Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: 'Rất nhiều trí thức đã không chọn ở lại...'

26/06/2019 - 15:46

PNO - 'Đơn cử, chúng ta rất muốn níu giữ một Park Hang-seo tài năng, nhưng nếu có nơi khác chào đón ông bằng khoản lương hậu hĩnh hơn thì chúng ta… thua' - bà Phượng nói.

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM lần XI, nhiệm kỳ 2019-2024 sẽ diễn ra trong ngày 27, 28/6.

Với vai trò Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM nhiệm kỳ X, giáo sư - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ () - đã có những chia sẻ xoay quanh sự đánh giá, gửi gắm trong công tác mặt trận đối với sự phản biện từ đội ngũ trí thức.

Theo bà Phượng, đầu tư vào đội ngũ trí thức chính là sự đầu tư bền vững cho đất nước phát triển. Nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TP.HCM đã tổ chức không ít hội nghị phản biện xã hội, có sự tham gia của đông đảo lực lượng trí thức.

Mặt trận đã lắng nghe và chú trọng phát triển các đề án thu hút, bồi dưỡng người tài ở đa dạng lĩnh vực. “Nhưng có rất nhiều trí thức đã không chọn ở lại” - bà Phượng kết luận.

Giao su - bac si Nguyen Thi Ngoc Phuong: 'Rat nhieu tri thuc da khong chon o lai...'
Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng.

Phóng viênChính sách đãi ngộ không tương xứng hay sự phản biện, tiếng nói của đội ngũ trí thức chỉ được dừng lại ở lắng nghe là nguyên nhân chủ yếu, thưa bà?

Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Theo tôi là cả hai. Vấn đề đãi ngộ là một rào cản. Mặt trận nói riêng và Nhà nước nói chung đã và đang có hàng loạt chương trình, chính sách đãi ngộ, thu hút người tài. Nhưng mọi thứ phải nằm trong khả năng. Anh muốn cống hiến, cũng nên hiểu những khó khăn ở nơi mình định dừng chân.

Đơn cử, chúng ta rất muốn níu giữ một Park Hang-seo tài năng, nhưng nếu có nơi khác chào đón ông bằng khoản lương hậu hĩnh hơn thì chúng ta… thua. 

Lương quá khả năng thì làm sao chúng ta chi trả được. 

Một câu chuyện khác, cách đây nhiều năm, trong vai trò phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM, tôi sang Nhật dự một hội thảo. Việc chúng ta chưa hỗ trợ nhiều cho các nạn nhân da cam/dioxin, thậm chí chưa chú trọng chăm lo cho người nghèo, liệu Mặt trận hay Nhà nước có yếu kém trong công tác này trở thành vấn đề bị mang ra bàn cãi. 

Nhưng khi tôi còn chưa phát biểu, rất nhiều giáo sư, trí thức người Nhật đã thay tôi trả lời. Họ nói, hãy nhớ, nước Nhật có hơn 70 năm tái thiết sau chiến tranh trong khi Việt Nam thì vừa thoát nghèo, vẫn chiến đấu với rất nhiều khó khăn.

Khi anh thấu hiểu về khả năng, điều kiện nơi mình muốn cống hiến, anh sẽ không thấy chán nản, để phải rời đi trong sự bất mãn. Ngược lại, anh sẽ có sự sẻ chia. Còn về tiếng nói, sự phản biện thông qua quan điểm, rõ ràng anh không thể tự cho mình là người có trình độ rồi mặc nhiên nói gì cũng muốn được lắng nghe. 

Đất nước luôn trọng dụng nhân tài, nhưng nhân tài đi kèm với tiếng nói “phá hoại”, tiêu cực thì ai có thể lắng nghe đây?

TP.HCM hiện có rất nhiều dự án, chính sách đã và đang triển khai, để bắt kịp với xu thế hòa nhập. Trong sự phản biện xã hội để đi đến đồng thuận, chúng ta cũng không thể lắng nghe những tiếng nói “một chiều”?

- Tôi xin kể một câu chuyện mà nhiều người chắc sẽ nhớ. Có một giai đoạn, TP.HCM được mệnh danh là thành phố nhiều “cúp”, ngày nào cũng nhận được “cúp”. Cúp điện. Khi chính quyền muốn xây dựng thủy điện Trị An, sự đồng thuận thì ít mà phản đối thì nhiều. 

Không chỉ tầng lớp trí thức, nhiều đại biểu Quốc hội cũng phản đối, lý lẽ tưởng chừng rất thuyết phục, như: sẽ gây động đất, sạt lở, tốt đẹp vậy sao nước khác không làm… Giờ thì chúng ta đã biết lợi ích của thủy điện Trị An sau mấy chục năm tồn tại.

Nói như vậy để thấy, với mỗi dự án, công trình trọng điểm hay chính sách mới mẻ nào, đều không tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Chúng ta phải đón nhận. Đó là sự đón nhận hiển nhiên, cần thiết phải có. 

Vấn đề là, người nói và đón nhận trong tâm thế nào. Anh phản đối thì phải chỉ ra được hệ lụy, khiếm khuyết; còn người đón nhận cũng phải biết cân nhắc trước những điều được “chỉ ra” đó, để thấy sự đúng sai. 

Khi đặt mọi thứ lên bàn cân mà phần thắng nghiêng về lợi ích quốc gia, nhân dân thì chúng ta cứ tiến hành trên cơ sở có bao gồm sự tiếp thu để khắc phục các hệ lụy; đồng thời biết chứng minh, phản biện lại những tiếng nói đó.

Bà có cho rằng, còn nhiều trí thức trong nước ngại va chạm? Họ cần làm gì để phát huy tính phản biện? MTTQVN TP.HCM đã/cần làm gì để thúc đẩy sự phản biện của đội ngũ trí thức?

- Trong một lần đi công tác tại Canada, chúng tôi đón nhận những trăn trở của trí thức Việt kiều về nơi tiếp nhận các ý kiến phản biện của các tầng lớp, thành phần xã hội. 

Họ cho rằng, đến trí thức trong nước còn không có một sân chơi cho tiếng nói, sự đóng góp thì làm sao các tầng lớp khác dám thể hiện mình. 

Chúng tôi đã đáp rằng, chính Ủy ban MTTQVN các cấp lẫn sự đa dạng của các tổ chức, hội đoàn là nơi lắng nghe và trả lời mọi câu hỏi, ý kiến. Còn anh phải chủ động và mạnh dạn tham gia phản biện.

Bà đánh giá thế nào về công tác phản biện, giám sát, định hướng của Ủy ban MTTQVN TP.HCM trong nhiệm kỳ vừa qua?

- Ủy ban MTTQVN TP.HCM nhiệm kỳ vừa qua đã làm rất tốt chức năng tiếp thu, giám sát và phản biện qua việc tổ chức hàng loạt hội thảo, chương trình khảo sát thực địa rồi ngồi lại phân tích, tham mưu cho lãnh đạo cũng như có báo cáo trong mỗi kỳ họp HĐND, Quốc hội. 

Mặt trận cũng tích cực giám sát xem cái nào báo cáo lên mà không được giải quyết để đặt lại câu hỏi vì sao không giải quyết. Đơn cử, chúng ta kêu gọi cải cách thủ tục hành chính, nhưng qua giám sát, Mặt trận thấy vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, sự vòi vĩnh của cán bộ gây khó cho người dân. Mặt trận đã có sự phản ảnh để đốc thúc, chỉnh đốn và ngược lại, có căn cứ để trả lời cho người dân.

Riêng công tác định hướng, tôi cho rằng, Mặt trận đã làm tốt. Ví dụ, khi Trung Quốc đổ xô mua vải, thanh long… khiến giá hàng lên cao, người dân phấn khởi, nhưng mùa sau họ không mua nữa, dân hụt hẫng. Những chuyện như vậy rất nhiều và Mặt trận, trong khả năng của mình, đã tìm cách định hướng cho người dân trong sản xuất, canh tác.

Mặt trận đã làm rất nhiều việc, đôi khi thầm lặng. Chẳng hạn, thông qua Quỹ Vì người nghèo, Ủy ban MTTQVN TP.HCM đã vận động hàng trăm tỷ đồng, rồi từ đó công khai minh bạch thực hiện các chính sách, chương trình hướng về người có công, người nghèo, nạn nhân da cam/dioxin, xây dựng biển đảo… 

Nếu không có sự tin tưởng của doanh nghiệp, người dân thì Mặt trận không thể làm được những việc nghĩa tình đó.

Xin cảm ơn bà. 

Tuyết Dân thực hiện

 
TIN MỚI