Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng sẽ tái khởi động trong tháng Giêng

04/01/2019 - 15:34

PNO - Thông tin trên được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết tại hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2019, do UBND TP.HCM tổ chức ngày 4/1.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng nguồn vốn đầu tư là 9.926 tỷ đồng, khởi đầu khá tốt. Tuy nhiên, sau đó do sự phối hợp của các đơn vị chưa được đồng bộ, việc giải ngân chậm nên dự án đang ngừng thi công.

Sau khi Thành ủy, UBND TP quyết liệt chỉ đạo, dự án sẽ tái khởi động "trong tháng Giêng" (tức tháng 2/2019 - PV), Bí thư Thành ủy cho biết.

Du an chong ngap gan 10.000 ty dong se tai khoi dong trong thang Gieng
Cống ngăn triều trên kênh Bến Nghé thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Dự án giải quyết ngập triều khu vực TP.HCM do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. Công trình cũng giúp TP chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.

Đầu tháng 5, chủ đầu tư buộc phải ngưng thi công vì Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Sài Gòn dừng giải ngân do UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn.

Hiện nay dự án này đã thi công đạt 72% khối lượng. Tư vấn giám sát hợp đồng xác nhận đã giải ngân 3.483 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 3.232 tỷ đồng (tương đương 46,5%).

Liên danh tư vấn cũng có báo cáo cho rằng chủ đầu tư sử dụng tiêu chuẩn vật liệu chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van thép không thống nhất từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công và thực tế thi công. Về việc này, Trung Nam khẳng định việc dùng thép Trung Quốc là không sai so với hợp đồng và hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Du an chong ngap gan 10.000 ty dong se tai khoi dong trong thang Gieng
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP.HCM đang tạm dừng vì một số vướng mắc trong việc cấp vốn và "lùm xùm" giữa nhà đầu tư với đơn vị tư vấn giám sát dự án

Giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng cũng liên tục bất đồng quan điểm. UBND TP đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, chủ trì cuộc họp với các bộ ngành để giải quyết những vướng mắc.

Ngày 4/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện về đầu tư và hiệu quả do dự án thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của TP.

TP.HCM sẽ hủy 300 quyết định, công văn bán chỉ định đất công

Tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho hay, trong thời gian qua với vai trò là thường trực của Ban chỉ đạo 167, Sở Tài chính đã rà soát việc sử dụng nhiều mặt bằng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định 167/2017 về sắp xếp nhà đất công trên địa bàn TP.

Theo đó, Sở Tài chính đề nghị huỷ bỏ 300 quyết định, công văn chỉ định bán các mặt bằng và địa chỉ nhà đất công cho các tổ chức, cá nhân và đưa vào bán đấu giá theo quy định.

Theo Giám đốc Sở Tài chính, Sở này đang tập trung đôn đốc, đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước qua xử lý, sắp xếp theo Nghị định 167. “Sở sẽ tiếp tục rà soát danh mục các mặt bằng và địa chỉ nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng lãng phí, mặt bằng đã có chủ trương cho chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chủ đầu tư chưa triển khai để thu hồi, tổ chức bán đấu giá.

Du an chong ngap gan 10.000 ty dong se tai khoi dong trong thang Gieng
 

Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND TP kiến nghị Chính phủ ban hành quyết định quy định cơ chế phối hợp giữa TP.HCM với các bộ ngành trong việc rà soát, sắp xếp lại và xử lý các nhà, đất công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP.

Thành phố xác định năm 2019 với chủ đề: “Năm đánh giá thực hiện cải cách hành chính và Nghị quyết 54 của Quốc hội, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI”; đề ra mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) đạt 8,3 - 8,5% .

Tỷ trọng đóng góp của các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt từ 36% trở lên  (năm 2016 đạt 35,3%; năm 2017 đạt 36,7%; năm 2018 dự kiến đạt 38,1%).

 Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 35% GRDP .

Thu ngân sách đạt 100% dự toán.

Thành lập mới 46.200 doanh nghiệp, bao gồm chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể (năm 2017 thành lập mới 41.629 doanh nghiệp; năm 2018 thành lập mới 44.126 doanh nghiệp).

Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,7%/năm, tương ứng giảm 15.750 hộ nghèo/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 1,07%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm bình quân 0,9%/năm, tương ứng giảm 20.220 hộ cận nghèo/năm, tỷ lệ hộ cận nghèo là 1,9% (theo chuẩn Chương trình giảm nghèo mới của thành phố).

 Tạo việc làm mới cho 130.000 người lao động.

Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt 83%.

 Tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%.

Tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 8 triệu m².

Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,81 m²/người.

Số phòng học trên 10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 tuổi đến 18 tuổi) đạt 288 phòng học.

Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 19 bác sĩ.

Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 42 giường; diện tích sàn xây dựng/giường bệnh đạt 45,5m².

 Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88%.

Gia Hưng - Bạch Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI