Giọt nước ở vùng biên

14/05/2018 - 14:47

PNO - Ở Phước Chỉ này, cho gì cũng không quý bằng nước ngọt. Mấy chục năm nay, toàn xài nước giếng đào, phèn nặng, tiến tới đặt máy khoan, lắng phèn, cũng chỉ là để tắm giặt, còn nước phục vụ ăn uống thì phải chạy mua.

1. Trưa tháng Năm, men theo hương lộ 8, chúng tôi rẽ về Phước Hưng, đất như nảy lửa dưới chân, ran rát khắp mặt. Vậy mà vừa mới gặp, anh Thà, bên Phước Hưng 1 nói, giờ là đỡ dữ lắm rồi đó, 10 năm trước, đừng nói đi giữa trưa ở Phước Chỉ này, đất phèn đóng khô cả tấc, đi nghe rôm rốp, cháy cả bàn chân.

Dừa trồng bao lớn, toàn cho trái cùi. Thuốc lá lên thành đồng rất đẹp nhưng độ mặn của phèn làm nhạt lá, chất lượng không cao. Ngoài lúa một vụ, may ra chỉ còn mỗi cây ớt là sống được ở đất biên địa này. 

Giot nuoc o vung bien
"Có cách nào cho tui với bà con ở đây cái máy làm nước ngọt" - chủ nhà khẩn khoản với khách - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM

Tôi nhìn những gương mặt cay nồng, dưới cái nắng như thiêu như đốt, họ bình thản đến lạ lùng. Vẫn là tiếng của anh Thà, sống đâu quen đó thôi, vùng này trước giải phóng là vành đai trắng, ai  chịu ở lại, bám đất bám làng là vì tin cách mạng thôi…

Tôi bất giác nhìn lên tấm bảng tại buổi lễ trao bổ sung kinh phí thực hiện chương trình Nước ngọt vùng biên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM nghĩ, họ vẫn tiếp tục tin đấy thôi dù 43 năm rồi, họ cứ lầm lũi cháy khát nơi vùng đất phèn mặn chát này.

Như hiểu cái ý nghĩ của tôi, anh Thà nói, ở Phước Chỉ này, cho gì cũng không quý bằng nước ngọt. Mấy chục năm nay, toàn xài nước giếng đào, phèn nặng, tiến tới đặt máy khoan, lắng phèn, cũng chỉ là để tắm giặt, còn nước phục vụ ăn uống thì phải chạy mua. Hồi trước còn tận dụng mấy hố bom thời chiến, làm hồ chứa nước mưa; giờ cũng san lấp cả rồi. 

Phước Chỉ là xã vùng biên, sát nước bạn Campuchia. Chuyện giữ đất là muôn đời. Dẫn nước về cho đất, tìm nguồn nước sạch, nước ngọt cho những con người giữ đất là cội rễ. Sao lại nỡ để mấy mươi năm, đất khô cằn, nước khan hiếm, ngày nhận công trình thiết kế đường dẫn nước ngọt, đại diện người dân, anh tên Biện Văn Lực, giọng đọc to khỏe, dõng dạc: “Với chúng tôi, qua nhiều năm mỏi mòn chờ đợi và tưởng chừng như tuyệt vọng thì hôm nay chúng tôi đã có được giếng nước sạch, đây là niềm vui như mở hội cho những hộ dân chúng tôi luôn đói nước”.

Tôi xin bài phát biểu của anh, chi chít lỗi chính tả nhưng ngập tràn sự hân hoan trong mắt trong tiếng nói của người đàn ông khô khát này. 

2. Chỉ kịp thoáng nhìn từ xa Đồn biên phòng Vàm Trảng Trâu rồi chúng tôi đi thẳng về nhà dân ở ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Hầu như nhà nào cũng được hỗ trợ xây cất nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, sạch sẽ nhưng... trống huơ. Tôi tò mò vén mấy tấm màn, có vài ba bồ lúa cất trữ thì phải. Giường ngủ, tuyệt nhiên không chiếu, chỉ mấy tấm phên gỗ. Ngó lên bàn thờ, vách nhà, là di ảnh Bác Hồ và mấy tấm bằng khen. 

Ghé qua nhà bà con nghèo, họ đang chờ. Mùi phèn xộc lên mặt. Tôi ra sau vườn, cái giếng nước đặc quánh, mở thử vòi, thứ nước vàng khè xối xả. Đi ngược từ chái bếp lên nhà trên, đất nền nhấp nhô, như có sóng lượn trong nhà. Áo quần vàng chạch treo lỏng nhỏng khắp, nồi niêu chỏng chơ.

Cái quạt máy như tạt thêm hơi nóng vào mặt, chủ nhà bị đục thủy tinh thể nặng, bà không thấy rõ, chỉ lờ mờ, nghe tiếng mà đoán hình, tui cảm ơn các cô các chú về đây thăm tui, cho quà tui, nhưng cho tui xin một thứ thôi. Hình như ai cũng đoán được. Bà nói luôn, có cách nào cho tui với bà con ở đây cái máy làm nước ngọt…

Tôi nhìn sâu vào đôi mắt đục, hình như phèn đã lắng cả đời bà, nay chỉ còn ngồi một chỗ, nghe ngóng quanh mình mà khao khát đôi dòng nước ngọt. Nào phải chỉ cho bà, mà cho cô con gái đang ở cạnh bà, cho đám cháu ngoại đang nheo nhóc quanh bà, nó như cây như cỏ cần được tắm tưới mà xanh hơn, mà bám rễ bền chặt hơn ở cái xã Biên Giới này. 

Quành ra trụ sở Đồn biên phòng Vàm Trảng Trâu, không dưng cụm công trình cấp nước tập trung cho bà con Bến Cầu trở thành một cam kết, chúng tôi sẽ trở lại Biên Giới trong ngày khánh thành đường nước…

***

Chiều tối, trời bất ngờ đổ mưa, kèm giông gió, sấm sét. Chiếc dù bạt lớn căng giữa sân bãi không chống nổi những đợt gió, mặc cho cả chục thanh niên cố gồng giữ, cuối cùng cũng đầu hàng. Tôi xuôi theo bà con chạy trú vào trụ sở xã. Có tiếng tặc lưỡi, mấy khi được nghệ sĩ thành phố lên đây biểu diễn mà ông trời không thương. Nhìn lại, cả mấy mẹ con đều sũng nước, mà ánh mắt vẫn hướng về cái quầng sáng ngoài kia, chờ ngớt mưa sẽ tiếp tục coi văn nghệ. 

Giot nuoc o vung bien
Những đứa trẻ cứ thế mà reo lên, hét lên theo từng bước chân trình diễn của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp

Mà trời thương thiệt, tạnh hẳn, sân cỏ trũng nước và bùn. Bạt tung tứ phía. Có được cái mái che kiên cố thì ưu tiên cho phụ nữ, trẻ con và… nghệ sĩ, còn dàn lãnh đạo cũng ngồi chỏng chơ giữa gió. 

Ca sĩ Phương Thanh xuất hiện, như vốn có, nồng nhiệt, máu lửa và thật tình. Lời chào của Chanh nghe thật ấm, thật gần, cô chào những chiến sĩ biên phòng và nhân dân biên giới. Mà không hẳn là lời chào, mong các anh giữ gìn sức khỏe, Chanh nói rất khẽ. Thế thôi. Giữa mênh mông trời biên địa, Trống vắng, Tình thôi xót xa… vang lên, nghe thân quen, trìu mến. 

Bất ngờ một bà má đi thẳng lên sân khấu, bà ôm lấy Chanh, hun thiệt sâu lên má, nói, coi con hồi nào trên ti vi, giờ mới thấy mặt. Chanh cười sảng khoái, thật thà hay cho con về làm dâu Biên Giới.

Gió thổi làm khô dần áo xống. Tiết mục cuối cùng là của hai anh em nhà xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp. Sức mạnh đôi tay, chống đầu giữ thăng bằng đã và đang làm mưa làm gió trên các sàn trình diễn, thi đấu quốc tế, nay hiện diện bằng xương bằng thịt trước mắt bà con của một xã nghèo nhất tỉnh giáp biên giới. 

Tôi quay nhìn những ánh mắt tròn xoe, những cái há hốc miệng không kìm giữ, không ai tin sức mạnh và sự thăng bằng đến tuyệt đối của hai chàng trai. Họ như thể bị thôi miên bởi Quốc Cơ - Quốc Nghiệp. Còn tôi, bị cuốn theo bởi những gì đang xảy ra trước mắt mình. 

Có gì khác giữa cái không gian tráng lệ của sân khấu Britain’s Got Talent và đêm nay, giữa trời và đất và những người dân nghèo nơi vùng biên giới này, hẳn là sự chính xác, tập trung vẫn phải được duy trì và đảm bảo cao độ nhưng nụ cười ấy, sau phần trình diễn thành công như hạnh phúc hơn, xúc động hơn, lạ lẫm hơn. 

Dầm chân trong vũng nước, tôi nhìn qua vai những đứa trẻ đang đu trên mấy dàn loa, chúng ngước nhìn theo từng đường gân, những giọt mồ hôi của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp. Mắt chúng như có nước, cái thứ nước trong veo đang lắng sạch và dậy lên niềm mơ ước được vững chãi mà bước lên từng nấc thang kia… Chúng reo lên, hét lên, vung tay múa chân loạn xạ. Chúng ngửa mặt lên trời cho mưa rớt xuống. Đêm nay, ít nhất có những vì sao sẽ lạc vào giấc ngủ của chúng... 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI