Gạch, đá và bóng đè…

31/08/2018 - 06:33

PNO - Nếu lỡ rồi, không đập phá được thì buộc phải căng hàng rào bằng hành lang pháp lý, trừ hậu họa về sau. Phải cấm tiệt chuyện chạm đến những viên gạch cổ, bởi sống không có ký ức thì khác gì robot.

Thành Điện Hải chứng kiến cuộc đối đầu khốc liệt của quan quân nhà Nguyễn chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha với tàu to súng lớn năm 1858, khi họ vượt cửa Hàn tấn công Đà Nẵng. Sau 18 tháng giằng co, cuối cùng, liên quân xâm lược phải nhổ neo chạy, chấp nhận thua danh tướng Nguyễn Tri Phương và thuộc hạ.

Gach, da va bong de…
Thành Điện Hải chơ vơ giữa lòng Đà Nẵng, bị những công trình đồ sộ bao vây

Vẫn gạch đá u tịch và câm nín. Những khẩu súng thần công đã sạm gỉ. Hào, thành, quách phơi mình dưới nắng mưa, cỏ, bụi. Đồn lũy không khác chi thành Huế, như một điển hình của hệ thống phòng thủ thời trung cổ.

Để thuyết phục Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình Chính phủ công nhận đây là di tích quốc gia đặc biệt, ngoài những tiếng vỡ của gạch đá và thuốc súng như lời thề quyết tử, không chịu quỳ gối trước ngoại bang một thời, theo lãnh đạo ngành văn hóa Đà Nẵng, thành Điện Hải là trận thắng duy nhất của nhà Nguyễn suốt thời chống Pháp.

Hàng chục năm qua, người ta lấn hào, phá thành để xây nhà cửa. Vòng trong phá, vòng ngoài cũng không thua. Bê tông cốt thép vây quanh. Bên phải là Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng. Trước mặt là khách sạn Novotel và Trung tâm Hành chính TP.Đà Nẵng. Trước Trung tâm Hành chính là nhà hàng bê tông lấn sông của nhân vật đình đám đang chờ “tổng kết án” - Vũ Nhôm.

Khu vực nhà dân lấn thành đã được giải tỏa, đền bù, nhưng những cao ốc nhà nước và tư nhân hàng chục tầng sừng sững, đè bóng xuống thành, mà có nhà báo chua chát là, lỡ mấy tòa nhà kia sụt móng đổ, chúng sẽ ụp nát luôn cả tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương.

Gach, da va bong de…
Hình ảnh thành Điện Hải trên bưu thiếp thời Pháp thuộc

Sửa sai, ráng đến mấy cũng đã sai rồi. Những đoàn viên thanh niên, các em học sinh được đi dã ngoại, về đây nghe kể chuyện cha ông xưa, nếu em nào “tầm nhìn xa” một tí, cắc cớ hỏi: di tích đặc biệt, bóng cha ông năm xưa, giờ bị bóng con cháu lỗ mãng đè kín xung quanh, là sao, không biết người ta sẽ trả lời thế nào nữa.

Ngày 1/9 tới đây, Đà Nẵng sẽ nhận bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho thành Điện Hải; kỷ niệm 160 năm kháng chiến chống Pháp. Bài học rút ra từ trận quyết chiến đẫm máu này, sẽ không phải nhắc lại.

Tuy nhiên, điều người dân cần là sự ứng xử với văn hóa. Đừng bao giờ để lặp lại những hối tiếc, khi xem phát triển, hô hào sánh bằng cường quốc năm châu, nhà cao cửa rộng là trên hết, mà quên những viên gạch cũ đã can trường trong lặng im và đau đớn để có ngày hôm nay.

Rất nhiều di tích, làng mạc, những dấu xưa cõng trên mình chúng bao lớp trầm tích văn hóa của đất Đà Nẵng, đã bị cơn lốc đền bù giải tỏa, bán sạch, xây sạch, làm biến mất. Tất cả diễn ra trong thời gian dài, khiến người ta ngộp thở, khi những tiếng nói phản biện bị triệt tiêu.

Với việc thành Điện Hải đã “trở lại”, nhớ nỗi ngậm ngùi của một nhà nghiên cứu cách đây mấy năm mà người viết bài này từng nghe, là cứ kiểu làm này thì Đà Nẵng sẽ không còn ký ức, người đi xa trở về sẽ ngỡ ngàng đến nghẹn đắng. Một ánh xạ rõ ràng của văn hóa chính là du lịch và sinh hoạt cộng đồng.

Đà Nẵng ngày nay tràn ngập khách Trung Quốc. Hướng dẫn viên tiếng Trung lấn người Việt, nói năng loạn xạ; tour du lịch 0 đồng không kiểm soát được. Sơn Trà, Bà Nà bị phá. Công viên, nơi để xe, không gian lớn để hoạt động văn hóa, các thiết chế văn hóa… quá thiếu.

Hãy vào bảo tàng Đà Nẵng mà xem. Muốn tìm lại được nét thuần hậu, quê mùa của vùng đất này, giờ chỉ tìm thấy trên hiện vật. Đà Nẵng chưa bao giờ là đô thị hiện đại, phát triển sớm như TP.Hà Nội hay TP.HCM. Nếp sống, nếp nghĩ, cách sinh hoạt của cư dân vùng đất này vẫn mang đậm đặc thù của làng quê miền trung.

Tìm lại dấu xưa, có dấu xưa để hiểu, là cái cần. Nó đã bị bỏ qua rất lâu, rất dài. Bóng của bê tông phủ đè quá rộng. Những bài học kinh nghiệm không ai nghe, không ai nhắc, để một hai năm qua, câu chuyện “tuồng xưa, tích cũ” mới được xem lại bằng hối tiếc và quyết tâm gìn giữ.

Bóng đè, dân gian gọi là ma mộc, tức là con ma núp trong cây, ở trong hòm, trên giường gỗ, cây lá trong nhà. Mình ngủ, nó đè thở không được. Đó là thế giới vô hình mình không thấy được, chỉ biết rằng, không riêng thành Điện Hải ở Đà Nẵng, mà ở Huế, TP.HCM, rồi Hà Nội và rất nhiều nơi khác nữa, những dấu tích kiến trúc, văn hóa, lịch sử một thời bị tư duy kim tiền của những gã trọc phú ít học, tạo những bóng đè khủng khiếp.

Nếu lỡ rồi, không đập phá được thì buộc phải căng hàng rào bằng hành lang pháp lý, trừ hậu họa về sau. Phải cấm tiệt chuyện chạm đến những viên gạch cổ, bởi sống không có ký ức thì khác gì robot. 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI