Đốt rác phát điện, coi chừng gây ô nhiễm môi trường

27/11/2017 - 20:02

PNO - Ngày 26/11, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện.

Tại hội nghị, lãnh đạo TP.HCM đã tiếp nhận nội dung đề xuất đầu tư xử lý rác phát điện cũng như đăng ký tham gia từ 40 nhà đầu tư. 

Dot rac phat dien, coi chung gay o nhiem moi truong
Hiện có đến 76% rác thải sinh hoạt tại TP.HCM được xử lý chôn lấp, 14,7% compost - tái chế nhựa và 9,3% đốt không phát điện - Ảnh: internet

Xử lý rác cũng phải thông minh

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, mỗi ngày, TP.HCM có khoảng 8.000 tấn rác thải sinh hoạt, chưa kể rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Xử lý rác thải và bảo đảm môi trường là một thách thức lớn.

Hiện nay, việc thu hồi năng lượng từ rác thải để phát điện đã và đang được nghiên cứu, áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Ông Phong nêu một số khó khăn: “Có dịp tham quan một vài nhà máy xử lý rác thải ở các nước, tôi nhận thấy đặc điểm rác thải ở châu Âu khác với châu Á, trong đó có Việt Nam. Ở châu Âu, họ phân loại rác tại nguồn; rác thường là khô, độ ẩm thấp. Trong khi đó, rác thải sinh hoạt của nước ta có độ ẩm khá cao, nên việc xử lý khó khăn hơn”.

Theo ông Phong, đối với TP.HCM, nếu triển khai đại trà việc phân loại rác tại nguồn, cũng rất khó thành công, bởi cần phải có thời gian để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân và cần đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom, vận chuyển, thiết lập các nhà máy xử lý, tái chế rác thải.

Tham dự hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Cùng chiều hôm nay, TP.HCM công bố đề án đô thị thông minh, vậy xử lý rác có thông minh hay không? Chỉ đạo của Thành ủy và nghị quyết Hội đồng nhân dân TP.HCM ngày 11/6/2017 có nêu yêu cầu thay đổi công nghệ, thay đổi cơ cấu xử lý rác từ chôn lấp sang tái tạo năng lượng. Đến năm 2025, ít nhất 80% rác sẽ thành năng lượng chứ không chôn lấp như cũ nữa. Do đó, các nỗ lực này của UBND TP.HCM cần được hoan nghênh”.

Theo ông Nhân, mối lo lớn nhất lâu nay vẫn là thiếu vốn đầu tư. “Theo tập quán cũ, cái gì cần thì Nhà nước đầu tư, mà cứ như thế thì chắc hẳn thiếu ngân sách. Hội nghị này đã khẳng định xu hướng mới, đó là có rất nhiều lĩnh vực, Nhà nước không cần đầu tư mà chỉ cần trả phí dịch vụ mà thôi” - ông Nhân nói.

Bản chất là nhà máy điện than?

Trong lúc lãnh đạo TP.HCM kêu gọi và tìm kiếm giải pháp bền vững cho môi trường của thành phố, các chuyên gia lại nêu ra những quan ngại về môi trường từ việc đốt rác.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM bên lề hội nghị, ông David Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty California Waste Solutions (CWS) - cho rằng, tất cả các công nghệ đều có ưu, khuyết điểm riêng. Vấn đề cần đặt ra là, cái nào phù hợp với khối lượng, thành phần rác và giá xử lý đối với nền kinh tế như TP.HCM.

“Tôi nghĩ tầm nhìn của chúng ta là biến rác thành năng lượng (waste-to-energy) hay hơn mình dùng từ “đốt”, bởi sản xuất năng lượng thì không nhất thiết cứ phải đốt rác. Thí dụ ủ kỵ khí và nhiều công nghệ khác cũng có thể tạo ra năng lượng. Rác ở mình có độ ẩm cao đến 60%, ngay chỗ này thôi đã phải xem xét hiệu quả của việc đốt rác. Đó là chưa kể, độ ẩm cao như thế, để thu được nhiệt phát điện, giá xử lý bình quân cho mỗi tấn rác sẽ là bao nhiêu?” - ông David Dương đặt vấn đề.

Trong phát biểu của mình, ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đã tỏ ra khá thận trọng. Ông cho rằng, hàng chục giải pháp do các doanh nghiệp đưa ra tựu trung gồm hai công nghệ chính để phát điện từ rác: đốt sinh khối và khí hóa (nhiệt phân bình thường hoặc khí hóa bằng dòng plasma phát điện). Ông Đông đề nghị: “Cho dù công nghệ nào, theo tôi, sau khi đấu thầu, nếu nhà đầu tư tự tin công nghệ mình tốt, hãy chạy thử từ 3-6 tháng với công suất cam kết 1.000-2.000 tấn/ngày; chạy cho đến khi tất cả các cơ quan quản lý vào đo, kiểm đúng theo cam kết hợp đồng đề xuất thì lúc đấy mới ký hợp đồng dài hạn.

Ngay cả đơn vị nào đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng rồi nhưng không đạt, vẫn phải loại đi. Đó là cách làm văn minh, sòng phẳng để không còn xảy ra tình trạng chạy bằng được giấy phép, ký được hợp đồng 30-50 năm rồi ôm đấy, không dành cơ hội cho công nghệ tốt khác vào”.

Cũng theo ông Đông, trong tiêu chí chọn nhà đầu tư, phải làm rõ hiệu suất xử lý từ rác thành điện. Theo ông, các chuyên gia nước ngoài cho biết, bản chất đốt rác thành điện chẳng qua là một nhà máy điện than, tức thay than bằng rác. Nếu rác không đủ giữ cháy, phải phun thêm nhiên liệu hoặc cho than vào để đốt. “Xử lý một nhà máy than bụi đã kinh khủng, thì việc xử lý khói thải của nhà máy điện rác càng đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ” - ông Đông cảnh báo.

Dẫn lời chủ một tập đoàn xử lý rác lớn của Pháp, ông Đông cho hay, có đến 90-95% công suất phát điện tại các nhà máy điện rác của họ là để tái cung cấp cho nhà máy,  chỉ còn phát lên lưới được 5-10% mà thôi. Do đó, ông đề nghị, tất cả các chỉ số này phải được kiểm soát và giám sát trong quá trình đấu thầu và trên thực tế; nếu không đạt yêu cầu, phải loại.

Ông Đông cũng phân tích khá kỹ số liệu do các nhà khoa học đưa ra tại hội nghị. Ví dụ, có chuyên gia cho rằng nhiệt độ 8500C mà có thể xử lý hết được dioxin furan trong khói thải từ nhà máy điện rác là không ổn. Hoặc có công ty tuyên bố lượng khí thải ra môi trường ở 200-5000C thì quá nguy hiểm.

“Theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, khí thải ở đầu ống khói trên độ cao 18m theo quy định phải dưới 800C trong thời gian không quá 5 giây. Vượt quá tiêu chuẩn này, tất cả những thành phần dioxin furan còn tồn lại trong khói sẽ trở thành những vật chất độc hại, vĩnh cửu, không phân hủy được trong môi trường. Tôi đề nghị cơ quan quản lý cần phải xem lại các con số đó. Không thể tư vấn cho chính quyền địa phương và trung ương như thế được” - ông Đông lo âu.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, sau hội nghị, UBND TP.HCM sẽ nhanh chóng chỉ đạo quyết liệt, chuẩn bị đầy đủ các thủ tục kêu gọi dự án đầu tư, thông báo và công bố các quy trình, tiêu chuẩn xét chọn dự án cũng như các chính sách ưu đãi, chương trình kích cầu hỗ trợ các nhà đầu tư vào xử lý rác thải.

Trong khi chờ mở thầu (dự kiến vào năm 2018), ông đề nghị các nhà máy đang hoạt động khẩn trương đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp, đổi mới công nghệ. Đối với nhà đầu tư mới, cũng cần tiếp tục nghiên cứu kỹ một số đặc điểm về tính thành phần, tính chất nhiệt trị của rác thải và điều kiện địa chất của thành phố. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI