Doanh nghiệp nội đang nỗ lực 'kéo' nhân sự 'ngon'

18/01/2019 - 12:16

PNO - Thu hút và giữ chân người tài là chuyện muôn thuở của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam. Ngay cả sinh viên mới ra trường cũng thường nhắm đến các công ty đa quốc gia hoặc liên kết với nước ngoài.

Doanh nghiệp nội quan tâm hơn đến nhân sự 

Trong quá trình tổ chức cuộc thi Talent Generation 2018 - Hành trình “Nâng tầm người Việt trẻ”, nhóm của ông Phạm Hồng Anh - Giám đốc Talent Generation 2018 - đã có cuộc khảo sát với hơn 10.000 thí sinh từ các trường đại học trên cả nước về định hướng nghề nghiệp tương lai của mình.

Doanh nghiep noi dang no luc 'keo' nhan su 'ngon'
 

Kết quả, phần lớn sinh viên khá, giỏi đều muốn làm việc tại các doanh nghiệp (DN) đa quốc gia hoặc DN có yếu tố nước ngoài. Sinh viên cho rằng, ba ưu thế chính của các công ty nước ngoài là: mức đãi ngộ (lương và phúc lợi) tốt; có cơ hội được đào tạo, thăng tiến; môi trường làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo hơn.

Còn nghiên cứu toàn cầu về “Các xu hướng nhân lực” của hãng kiểm toán Deloitte cho thấy, giới trẻ ngày nay xem “cơ hội học tập và thăng tiến” là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn việc làm, thậm chí hơn cả mức lương. Vì vậy, việc giới trẻ có xu hướng chọn DN có yếu tố nước ngoài để có cơ hội học tập tốt hơn là điều dễ hiểu. 

"Nhưng thực tế, môi trường của nhiều DN trong nước đã tốt lên rất nhiều" - ông Phạm Hồng Anh nói. Theo ông, trong khoảng 5 năm trở lại đây, các tập đoàn kinh tế lớn trong nước như Vinamilk, Techcombank, Vingroup, Masan... đã dần khẳng định được tên tuổi và liên tục gặt hái được nhiều thành công không chỉ trong sản xuất, kinh doanh mà cả trong lĩnh vực nhân sự và phát triển tài năng.

Theo khảo sát vào tháng 9/2018 của mạng tuyển dụng VietnamWorks, 78% người tìm việc nói rằng họ có ý định thay đổi công việc trong năm 2019. Trong số đó, 58% có ý định thay đổi công việc vào đầu năm 2019, 26% nói sẽ nghỉ việc ngay sau tết Nguyên đán.

Đơn cử như tại Giải thưởng Vietnam HR Awards 2018 (vinh danh các doanh nghiệp có chính sách nhân sự xuất sắc tại Việt Nam), ngân hàng Techcombank đã giành giải Chiến lược nhân sự xuất sắc, Hoạch định và tuyển dụng nguồn nhân lực hiệu quả, Quản lý nhân tài hiệu quả. 

Theo công bố của AC Nielsen và Anphabe trong cuộc khảo sát “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2016”, Techcombank được bình chọn vào top 2 về nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong ngành tài chính - ngân hàng, và xếp hạng 18 trong top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, tăng 11 bậc so với năm 2015. Trong danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2017 do mạng nghề nghiệp Anphabe và Công ty Nghiên cứu thị trường Intage bình chọn,  Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) soán ngôi Unilever xếp ở vị trí số một.

Dù không có mặt trong bảng xếp hạng của Anphabe nhưng Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang lại được "đồn xa" về một môi trường làm việc hấp dẫn. Theo chia sẻ của ông Hồ Quỳnh Hưng - Tổng giám đốc công ty này - điều quan trọng nhất là ban lãnh đạo biết trân trọng những người đam mê, nhiệt huyết, khát khao sáng tạo, dám nghĩ, dám làm khác biệt để mang lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Việc lãnh đạo chủ động giao việc và khuyến khích dùng người trẻ đã đi vào văn hóa DN. 

Ông Phạm Hồng Anh bày tỏ: "Với tư tưởng vọng ngoại và không dành thời gian tìm hiểu nhiều hơn về các DN trong nước, tôi e rằng sinh viên sẽ bỏ qua một mảnh đất màu mỡ để phát triển sự nghiệp của mình".

Doanh nghiep noi dang no luc 'keo' nhan su 'ngon'

Tốt, nhưng chưa tốt đủ

Không cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng, thị trường lao động cũng giống như nguồn nước, luôn chảy về vùng trũng: “Môi trường tốt thì tự nhiên sẽ thu hút nhân tài. Thế hệ trẻ có rất nhiều người giỏi và ở thời đại này, thông tin không thiếu nên việc tìm hiểu một DN nào đó không quá khó khăn". Cũng theo ông Chương, việc khuyến khích người trẻ lựa chọn làm việc cho DN nội để phân bổ lại lực lượng lao động là điều tốt, vì nó sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn. Tuy nhiên, muốn thu hút người tài, DN Việt nên tự nhìn lại mình. 

Một trong những vấn đề thường gặp ở DN trong nước là thói quen tập trung quyền lực vào người đứng đầu, nhất là ở DN gia đình. Ông giám đốc thường ôm đồm, sợ mình bị "qua mặt", ít khi phân quyền, giao việc cho nhân viên một cách rõ ràng. Vấn đề thứ hai của DN Việt là thiếu minh bạch và công bằng trong hệ thống quản lý. "Minh bạch và công bằng là yếu tố then chốt trong sự phát triển lành mạnh của một tập thể. Thiếu điều này, DN vừa không thể thu hút nhân tài, vừa tự cản trở sự phát triển của chính mình" - ông Chương nói. 

Là người từng trực tiếp làm việc, tư vấn về chiến lược kinh doanh cho nhiều DN hàng đầu trong nước, ông Trần Sĩ Chương nhận định, DN Việt ngày càng tốt hơn, nhưng vẫn chưa tốt đủ, nên vẫn chưa thu hút được người giỏi. Đầu tư con người vô cùng quan trọng đối với mỗi DN, nhưng việc này lại không tạo hiệu quả tức thì, nên DN nội thường ít quan tâm. Bằng chứng là ở phần lớn DN trong nước, ngay cả ở các công ty lớn, bộ phận nhân sự chỉ được xem là bộ phận hành chính, tuyển dụng. Còn đối với các tập đoàn nước ngoài, đây là bộ phận phát triển tài sản con người. Bộ phận nhân sự không chỉ làm nhiệm vụ tuyển dụng đơn thuần mà còn phải nghiên cứu về chính sách phát triển nhân viên, từ việc thiết kế văn phòng đến từng bữa ăn, thậm chí cả việc xây nhà trẻ để phụ nữ yên tâm làm việc. 

Hãng kiểm toán Deloitte khuyến nghị, thay vì tập trung vào đổi mới từng thành phần trong hoạt động nhân sự, các DN nên thiết kế lại “thế giới mới” về công việc. Nếu làm việc mà không hạnh phúc thì sẽ làm việc kém đi và chi phí tuyển dụng tăng lên, khó tuyển người giỏi. Ngoài ra, DN cần thiết kế lại việc quản lý hiệu quả công việc; theo đó, phải điều chỉnh quy trình quản lý sao cho đơn giản và tập trung hơn vào sự phát triển con người.

Muốn DN thành công, ban giám đốc không chỉ quan tâm đến chế độ đãi ngộ mà còn cần tạo ra một môi trường hạnh phúc cho nhân viên. Nhân viên cảm thấy hạnh phúc thì họ mới quan tâm, chăm sóc khách hàng chu đáo; khách hàng phải hạnh phúc thì mới trung thành và ủng hộ công ty phát triển và công ty phát triển thì mới có điều kiện chăm sóc nhân viên tốt hơn. Đó là một vòng tròn khép kín mà niềm hạnh phúc sẽ lan tỏa từ người này qua người khác.

Hơn nữa, tôi nghĩ, mỗi ngày, chúng ta ai cũng dành thời gian đi làm nhiều hơn ở nhà, nếu đi làm chỉ để kiếm tiền, không thấy hạnh phúc thì cuộc sống rất khổ. Việc cố gắng làm cả năm để cuối năm đi chơi bù đắp lại, không là giải pháp tốt. Theo tôi, một cuộc sống cân bằng nghĩa là chúng ta phải có cả niềm vui trong công việc, hạnh phúc trong gia đình lẫn niềm tin yêu cuộc sống. Chính vì vậy, không việc gì chúng ta chọn một môi trường làm việc thiếu niềm vui.

Ông Trần Đức Huy - Tổng giám đốc Saint - Gobain Việt Nam

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI