Đột nhập 'thẩm mỹ viện chồm hổm': 15 triệu, 7 ngày và giấc mơ 'thoát kiếp làm chui'

24/11/2017 - 09:38

PNO - "Chợ chồm hổm" là hình ảnh chúng tôi liên tưởng đến khi trực tiếp trải nghiệm thế giới phẫu thuật thẩm mỹ chui ở TP.HCM: rẻ, nhanh gọn và mặc sức bán mua. Ở đó, chuyện thẩm mỹ giống sự liều mạng mang gương mặt của cái...

Vậy mà, mang tất cả những thực trạng được phản ánh cụ thể trong loạt bài, tiếp tục tìm đến các cơ quan chức năng, chúng tôi lại một phen ngỡ ngàng khi được cho biết, tất cả các cơ sở này đều… không thuộc phạm vi quản lý của bất kỳ đơn vị nào cả.

Sau khi đột nhập các "thẩm mỹ viện chồm hổm", chứng kiến cảnh học và hành trên người theo kiểu làm “chui”, chúng tôi tiếp tục lần theo một cơ sở đào tạo công khai, cấp được “bằng của nhà nước” cho học viên.

Dot nhap 'tham my vien chom hom': 15 trieu, 7 ngay va giac mo 'thoat kiep lam chui'
Một khách hàng nữ đang nằm trên giường của “bác sĩ” Quyên chờ thẩm mỹ

Khóa học “Sơ cấp y sĩ dành cho học viên thẩm mỹ” được giới thiệu trên Facebook với thông tin: do Vivian Beauty Academy liên kết với Trường trung cấp Cộng đồng Hà Nội đào tạo, học lớp y sĩ sẽ được tặng kèm lớp tập huấn tiêm filler làm đẹp môi, tai… Thông tin này được chia sẻ trên trang Facebook Vy Nguyen kèm địa chỉ liên hệ và địa chỉ Vivian Beauty Academy do cô làm chủ. 

Vào vai một người đang muốn “học nghề thẩm mỹ một cách chính quy”, chúng tôi liên hệ qua điện thoại, rồi được Vy mời đến địa chỉ của Vivian Beauty Academy để tư vấn. Vivian Beauty Academy là một cơ sở đào tạo phun xăm thẩm mỹ ở phía sau khu công nghiệp Tân Bình (Q. Tân Phú, TP.HCM). Buổi tư vấn khá dài. Theo lời giới thiệu của Vy, cơ sở đào tạo của cô là đại diện miền Nam của Trường trung cấp Cộng đồng Hà Nội. 

Vy giới thiệu: “Lớp sơ cấp y sĩ mà Vivian liên kết với Trường trung cấp Cộng đồng Hà Nội đào tạo là dành cho học viên thẩm mỹ muốn ra làm nghề hợp pháp”. Khi được thắc mắc về giá trị của chứng chỉ sau khóa học, Vy cho biết: “Nếu không có lớp học này thì người ta phải học lớp y sĩ 2 năm trời, hoặc là phải làm chui. Chứng chỉ y sĩ giúp học viên thẩm mỹ hoạt động các dịch vụ truyền trắng, tiêm filler một cách hợp pháp”.

Tôi bày tỏ ý muốn tham gia lớp học, nhưng lại ngại vì “chỉ mới học hết cấp III”, Vy nói ngay: “Có bằng cấp III là đủ rồi”. Cô nói thêm: “Nếu đăng ký thì em sẽ có bằng sau một tuần học ở Bệnh viện Giao thông Vận tải. Học phí 15 triệu đồng. Có bằng rồi, sau này học nghề xong là ra kinh doanh liền, không phải làm chui nữa”.

Trên Facebook của Vy, rất nhiều người vốn là học viên của cô quan tâm tới lớp học. Ngày 27/11 này, lớp học sơ cấp y sĩ sẽ khai giảng ở TP.HCM; 7 ngày sau, sẽ có một lớp “y sĩ” tốt nghiệp với niềm hy vọng sẽ được làm nghề thẩm mỹ một cách hợp pháp. Niềm hy vọng ấy cũng khá “chính đáng” với mức học phí 15 triệu đồng/một tuần học, nhưng đối chiếu với những quy định về việc cấp phép kinh doanh thẩm mỹ viện, spa và những yêu cầu căn bản với một lớp “y sĩ” thông thường, thì lại giống như… chuyện đùa.

Người dự lớp “sơ cấp y sĩ dành cho học viên thẩm mỹ” được “khuyến mãi” thêm kỹ thuật tiêm filler làm đẹp môi, tai. Ngày 27/11 này, lớp sẽ khai giảng ở TP.HCM. Bảy ngày sau, sẽ có một lớp “y sĩ” tốt nghiệp với niềm hy vọng sẽ được làm nghề thẩm mỹ một cách hợp pháp.

Việc học để lấy “chứng chỉ y sĩ” trong một tuần đã bất thường; lời giới thiệu về sức mạnh “hợp thức hóa” hoạt động thẩm mỹ của tấm chứng chỉ ấy càng bất hợp lý. Có thể, lời giới thiệu đó chỉ là một chiêu câu khách, nếu không muốn nói là “lừa khách” của phía Vivian. Nhưng, như vậy thì mục tiêu của chương trình đào tạo kéo dài 7 ngày với học phí ngang với học phí của một lớp trung cấp y hai năm đó là gì?

Trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM chiều 23/11, bác sĩ Bùi Minh Trạng - Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM - cho biết, việc cấp phép đào tạo nghề là chức năng của Phòng Dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Sau khi có giấy chứng nhận học nghề, học viên mới lên quận đăng ký kinh doanh để được cấp phép hành nghề làm đẹp, chăm sóc da.

“Các chứng chỉ, chứng nhận này chỉ dừng ở mức độ chăm sóc da, làm đẹp, make up thôi, chứ không có chức năng điều trị. Tất cả các thủ thuật xâm lấn trên người thuộc về y tế hay còn gọi là thủ thuật y khoa thì phải do bác sĩ đảm nhiệm. Nghị định 109 năm 2016 và Thông tư số 43 của Bộ Y tế quy định danh mục kỹ thuật ngành y tế, trong các văn bản này có đầy đủ những thủ thuật buộc phải do bác sĩ thực hiện” - ông Trạng lưu ý.

Theo ông Trạng, việc Trường trung cấp Cộng đồng Hà Nội liên kết với Cơ sở thẩm mỹ Vivian Beauty và Bệnh viện Giao thông Vận tải tổ chức lớp đào tạo y sĩ trong một tuần với học phí 15 triệu đồng và hứa hẹn chứng chỉ khóa học có thể giúp học viên mở cơ sở thẩm mỹ là không đúng.

“Chuyện liên kết giữa các doanh nghiệp là quyền của họ, miễn tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Các chứng chỉ họ cấp là chứng chỉ nghề và muốn chứng chỉ có giá trị pháp lý, phải được ngành Lao động Thương binh và Xã hội chấp nhận chương trình đào tạo; còn muốn phẫu thuật, phải là bác sĩ” - ông Trạng nói. Ngoài ra, muốn mở cơ sở thẩm mỹ, phải có giấy phép của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kèm giấy phép hoạt động dành cho cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện. 

Làm “chui” nên đối phó rất giỏi

Theo bác sĩ Bùi Minh Trạng - Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, tình trạng cơ sở y tế nói chung hay các cơ sở thẩm mỹ nói riêng hoạt động “chui nhủi” khá nhức nhối. Thực trạng này có liên quan đến việc bùng nổ quảng cáo trên mạng, trên Facebook, rồi truyền miệng nhau, lợi dụng thông tin đi nhanh, rộng và thiếu kiểm soát để quảng bá các hình thức kinh doanh trái phép.

Phía thanh tra ngành đã kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp, nhưng khi đã hoạt động “chui” thì những nơi này luôn sẵn sàng mọi chiêu thức để đối phó. Phần lớn các vụ việc mà thanh tra sở phát hiện là nhờ thông tin từ báo chí và tin báo của người dân, bệnh nhân. Việc xử lý cũng rất khó vì cơ sở “chui” biết rõ phải bắt được quả tang nên sẵn sàng đối phó bằng cách chọn lọc khách là người quen, hoặc được người quen giới thiệu.

“Những chỗ mà báo đã nêu còn mất cảnh giác, có những nơi thanh tra đi kiểm tra thì họ hành nghề trên lầu, dưới nhà có cảnh giới. Khi lực lượng chức năng vô thì không còn gì nữa. Truy thiết bị để ở đó thì họ nói máy móc chỉ đặt như thế thôi, không làm gì hết. Khó là vậy. Nhiều khi phải mất hàng tháng trời để theo dõi một cơ sở. Cuối cùng, phải tính biện pháp xâm nhập, đóng giả làm bệnh nhân mới bắt được quả tang. Thậm chí có vụ ở Q. Phú Nhuận, thanh tra phải phối hợp công an khống chế người và cả chó dữ dưới nhà mới có thể ập lên lầu bắt quả tang họ đang phẫu thuật thẩm mỹ trái phép cho khách hàng” - ông Trạng chia sẻ.

Bác sĩ Trạng cho rằng, báo chí rất quan trọng trong việc đẩy lùi tình trạng này. Cần có nhiều bài như trên báo Phụ Nữ TP.HCM để người dân cảnh giác. Tuy nhiên, theo ông, khi báo đăng lên, tình hình lắng xuống ngay; vài tháng sau, khi người ta quên, các cơ sở “chui” mọc lại và người dân tiếp tục bắt đầu nghe “lời ngon ngọt”, thấy giá rẻ là vào làm thẩm mỹ tại những spa “chồm hổm”. 

Nhóm Phóng Viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI