Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh: Nhà lãnh đạo tài đức, chiến sĩ cộng sản kiên cường

27/02/2016 - 10:27

PNO - Anh Tư Kỉnh là một trong những nhà lãnh đạo ưu tú của cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam Bộ...

“Uống nước nhớ nguồn”. Hôm nay, trong không khí nồng ấm của những ngày đầu xuân mới, chúng ta cùng nhau họp mặt thân mật tại thành phố nghĩa tình này để ôn lại thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, người mà trong 9 năm kháng chiến chống Pháp cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ quen gọi bằng cái tên thân thương: “Anh Tư”, “anh Tư Kỉnh”, “anh Tư Thượng Vũ.

Anh Tư Kỉnh là một trong những nhà lãnh đạo ưu tú của cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam Bộ, người đã hai lần đảm nhận trọng trách: Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8.1945 và Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn trong năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trải qua một phần tư thế kỷ tham gia và lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào yêu nước cũng như tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp. Ở đâu và bất cứ nơi nào, anh Tư Kỉnh cũng luôn luôn nêu cao tấm gương người chiến sĩ tiên phong “trung với Đảng hiếu với dân, khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Nói đến anh Tư Kỉnh, trước hết là nói đến một đảng viên cộng sản đã dày công tôi luyện được nhân sinh quan cách mạng cao đẹp. Từ thuở thiếu thời đến 50 năm đầu thế kỷ 20, anh Tư đã hiến dâng lứa tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết cho các cuộc vận động cách mạng nối tiếp nhau diễn ra trên đất nước ta: những năm sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, cuộc vận động dân chủ 1936 -1939 và cao trào cứu nước 1941 - 1945 dẫn đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám 1945 và 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Trong quá trình hoạt động cách mạng liên tục trải dài qua một phần tư thế kỷ, kể cả trong những giai đoạn thăng trầm và những bước ngoặt quanh co của lịch sử, anh Tư Kỉnh luôn luôn nêu cao khí phách chiến đấu kiên cường bất khuất, xả thân hy sinh, tận tụy và trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân.

Vốn xuất thân trong một gia đình khá giả sống giữa trung tâm thành phố “hòn ngọc Viễn Đông”, có quốc tịch Pháp, được đào tạo dưới mái trường Tây học, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh sớm giác ngộ cách mạng trở thành người chiến sĩ cộng sản trẻ có tinh thần yêu nước mãnh liệt.

Năm 16 tuổi, anh đã kiên quyết từ giã học đường, thoát ly gia đình để tích cực tham gia vào Nam Kỳ học sinh liên hiệp hội và hăng hái hoạt động trong Thanh niên Cộng sản đoàn. Hoạt động của Nguyễn Văn Kỉnh trong những năm 1932 - 1935 đã có tác dụng hỗ trợ cho Đảng ta tiến hành khôi phục và phát triển thực lực trong giai đoạn cách mạng thoái trào.

Có thể nói trong thời kỳ này, chúng ta đã tìm thấy hình ảnh người thiếu niên anh hùng Lý Tự Trọng trong bầu máu nóng sục sôi của Nguyễn Văn Kỉnh.

Trong phong trào cách mạng 1936 - 1939, cống hiến của anh Tư Kỉnh thể hiện đậm nét trên lĩnh vực hoạt động báo chí. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Cừ, anh Tư Kỉnh đã có những cống hiến quý báu vào sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng của Đảng giữa lòng thành phố Sài Gòn qua những tháng năm đấu tranh công khai, hợp pháp.

Chính bài học kinh nghiệm hoạt động thực tiễn quý giá trong công tác tổ chức và quản lý báo chí ở thời kỳ này, đã trang bị cho anh Tư Kỉnh những hành trang quan trọng để đi vào nhiều lĩnh vực hoạt động đa dạng của công tác tuyên giáo trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cũng như trong những tháng năm tham gia công tác lãnh đạo Ban Tuyên huấn trung ương phụ trách tuyên truyền, báo chí sau khi tập kết ra miền Bắc.

Cuộc đời anh Tư Kỉnh rất phong phú, con đường hoạt động cách mạng mà anh đã trải qua thật là đa dạng: 13 năm làm công tác quần chúng và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng; 3 năm hoạt động trên lĩnh vực xuất bản báo chí công khai; 14 năm làm công tác tuyên huấn; 24 năm làm công tác đối ngoại; 37 năm làm công tác lãnh đạo của các cấp đảng bộ như:

Ủy viên Tỉnh ủy Chợ Lớn, Ủy viên Liên tỉnh ủy miền Đông, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Ủy viên thường trực Trung ương cục miền Nam, Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, 25 năm là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng của khóa II và khóa III; 4 lần bị địch bắt, 2 lần bị ngồi tù 42 tháng, đã bị tòa án bọn thực dân Pháp kết tội tù chung thân khổ sai và án tử hình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI