Đua nhau làm sản phẩm kém chất lượng, 'chết' là phải

12/01/2019 - 06:00

PNO - Hiện nay, làng nghề có nhiều điều không ổn: nói xấu nhau, ăn cắp mẫu mã của nhau, tạo ra những giá trị ảo.

Là người nắm bắt sâu sát nhiều vấn đề của làng nghề Việt Nam trong hàng chục năm qua, ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về hạn chế ngay từ “nội tại” của không ít làng nghề hiện nay.

Phóng viên: Chúng tôi nhận thấy, trong cùng một nghề, có người nói hàng ế ẩm, người khác thì làm không hết việc?

- Ông Lưu Duy Dần: Có một “trào lưu” phản cảm đã xuất hiện từ lâu ở làng nghề là thấy hàng bán được thì người ta cứ làm, không cần biết đến chất lượng, mẫu mã ra sao. Nó xuất phát từ tính chất tự phát, tùy tiện của người làm nghề. Ngay làng nghề phát triển mạnh mẽ như gốm Bát Tràng cũng có những tạp nham, làng làm gốm nhưng lấy cả gốm Trung Quốc về bán trà trộn.

Trong bối cảnh đó, những người biết sáng tạo và chắt lọc sẽ sống lâu dài được với nghề, bởi họ giữ được sự thật thà, trung thực, uy tín. Đó chính là vấn đề thương hiệu.

Dua nhau lam san pham kem chat luong, 'chet' la phai

* Nghĩa là theo ông, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định?

- Chúng ta đang cần những người biết tôn trọng khách hàng và tôn trọng chính mình, cần những sản phẩm mang thương hiệu của làng, của nghệ nhân. Nếu chỉ cốt bán được hàng, đua nhau làm sản phẩm kém chất lượng thì “chết” là phải.

* Những điều gì đang kìm hãm việc phát triển của làng nghề, theo ông?

- Ở nhiều làng nghề, người làm tốt rơi vào tình trạng bị cô lập. Chưa kể đến việc hiện nay, làng nghề có nhiều điều không ổn: nói xấu nhau, ăn cắp mẫu mã của nhau, tạo ra những giá trị ảo. Như làng đàn Đào Xá, từ trước đến nay, tất cả các đoàn nghệ thuật đều phải mua nhạc cụ của làng này, nhưng bây giờ, họ đang nói xấu lẫn nhau, tự phá nhau, phá cả nghề của làng. Như thế là không giữ được sự thiêng liêng của tổ nghề và uy tín của chính họ.

* Việc truyền nghề dường như cũng tồn tại không ít góc khuất?

- Có hai vấn đề: một là với lớp trẻ, người dạy không chỉ dạy nghề mà còn phải giúp họ hiểu được giá trị hồn cốt của nghề do tổ tông để lại. Chứ chỉ nghĩ làm để bán lấy tiền thôi thì không được. Chính quyền địa phương cũng phải hiểu được lịch sử làng mình, nghề của quê mình để giáo dục thế hệ kế cận. Hai là có những nghệ nhân khi dạy nghề lại không dạy hết “món”, người học thì có tâm lý “ăn sẵn” nên chưa lành nghề đã hét giá cao và… nói phét.

* Một nghệ nhân có nói câu rất hay: “Khi thực sự yêu nghề và hiểu được giá trị văn hóa ở làng nghề của mình thì tự khắc mình sẽ phát triển được”.

- Đúng. Làng mỹ nghệ Sơn Đồng là như vậy. “Hòa hợp âm dương sinh bảo vật/ Chấn hưng nghiệp tổ kết tinh hoa” - đôi câu đối đó của làng Sơn Đồng chính là để nhắc nhở những nghệ nhân hôm nay nhớ và giữ gìn những gì tổ tiên đã để lại.

* Mười năm trước, đã có kế hoạch đưa làng sơn mài Hạ Thái, làng tò he Xuân La (TP.Hà Nội), làng trống Đọi Tam (tỉnh Hà Nam) vào tour du lịch làng nghề. Nhưng đến bây giờ, tour đó vẫn nằm trong kế hoạch. Như vậy có quá chậm trễ?

- Hiện nay, nhiều làng nghề có điều kiện để phát triển du lịch, nhưng cách làm như thế nào thì rất khó, bởi du lịch làng nghề phụ thuộc nhiều yếu tố: sản phẩm, nghệ nhân, không gian (nơi đó có đủ điều kiện sinh hoạt không). Hà Nội là nơi quy hoạch làng nghề tốt nhất, nhưng hiện nay, mới có làng gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc là có du lịch làng nghề. Làng nghề có rất nhiều thứ bế tắc cần phải tự giải quyết, cần phải tự làm, chứ không thể trông vào những thứ có sẵn và ỷ lại hết vào Nhà nước.

* Ông đánh giá ra sao về các chính sách hiện có đối với các làng nghề?

- Đây cũng là cái khó của chúng ta hiện nay. Năm 2006, có Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn. Đến tháng 6/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP cũng về phát triển ngành nghề nông thôn, giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.

Trong khi đó, làng nghề không chỉ thuộc riêng bộ này mà còn thuộc cả Bộ Công thương vì có những làng nghề tiểu thủ công nghiệp, có hoạt động xuất khẩu, thương mại. Chưa kể, làng nghề và sản phẩm của làng nghề còn mang tính chất văn hóa - nghệ thuật và cả những vấn đề về môi trường, đào tạo.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã là những quà tặng của quốc gia với bạn bè quốc tế, mặt hàng này của nước ta đã vươn tới 127 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, nơi nào có nghề, làng nghề là nơi đó có văn hóa mang tính chất truyền thống. Nhưng chúng ta chưa quan tâm đến những yếu tố này. Nên tôi cho rằng, các nghị định, các chính sách của Nhà nước hiện nay chưa theo kịp sự phát triển của làng nghề, chưa theo kịp cuộc sống.

Ngay công tác dạy nghề cũng phải cải tiến chứ không thể đào tạo lấy thành tích, đào tạo để giải ngân như bấy lâu nay. Chúng ta rất tốn kém cho việc này nhưng cuối cùng, giải quyết được cái gì?

* Một lần nữa, nhìn lại yếu tố nội tại, vấn đề tự thân của các làng nghề, ông nghĩ sao?

- Cái khó của làng nghề là quy mô sản xuất nhỏ, chỉ giải quyết được những hợp đồng nhỏ, nên vẫn phải chịu lép vế và không có năng lực giải quyết những vấn đề lớn. Bản thân làng nghề phải tự hỏi, mình có theo kịp kinh tế hội nhập hay không? Hiện nay, có những khách hàng muốn mua hàng, nhưng đến việc tính giá thành, chúng ta còn không làm được, trả lời cũng không xong; trong khi ở Trung Quốc, những làng nghề của họ lại làm rất nhanh.

Trung Quốc và Thái Lan “nhảy” vào thị trường hàng thủ công mỹ nghệ, nay còn thêm Nhật Bản và Hàn Quốc nữa. Nên nếu ta không giữ được, không có những sản phẩm hội tụ đủ các giá trị kỹ thuật, mỹ thuật, lịch sử, văn hóa thì sẽ mất hết.

* Xin cảm ơn ông. 

Uông Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI