Đủ kiểu lây bệnh từ đường phố

11/10/2018 - 06:00

PNO - Đường nào cũng có chỗ tập kết rác, góc nào cũng thấy đổ rác. Đó chính là những ổ dịch. Đi qua bãi rác, nghe mùi hôi, là do hiện tượng phân tán các phân tử hữu cơ.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, Bộ Y tế:

Trong miệng cống trên đường phố, có rất nhiều chủng loại vi khuẩn, vi-rút. Khi mưa, chúng trôi nổi trên mặt đường; khi nước rút, chúng khô lại thành bụi. Khi xe cộ lưu thông, bụi tung lên, các phân tử này sẽ theo đó bay khắp nơi, dính vào cơ thể người. Tùy theo cơ địa mà có người có thể bị bệnh hoặc mang mầm bệnh đó trong người, đến một lúc nào đó nó sẽ lây lan sang người khác rồi lây cho cộng đồng.

Du kieu lay benh tu duong pho
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai

Cứ vào mùa mưa các loại dịch bệnh như bệnh tay - chân - miệng lại bùng phát. Nguyên nhân chủ yếu là do phân của người hoặc con vật bị bệnh thải xuống ống cống, thành ổ dịch trong đó, đến mùa mưa, nước ngập đưa nó lên đường; trẻ em chơi đùa, chẳng may tiếp xúc rồi dính vào người, lên đường miệng, vào bên trong cơ thể. Các loại bệnh khác cũng thường bùng phát theo kiểu này. 

Hai thế kỷ trước, ở Luân Đôn (Anh), nước thải xâm nhập đường ống nước sạch gây bệnh dịch tả khiến rất nhiều người ở châu Âu tử vong, cho thấy nguy cơ dịch bệnh bùng phát do nguồn nước là rất cao. Các loại vi khuẩn gây bệnh cho người có trong ống cống thường là tả, lị, thương hàn. Ngoài ra, trong ống cống có chất hữu cơ, vi-rút sẽ bám vào phân tử hữu cơ để tồn tại, khi gặp vật sống (người, động vật), chúng sẽ bám vào, phát triển và lây lan.

Ở thành phố, cư dân đông đúc mà tập kết rác gần khu dân cư là không ổn. Lẽ ra, phải đưa rác đến một khu vực riêng, xử lý mùi, khử khuẩn. Đằng này, đường nào cũng có chỗ tập kết rác, góc nào cũng thấy đổ rác. Đó chính là những ổ dịch. Đi qua bãi rác, nghe mùi hôi, là do hiện tượng phân tán các phân tử hữu cơ.

Trong các phân tử hữu cơ đó, có chứa vi khuẩn, vi-rút vì bãi rác là nơi tập trung đủ thứ chất hữu cơ (thức ăn, phân động vật, rác thải y tế, côn trùng...) nên người dân ở gần các bãi rác thường mắc các bệnh về hô hấp, hoặc các bệnh dịch.

Khi phát hiện xác các con vật lớn như heo, gà, lợn, người ta sẽ mang đi tiêu hủy, còn xác chuột chết thì người ta thường ngó lơ. Chính vì vậy, xác chuột là một nguồn nguy cơ gây dịch bệnh rất cao, vì nó mang rất nhiều mầm bệnh.

Khi xác chuột trên đường phân hủy, chúng là cơ hội để vi khuẩn phát triển, trong đó có rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh cho người. Chuột thường mang các loại vi khuẩn nhóm clostridium, nhóm này thường gây các bệnh uốn ván, viêm ruột giả mạc, hoại thư rất nguy hiểm.

Sơn Vinh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI