Giả mạo nhân viên giao hàng, chiếm đoạt tài sản

11/01/2019 - 07:10

PNO - Dịch vụ giao nhận hàng (GNH) với nhiều tiện ích, chi phí thấp ngày càng được nhiều người sử dụng.

Tuy nhiên, mảng dịch vụ này hiện đang nở rộ và hoạt động khá tự do, không có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nên đã bị bọn tội phạm lợi dụng để trục lợi bất chính. Có khi, chính dịch vụ GNH cũng biến tướng, gây bức xúc cho khách hàng. Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng giả dạng nhân viên GHN để chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn tinh vi

Anh Trần Trọng Hào - chủ một cửa hàng thiết bị máy tính trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) - cho biết, tối 6/1 vừa qua, cửa hàng có nhận được đơn hàng mua thiết bị phát wifi 4G TotoLink MF150, một PC HP 280 G3 2XM16PA, một tai nghe tổng đài Jabra UC150 Mono với tổng trị giá 9.390.000 đồng.

Sau đó khoảng vài giờ, có một thanh niên tới cửa hàng của anh Hào, tự giới thiệu là nhân viên của Giao Hàng Nhanh tới tiếp nhận đơn hàng với đầy đủ hóa đơn, biên nhận, phiếu in đơn hàng, giá trị đơn hàng. Nhân viên tại cửa hàng thấy nam thanh niên mặc đồng phục có logo nên rất tin tưởng. Lúc này, anh Hào vừa đi công việc về tới, nhìn thấy nam thanh niên có dáng vẻ khả nghi, anh Hào yêu cầu gọi điện thoại xác minh với đơn vị GNH thì nam thanh niên này xông ra cửa, chuồn mất.

Gia mao nhan vien giao hang, chiem doat tai san

Hàng hóa gửi bị chuột cắn là lỗi phía giao hàng nhưng sau đó lại đổ sang cho khách

Không may mắn như anh Hào, nhiều chủ cửa hàng đã mất tài sản trị giá hàng chục triệu đồng vì thủ đoạn trên. Tháng 12/2018 vừa qua, cửa hàng công nghệ Techspot (TP.Hà Nội) nhận được 3 đơn hàng, trị giá trên 20 triệu đồng. Sau khi đơn hàng được tạo, nhân viên cửa hàng nhận được cuộc gọi (vào số điện thoại của cửa hàng đăng trên kênh Sendo) thông báo là người của Giao Hàng Nhanh sẽ qua lấy hàng.

Đến khoảng 8g tối, một thanh niên tự xưng là nhân viên của Giao Hàng Nhanh, cũng là người liên lạc với cửa hàng Techspot, tới nhận hàng. Thanh niên này mang theo chiếc túi màu xanh có logo của Giao Hàng Nhanh, cùng với cách “làm việc” rất chuyên nghiệp, khiến nhân viên cửa hàng Techspot không mảy may nghi ngờ, giao toàn bộ các đơn hàng.

Chỉ đến chiều, khi một nhân viên thực sự của đơn vị Giao Hàng Nhanh tới nhận đơn hàng thì Techspot mới biết mình đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Hoạt động thả nổi, khó quản

Không chỉ giả dạng nhân viên GNH, nhiều người sử dụng dịch vụ này còn lo ngại, bực bội khi hàng hóa bị đánh tráo, hư hỏng. Trong khi đó, phía dịch vụ GNH lại phủi mọi trách nhiệm hoặc khách hàng phải rất khó khăn mới đòi được bồi thường.

Chị Lê Hồng Phương, ngụ Q.Tân Bình, cho biết: chị có sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh của Công ty cổ phần Dịch vụ Giao Hàng Nhanh (điểm giao dịch 154 - HCM, Bưu cục 152 Phạm Phú Thứ, Q.Tân Bình, TP.HCM) để chuyển thùng hàng gồm quần áo, thực phẩm ra Hà Nội. Theo thông báo, đơn hàng sẽ tới Hà Nội trong vòng 3 ngày. Tuy nhiên, một tuần sau, người nhận cho biết vẫn chưa nhận được hàng.

Sau đó, phía Giao Hàng Nhanh ở Hà Nội gọi cho chị Phương, thông báo: do người nhận đi công tác những ngày cuối tuần, hàng hóa để trong kho, nhưng không may bị chuột cắn và hỏi chị Phương cách xử lý. Chị Phương yêu cầu vẫn tiếp tục giao hàng. Phía Giao Hàng Nhanh cho biết sẽ đóng sản phẩm vào một thùng mới và chị Phương có quyền yêu cầu người nhận kiểm tra hàng trước khi nhận.

Không ngờ mấy ngày sau, Bưu cục 152 Phạm Phú Thứ thông báo với chị Phương, hàng bị trả vì không hợp lệ.

“Tôi rất bực bội vì cách làm việc tắc trách của Giao Hàng Nhanh. Rõ ràng khi tiếp nhận hàng, nhân viên đã đồng ý đơn hàng có chứa thực phẩm, chính tay tôi mua thùng của Giao Hàng Nhanh để đóng hàng trước mặt của nhân viên, nay lại thông báo đơn hàng không hợp lệ. Việc để thùng hàng ở kho và bị chuột cắn là lỗi của Giao Hàng Nhanh - không bảo quản sản phẩm của khách. Tôi gọi điện yêu cầu giải thích vì sao hàng trả về, vì trước đó đã đồng ý với phương án tiếp tục giao hàng. Từ đó đến nay đã hơn một tháng, nhưng công ty không liên lạc lại, không trả lại tiền phí giao hàng hay có động thái xin lỗi” - chị Phương bức xúc.

Cửa hàng công nghệ Techspot cũng từng bị nhân viên Giao Hàng Nhanh tráo hàng - gửi đi một máy ảnh Sony A6300 Kit 16-55 trị giá 18 triệu đồng, nhưng nhận một chai nước khoáng 500ml. Thậm chí có trường hợp giao món hàng có giá trị cao như điện thoại di động, máy ảnh, đồng hồ nhưng nhận là một… cục gạch.

Hiện cả nước có hơn 300 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động bưu chính. Sự phát triển như vũ bão trong lĩnh vực này khiến các doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt để giành khách hàng, nên sẵn sàng bỏ qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tuyển dụng và đào tạo lao động.

Theo phản ánh của nhiều khách hàng, một số đơn vị GNH rất cẩu thả trong việc bảo vệ tài sản của khách. Mặt tiền văn phòng làm việc luôn sạch sẽ để thu hút khách hàng, nhưng phía sau kho chứa hàng lại đầy chuột, gián.

Nhân viên GNH hay quăng, ném đồ của khách; còn nhân viên tổng đài hỏi gì cũng bảo “em không biết, bên em không quản lý” để phủi trách nhiệm khi hàng hóa hư hỏng. Thậm chí, có công ty được cấp phép hoạt động lĩnh vực bưu chính, nhưng chỉ đứng ra thu gom hàng, sau đó thuê lại bên thứ 3 và bỏ mặc trách nhiệm tài sản hàng hóa của khách.

Công ty GNH làm ăn tắc trách, cẩu thả là vậy, nhưng khách hàng dường như bị động trong việc lựa chọn đơn vị uy tín, chuyên nghiệp, bởi khách mua hàng phải phụ thuộc vào doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp cho biết, họ cũng không được quyền quyết định. “Chúng tôi từng bị nhân viên GNH tráo đổi sản phẩm, nhưng vẫn phải tiếp tục sử dụng dịch vụ, bởi công ty đó là đơn vị chuyển phát được trang thương mại điện tử chỉ định” - đại diện một doanh nghiệp cho biết.

Ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết, Bộ Công thương không quản lý các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bưu chính mà trách nhiệm thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tuy nhiên, bộ sẽ quản lý, cấp phép những đơn vị dịch vụ GNH liên quan đến các trang thương mại điện tử. Ông Đông cũng thừa nhận, việc quản lý các công ty hoạt động trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập và chưa có sự kiểm soát chặt chẽ. Khi quyền lợi của khách hàng bị ảnh hưởng, xảy ra khiếu kiện, sở phải chờ chỉ đạo của bộ.

Trong các hoạt động thương mại điện tử, rủi ro mà người tiêu dùng gặp nhiều là khi giao dịch với các tổ chức, cá nhân có chủ đích lừa đảo. “Bên cạnh nỗ lực từ cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu kỹ các điều kiện về bảo hành, hoàn tiền, giao nhận hàng… Phải tỉnh táo lựa chọn những đơn vị vận chuyển uy tín, hoạt động chuyên nghiệp để tránh mất tiền, mất hàng khi sử dụng” - Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI