chẳng ai nhắm mắt được thỏa nguyện một lần tắm nước máy”. 

Hồi đầu, chị Phương nghĩ do di truyền, nhưng rồi chị lần lượt chứng kiến trong tổ, có nhiều người mắc bệnh ung thư. Đàn bà bị ung thư tử cung, buồng trứng, đàn ông bị ung thư gan, phổi. 

Giua Sai Gon, ca tram ho dan  trien mien dung nuoc ban
Mới đây, ngày 13/5, người dân tổ 61 lại họp, xin được cấp nước sạch

Người dân chỉ chúng tôi đến hộ chị Hương nằm cuối tổ, nói: “Nhà đó nổi danh về ngứa ở vùng này, do gần sông nhất”. Chị Hương thổ lộ, cả nhà tắm xong thi nhau gãi, từng vệt đỏ rồi mụn nước li ti nổi lên chạy khắp người như từng đường giun xéo.

Khoảng 2 năm trước, có người dân trong tổ 61 đem về một cái máy đo độ ô nhiễm của nước giếng khoan, tá hỏa la khắp xóm: “Dùng nước này có ngày chết tập thể”. 

Người dân thất thần, bế tắc. Họ năn nỉ vài hộ trong số 70 hộ có nước máy bán nước sạch cho họ. Từ đó, mỗi sáng, gần 100 hộ cử người lũ lượt ôm theo mấy trăm chiếc bình rỗng, loại 20-30 lít/bình đi mua nước. 

Giá mua không đắt, chừng 1.000-2.000 đồng/bình nhưng họ bảo, mất công và mệt mỏi vô cùng. Giữa Sài Gòn, dân thị thành chính hiệu mà tưởng chừng như trên núi trên non.

Những người kinh doanh nước máy cũng chẳng mấy vui vẻ, chủ yếu là hỗ trợ dân trong vùng. 

“Dân họ trả vài ngàn đồng một bình, trong khi tôi trả cho Nhà nước theo định mức tăng dần. Người ta mua càng nhiều, tôi càng chết, như tháng rồi tôi tốn hết 2,7 triệu đồng đóng cho Nhà nước mà thu đâu vài trăm ngàn đồng từ dân” - ông Viện, chủ một hộ kinh doanh nước, tâm sự. 

Trong khi đó, bà Hồ Thị Mỹ tuyên bố: “Tôi giờ chỉ bán cho người quen thân thôi, hộ nào mới về sống, tôi không bán vì có tháng, tôi lỗ 500.000-600.000 đồng”.

Không chỉ tổ 61, ở tổ 62, 58 cũng sót lại mấy chục hộ bị nhà máy nước… chê. Hơn 1 năm trước, người dân hai tổ này tự nghĩ ra phương án bỏ tiền mua ống nước về “câu” ké, mỗi nhà tự bắt một đồng hồ. 

Do tự lo nên đường ống vài tháng là khô gãy, lại tốn tiền thay mới, chưa kể nước cứ nhỏ giọt. Thấy chỉ rước thêm bực mình, họ đành trở lại xài nước giếng khoan hoặc đi mua xài cho tiện.

Giua Sai Gon, ca tram ho dan  trien mien dung nuoc ban
Hộ anh Phạm Phương Vũ vẫn dùng nước bẩn từ giếng khoan cho sinh hoạt hằng ngày

Ao sen nghiệt ngã

Triền miên xài nước bẩn, dân tổ 61 vác đơn đi cầu cứu khắp nơi. Trong đơn, họ cho biết, nước về đến nhà bà Hồ Thị Mỹ ngay đầu đường rồi dừng, trong khi nhà bà Mỹ chỉ cách các nhà còn lại vài bước chân và cách nhà cuối tổ khoảng 1km. 

“Đơn vị cấp nước là Công ty cổ phần Cấp nước Trung An cho rằng, do các hộ phía trong cách nhà bà Mỹ một ao sen” - anh Phương Vũ, nhà ở tổ 61, thông tin. Ao sen chạy dọc theo con đường dẫn vào tổ, anh Vũ nói đã đo rất nhiều lần, chính xác chiều dài chỉ 11m. 

Chính quyền phường 15 và Công ty Trung An đã nhiều lần cùng dân họp giải quyết nhưng cuối cùng, mọi phương án đều quay về con số 0. 

Theo người dân, ban đầu, công ty đề nghị lắp cho tổ ba vòi nước ngay đầu đường để dân tự đi lấy về dùng, tự tính tiền theo đồng hồ tổng để đóng. 

Dân “cự” với công ty, biết nhà nào xài nhiều xài ít mà gom tiền, rồi ai đi gom tiền nộp cho công ty? 

Công ty Trung An bày cách khác, theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm: dân gom tiền tự mua ống về “câu”. 

Dân mừng rỡ, nhưng đề nghị Trung An giúp chọn mua các loại ống đúng chuẩn, rồi quản lý luôn cho dân. Trung An tính cả cụm 101 hộ, tiêu tốn khoảng 400 triệu - 500 triệu đồng cho 517m ống nhựa hiệu Bình Minh. 

Dân chấp thuận. Trung An đề nghị mỗi hộ phải đưa thêm 2,5 triệu đồng mua “đồng hồ đúng chuẩn”. Dân bỏ về ngay trong cuộc họp, mặt mũi ai nấy đều… méo xệch.

Người dân lại bức xúc làm đơn, hỏi vì sao chỉ cách một ao sen dài 11m mà dân vùng trong không có nước sạch. 

Giua Sai Gon, ca tram ho dan  trien mien dung nuoc ban
Nhà ông Viện kinh doanh nước nhưng xác định trước là “chỉ có lỗ nặng”

Ông Nguyễn Văn Biên - người tự nhận mình lớn tuổi nhất trong số hơn 500 cư dân vùng này - khẳng định: “Trung An và ủy ban phường cứ hứa hoài mà không làm. Năm 2017, họ hứa năm 2018 có nước sạch; cuối năm 2018, họ lại hứa đầu năm 2019 có”. 

Thế nhưng, cho đến giờ và không biết đến bao giờ, dân mới thôi ăn, uống, tắm, giặt bằng nước từ mạch ngầm trong lòng đất ô nhiễm. 

Thực tế, không phải dân vùng này không biết căn nguyên chính của việc nước không về. Bản quy hoạch “treo” đã chỉ rõ, hàng trăm gia đình ở khu phố này sẽ phải di dời, nhường chỗ cho công viên, trường học, trạm xá. 

Nhưng, cái “bản án” quy hoạch kia cứ treo miết năm này qua năm nọ, đời này đến đời khác. “Anh quy hoạch gì thì cũng phải cấp nước cho dân xài. Một ngày còn sống là một ngày dân gần hơn với cái chết vì dùng nước ô nhiễm” - ông Biên cảm thán. 

Chị Phương bức xúc: “Nước thì không cấp, đổ cho quy hoạch nhưng nhà dân vẫn cứ mọc lên. Vậy những nhà có sổ đỏ bao đời nay thì sao? Như hộ tôi và nhiều hộ khác cũng chỉ mới được cấp sổ đỏ cách đây vài năm chứ mấy, là sao?”. 

Chúng tôi hỏi ông Phan Trung Hà - Tổ trưởng tổ dân phố 61, nhà nằm trong số 70 hộ có nước sạch để dùng. Từng có thâm niên khốn khổ chờ nước sạch, ông Hà đã nhiều lần thay mặt dân vác đơn lên chính quyền.

“Phường thì cũng hứa thôi, còn Công ty Trung An thì cam kết cuối năm 2019 sẽ có nước cho dân. Hiện họ đang xin ý kiến của các cấp cao hơn” - ông Hà thông tin. 

Nhưng, cả ông Hà lẫn hơn 500 con người nơi đây đều không tin, bởi những hứa hẹn và cam kết này, bao năm trời đều là nói cho có, cho xong. Họ muốn nhìn thấy một văn bản rõ ràng, trả lời rõ câu hỏi “vì sao hơn 100 hộ còn lại không có nước sạch, bao giờ thì nước sạch sẽ về?”. 

Tuyết Dân - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI