Giấc mộng đổi đời đầy máu và nước mắt

30/10/2019 - 06:30

PNO - Nguy hiểm mạng sống đã được cảnh báo trước, nhưng nhiều người ở vùng quê Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn quyết định bỏ ra hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng để được đặt chân tới Anh.

Mang theo giấc mộng đổi đời, họ từ biệt gia đình ra đi mà không hẹn ngày về.

8 lần vượt biên vào Anh

Những ngày này, khi câu chuyện 39 người tử vong trong container ở Anh khiến cả thế giới bàng hoàng, anh T. - trú tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh - rùng mình nhớ lại hành trình tìm tới nước Anh của mình 5 năm trước. Do cuộc sống ở quê nhà khó khăn, anh T. quyết định bỏ hơn 400 triệu đồng để sang Anh làm việc, nhưng đi chui theo diện du lịch.

Anh kể, sau khi đáp máy bay xuống Nga, anh và nhóm người đi cùng phải cuốc bộ cắt rừng từ Nga qua Ukraina rồi vượt biên qua Ba Lan. Mỗi chặng đường đều có nhà kho để mọi người trốn. Nhóm được đưa đi căn cứ vào tình hình an ninh thực địa, nhưng toàn bộ chỉ đi vào ban đêm để tránh bị phát hiện. “Đêm nào đi, họ sẽ thông báo. Mỗi lần đi, đều có người dẫn đường phía trước. Phía sau cũng có người chốt đoàn để đánh đập nếu ai đó yếu sức, không đi kịp” - anh T. kể.

Giac mong doi doi day mau va nuoc mat
Nhà lầu, biệt thự ở “xã tỷ phú” Đô Thành mọc lên san sát từ nguồn ngoại tệ do con em gửi về - Ảnh: Phan Ngọc

Có hai lựa chọn để đi từ Pháp sang Anh. Một là “cỏ” với chi phí thấp nhưng đổi lại, rất dễ bị phát hiện. Hai là “VIP”, chi phí cao hơn nhiều, nhưng khó bị phát hiện. Có thể di chuyển bằng xe tải phủ bạt kín, hoặc xe container.

“Tôi được người dẫn đường đưa lên xe container chở hàng điện tử sang London. Dù đã thủ dao sẵn và nhờ tài xế chạy chậm để khi sang Anh thì nhảy xuống, nhưng tài xế cho xe chạy quá nhanh. Xe dừng ở trạm cảnh sát và tôi bị bắt” - anh T. nhớ lại.

Hành trình của anh Phương (đã đổi tên) - trú tại xã Cương Gián, H.Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - cũng chẳng suôn sẻ gì, bị cảnh sát phát hiện và bắt giữ lúc vừa đặt chân tới Anh. Bị bắt, trục xuất quay về Pháp, anh Phương tiếp tục chờ đợi cơ hội và thử đủ cách để tới được nước Anh.

“Sau bảy lần bị bắt, tôi buộc phải gọi vợ gửi thêm 100 triệu đồng nữa cho môi giới để chọn cách đi khác. Sau đó, tôi được họ sắp xếp lên ngồi ở ca-bin cùng tài xế container nên qua Anh trót lọt” - anh Phương nhớ lại.

Hơn một tuần đặt chân tới Anh, anh Phương xin vào làm cho một quán ăn của người Việt. Đánh ánh mắt về phía cánh đồng trước nhà, anh Phương cho biết, nhiều người bất chấp cả tính mạng để qua Anh làm việc bởi ở đó công việc nhiều, lương cao hơn.

“Cái gì cũng có giá của nó. Đặt chân tới Anh là ước mơ của nhiều người, kể cả tôi. Nhưng làm được ba năm thì tôi đành từ bỏ để quay về vì quá nhớ nhà, tủi thân mỗi lúc đau ốm...” - anh Phương tâm sự.

Giac mong doi doi day mau va nuoc mat
Nhiều gia đình đã lập bàn thờ tạm cho con em mình bị mất liên lạc trên đường sang Anh

Chịu đói khát băng qua rừng đầy tuyết

“Đánh đổi bằng xương máu cả” là tâm sự nghẹn lòng của người mẹ trẻ quê ở H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An khi nhắc lại hành trình trở về đầy nước mắt của chị sau quá trình đi lao động bất hợp pháp ở Tây Âu. Ba năm trước, chị T. quyết định gửi lại con nhỏ chưa dứt sữa để cùng anh trai bắt đầu hành trình sang trời Âu tìm tương lai.

Người phụ nữ 25 tuổi này kể, ngay khi vừa đáp máy bay xuống Nga, nhóm của chị được đưa về một nhà kho. Trong quá trình chờ cơ hội vượt biên tại đây, mỗi người phải nộp 200 USD nhưng chỉ được ăn gạo, khoai tây, mì tôm. Thịt đã bốc mùi hôi thối, khoai tây mọc mầm cao nửa gang tay nhưng mọi người vẫn cố ăn để bám trụ vì không thể ra ngoài, lại bất đồng ngôn ngữ với nhóm người “cai quản”.

Ngày 8/3/2016, khi một nửa thế giới đang đón nhận những lời chúc ngọt ngào thì chị T. trải qua cuộc vượt biên thập tử nhất sinh. “16 người ngồi chồng lên nhau trên một chiếc xe thùng chật hẹp. Suốt hai ngày, cả nhóm đều kiệt sức vì không có thức ăn, nước uống. Chân tay tê cứng nhưng không có không gian để cử động” - chị T. kể.

Thế nhưng, khi vừa tới bìa rừng, nhóm người Tây liên tục quát “go, go, go”, yêu cầu tất cả di chuyển vào rừng sâu đang phủ tuyết trắng xóa, nơi có chiếc xe tải vừa dừng.

Kiệt sức, mệt, đói và khát là những gì chị T. vẫn còn nhớ như in dù đã trải qua nhiều năm trước. “Mệt quá, tôi vừa đi vừa bám vào người khác. Mỗi lần ngã xuống, tôi lại bốc từng nắm tuyết cho vào miệng nuốt thay cơm, đến mức cổ họng đau buốt, không còn nói nổi” - chị T. kể. Rồi một tiếng súng vang lên, cả nhóm chạy tán loạn khi thấy cảnh sát.

Là người đầu tiên bị cảnh sát tra tay vào còng do ngã úp mặt xuống tuyết lúc bỏ chạy, chị T. được cảnh sát chỉ cho thấy dấu chân hổ xuất hiện ở bên cạnh. Chứng kiến cảnh ấy, chị T. gắng la lớn: “Anh Bình ơi, anh Hòa ơi, ra tự thú vì không chết đói, chết rét cũng bị cọp ăn thịt”.

Trên đường ra khỏi rừng, chị T. dường như phó mặc số phận vì bước chân đã quá nặng nề. “Được hai người dắt, tôi vừa đi vừa dặn lòng phải quay trở về với con mình” - chị T. nhớ lại. Vượt qua phút “thập tử nhất sinh” ấy, chị T. tiếp tục trải qua sáu tháng trời trong trại trước khi bị trục xuất về nước.

Giac mong doi doi day mau va nuoc mat
Nước mắt ngóng chờ tin thân nhân vẫn còn đang mất tích

Đổi đời bằng máu và nước mắt

Từ một làng quê nghèo, sau hơn 20 năm, xã Thiên Lộc, H.Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã “phất” lên nhanh chóng nhờ… ngoại tệ do con em gửi từ châu Âu về. Tuy nhiên, cuộc đổi đời này đánh đổi bằng sự nhọc nhằn, thậm chí cả tính mạng.

Dù đang thấp thỏm âu lo, ngóng chờ tin tức năm người đang mất tích trên đường vượt biên sang Anh, nhưng ông Đặng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc - thừa nhận, nhờ xuất ngoại lao động, trong hơn chục năm qua, thu nhập bình quân trên đầu người ở xã đã tăng gấp nhiều lần.

Chỉ có hơn 8.300 dân nhưng hiện xã Thiên Lộc có khoảng 1.300 người đang làm việc ở nước ngoài. Trong đó, có hơn 700 người đang làm việc tại các nước châu Âu. Ít năm trước, trưởng và phó công an xã này cùng một cán bộ văn hóa cũng đã lần lượt xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động.

“Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền và cảnh báo cho người dân về những rủi ro khi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, nhưng chẳng mấy ăn thua” - ông Tuấn nói.

Nhiều năm qua, nhiều xã ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bỗng chốc nổi lên và được nhiều người biết đến với những cái tên như “làng đi Tây” hay “xã tỷ phú”. Kiều hối từ nước ngoài gửi về nhiều, người dân xã Đô Thành, H.Yên Thành, tỉnh Nghệ An bắt đầu xây dựng nhà lầu, biệt thự, mua sắm ô tô khiến ai nấy không khỏi trầm trồ.

“Hiện xã có gần 1.500 người đang lao động ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước châu Âu. Người đi trước thành đạt rồi kéo theo anh em, họ hàng và người quen theo sau” - một cán bộ xã Đô Thành nói.

Nhiều người đã và đang có ước mơ đổi đời ở Anh thừa nhận, họ biết về những gian khổ, thậm chí nguy hiểm tính mạng khi vượt biên vào Anh nhưng vẫn quyết định liều với hy vọng thay đổi cuộc sống của mình.

Anh Trần Văn S. - trú tại H.Yên Thành - tính toán, nếu vượt biên sang Anh thành công, khoảng 1,5 năm làm việc sẽ trả hết khoản nợ 900 triệu đồng chi phí bỏ ra ban đầu. “Đi cách này thì chẳng hẹn ngày về, lại nguy hiểm, nhưng nếu thành công thì cũng có thể kiếm được khoản vốn sau vài năm, chứ ở nhà không biết làm gì” - anh S. phân trần.

Ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND H.Yên Thành - cho biết, hiện có hơn 15.000 người dân của huyện này đang lao động ở nước ngoài, hằng năm gửi về hàng trăm triệu USD. Chính quyền địa phương vẫn luôn cảnh báo về việc đi lao động bất hợp pháp nhưng do không có nghề nghiệp, cuộc sống ở địa phương khó khăn, nhiều người vẫn bất chấp hiểm nguy để đi lao động chui ở châu Âu. 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI