'Địa ngục chim trời' ở miền Tây

10/09/2018 - 07:20

PNO - Chợ chim Thạnh Hóa bày bán rất nhiều loài chim hoàn toàn tự nhiên, chưa có nơi nào nuôi được, hoặc không thể nuôi sinh sản với số lượng lớn.

 

Nếu ví hai khu Ramsar (vùng đất ngập nước được bảo tồn) nổi tiếng ở tỉnh Đồng Tháp và Long An là thiên đường của các loài chim nước thì chợ chim trời nằm ngay trên trục đường dẫn đến hai khu bảo tồn này lại chẳng khác gì địa ngục. Những con chim còn sống bị vặt lông, khò lửa, chỉ biết giãy giụa rồi lịm dần trong tiếng kêu yếu ớt trước khi bị chủ hàng bán cho người mua. Trong khi đó, hàng ngàn con chim bị nhốt trong những chiếc lồng lớn được chở đi khắp các tỉnh, thành, cũng để giết thịt.

'Dia nguc chim troi' o mien Tay
Chim trời được thu gom về chợ Thạnh Hóa bằng nhiều phương tiện và cung cấp cho thị trường khắp cả nước

Chim, rắn, rùa… loại nào cũng có

Cảnh vặt lông, khò lửa những con chim còn sống diễn ra hằng ngày ở chợ chim Thạnh Hóa (H.Thạnh Hóa, tỉnh Long An). Chợ chim này nằm trên Quốc lộ 62, là trục đường chính dẫn đến hai khu Ramsar nổi tiếng của Việt Nam là Láng Sen (tỉnh Long An) và Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) nên mỗi ngày tiếp nhận một lượng lớn khách tham quan, mua hàng. Vào những ngày cuối tuần hay dịp nghỉ lễ, khách đi ô tô ghé vào chợ chim đông nghẹt. Có hôm, khoảng sân rộng gần cả ngàn mét vuông trước chợ không đủ chỗ đậu xe. 

Cuối tháng 8/2018, khi đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào mùa nước nổi, chợ chim trời lớn nhất miền Tây này còn bày bán vô số động vật hoang dã đặc hữu của vùng đất ngập nước như rắn, rùa, ba ba… Trước đó, suốt từ tháng Bảy đến tháng Tám, sau thời điểm nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã lên tiếng về cảnh giết chóc chim trời phản cảm ở chợ chim Thạnh Hóa, cảnh thu gom, mua bán, giết thịt chim trời vẫn diễn ra nhộn nhịp, chỉ khác là những con chim sau khi bị vặt lông, làm thịt không còn treo lủng lẳng mà được dời vào bên trong, kín đáo hơn.

Trong vai khách du lịch ghé chợ chim để tìm mồi nhậu, lần nào chúng tôi cũng được người bán chim mời chào đon đả. “Chim cu thì xào mướp, cò lớn thì rô ti. Toàn chim tự nhiên, thịt ngon lắm, làm mồi nhậu là hết sẩy” - người phụ nữ đứng tuổi, chủ một quầy hàng ở giữa chợ quảng cáo rồi nhanh tay bắt hết con chim này đến con chim khác đưa cho chúng tôi xem, khi chúng tôi ghé chợ vào một ngày cuối tuần đầu tháng Chín.

'Dia nguc chim troi' o mien Tay
 

Thấy chúng tôi còn chần chừ, bà ta thò tay vào cái lồng sắt lớn nhất, bắt một con rùa to, đen nhánh mời tiếp: “Hay là mua rùa đi. Con rùa nước này hơn chục ký, nhiều thịt lắm. Mua đi, chị bán giá hữu nghị cho, 350.000 đồng/kg thôi”. Cứ thế, bà chủ quầy hàng giới thiệu hết loài chim này đến động vật hoang dã khác. Cuối cùng, dừng lại ở chuồng chim trĩ (trông giống con gà), bà chủ quầy hạ giọng: “Mua con này là tiện nhất, một con chỉ 350.000 đồng. Thịt ngon lắm, ngon hơn thịt gà nhiều”. 

Trong lúc trò chuyện cởi mở, một chủ cửa hàng ở đây tiết lộ, tại chợ chim này, có hai loại chim trĩ, nhưng người mua không thể nhận ra được. “Trước đây, chim trĩ hầu hết là chim tự nhiên, sau này người ta mới nuôi được. Do đó, ở đây vừa có chim trĩ nuôi, vừa có chim tự nhiên. Thịt chim tự nhiên ngon hơn, nhưng chỉ người bán mới phân biệt được đâu là chim nuôi, đâu là chim trời” - một người bán chim giải thích và không quên xin số điện thoại để khi có chim trĩ tự nhiên, sẽ gọi điện báo. 

Bán tận Hà Nội, mỗi chuyến cả trăm ngàn con 

Điều khá bất ngờ là với những khách đi ô tô và từ nơi khác đến, người bán hầu như không cảnh giác gì, vô tư tiết lộ nguồn gốc của các loại chim trời bán giết thịt. Khi chúng tôi thắc mắc về điều này, một chuyên gia từng làm việc cho một tổ chức bảo vệ động vật hoang dã giải thích: “Chợ chim Thạnh Hóa đã tồn tại nhiều năm rồi. Người bán rất tinh ranh, họ trà trộn chim tự nhiên và chim nuôi để đối phó với cơ quan chức năng. Khi bị kiểm tra, họ nói đó là chim nuôi để không bị tịch thu, xử phạt”.

'Dia nguc chim troi' o mien Tay
Cảnh bày bán, giết thịt chim trời tại chợ Thạnh Hóa diễn ra công khai, nhộn nhịp

Nói vậy nhưng chợ chim Thạnh Hóa vẫn bày bán rất nhiều loài chim hoàn toàn tự nhiên, chưa có nơi nào nuôi được, hoặc không thể nuôi sinh sản với số lượng lớn. Dễ nhận biết nhất các loài chim nước như cò trắng, cò xám, le le, gà nước, cò ốc và các loại chim hoang dã như bìm bịp, cu gáy… 

Trong những loại chim nước được bày bán ở đây, chim to và đắt tiền nhất là cò ốc (hay còn gọi là cò nhạn, là loại cò lớn, trên cánh có vệt lông xám đen). Loài cò lớn và khá hiếm này được bán với giá chỉ 350.000 đồng/kg. Loài được bán nhiều nhất ở đây là chim cu và người bán chim cu với số lượng lớn nhất ở chợ này được gọi là ông Chín Cu.

Trong vai người kinh doanh nhà hàng cần một lượng chim lớn làm mồi nhậu cho khách, chúng tôi tìm gặp ông Chín vào một ngày cuối tuần. Ban đầu, ông chủ cửa hàng chim tưởng chúng tôi chỉ cần mua chim chết nên mở tủ đông lôi ra một đống chim đã nhổ lông, ướp lạnh, bán với giá 35.000 đồng/con. 

Khi biết chúng tôi cần mua với số lượng lớn hơn, ông mới mời vào bên trong uống trà, trao đổi. Lúc này, trên nền nhà có khoảng 3 - 4 ràng chim lớn chuẩn bị chở đi. Chúng tôi đếm nhẩm, mỗi ràng chim có cả trăm con. Nhân lúc ông chủ cửa hàng mải nói chuyện điện thoại với khách hàng, chúng tôi bước ra phía sau và giật mình khi thấy chim cu nhốt ở đây nhiều không đếm xuể, lên tới hàng ngàn con. 

'Dia nguc chim troi' o mien Tay
Những loài động vật hoang dã có tên trong Sách đỏ Việt Nam được bày bán ở chợ chim Thạnh Hóa - Ảnh: Trung Thanh

Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi qua cuộc điện thoại với một khách hàng, ông Chín khẳng định, cần cả trăm ngàn con cũng có. Lúc sắp kết thúc cuộc điện thoại trên, ông Chín yêu cầu người mua chuyển tiền qua tài khoản, sau đó sẽ giao hàng đúng hẹn theo từng đợt. Kết thúc cuộc nói chuyện, ông Chín tỏ vẻ khó chịu, nói với chúng tôi: “Khách quen mà chim chết mấy trăm con cũng cằn nhằn. Chở  ra tận Hà Nội thì chim chết như vậy là bình thường”.

Nói xong, ông Chín đề nghị chúng tôi cho số điện thoại để liên lạc, giao dịch, cần mua bao nhiêu cũng có. “Tưởng đâu xa chứ Sài Gòn gần xịt mà. Tôi bán bao năm rồi, xa tận Hà Nội cũng giao được”. Chúng tôi hỏi ông Chín chim cu nhiều như vậy thì thu mua ở những đâu, ông vờ như không nghe thấy và không trả lời.

Một người chạy xe ôm hay giao hàng cho ông Chín “bật mí”, với số lượng chim không quá lớn và giao cho các tỉnh, thành lân cận như TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Bình Dương, ông ta được ông Chín thuê giao hàng với tiền công 400.000 đồng/chuyến. 

Bán cả chim có tên trong Sách đỏ

Trả lời trên nhiều tờ báo, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An cho rằng, các loài chim, cò được bán ở chợ Thạnh Hóa không có tên trong danh mục cần được bảo vệ nên công tác xử lý gặp khó khăn.

Tuy nhiên, từ những hình ảnh do chúng tôi cung cấp, một tiến sĩ chuyên giám định động vật hoang dã ở Việt Nam nhận định, trong số các loài được bày bán ở chợ chim Thạnh Hóa, có các loài hoang dã quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam như cò ốc (tên khoa học là Anastomus oscitans), rùa núi vàng (Indotestudo elongata), trĩ đỏ (Phasianus colchicus).

Chúng tôi hỏi chim bán nhiều như vậy có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hay không, người này nói không có và than thở: “Có hôm, tôi chở qua tỉnh khác, bị cơ quan chức năng kiểm tra, tịch thu. Họ có viết biên bản tịch thu nhưng tôi không rành chữ nên không biết nguyên nhân. Những lần bị tịch thu, tôi mang biên bản về giao cho chủ cửa hàng và không được trả tiền công”. Theo “bác tài” xe ôm, chim cu ở chợ này được thu mua tận Campuchia.

Một chủ cửa hàng bán chim ở giữa chợ quả quyết với chúng tôi rằng, cửa hàng của bà có bán đủ loại chim tự nhiên: “Tôi thường xuyên gửi hàng lên Sài Gòn, mua ít cũng gửi được. Em muốn ăn con gì cứ a lô, cửa hàng của chị không có thì chị sẽ lấy của những cửa hàng xung quanh. Ở đây, con gì cũng có”.

Bí mật trong xe tải chở chuột

Nhiều ngày theo dõi hoạt động ở chợ chim Thạnh Hóa, chúng tôi nhận thấy nguồn cung cấp hàng cho chợ này khá phong phú. Theo những người từng mua bán chim ở các chợ nhỏ tại tỉnh Long An và Đồng Tháp, nguồn hàng cung cấp nhiều nhất cho chợ chim Thạnh Hóa là từ Đồng Tháp (đây là khu vực có nhiều đất ngập nước và có Vườn quốc gia Tràm Chim). Dẫu vậy, hoạt động bẫy bắt chim, thu mua, giao hàng diễn ra rất tinh vi, không dễ gì phát hiện.

“Bây giờ họ bẫy, bắt chim vào ban đêm rồi âm thầm bán cho các điểm thu mua nên rất khó biết được. Tôi rất rành địa bàn này vì trước đây hay thuê những người bẫy chim dẫn đường để chụp ảnh nhưng giờ rất cảnh giác, không dẫn đi nữa”, một nhiếp ảnh gia chuyên “săn” cảnh chim trời ở khu vực Đồng Tháp Mười cũng chia sẻ như thế, khi chúng tôi nhờ hỗ trợ thông tin.

'Dia nguc chim troi' o mien Tay
Khu vực gần Láng Sen từng bị nhiều đối tượng vào bẫy bắt chim - Ảnh: KBT

Sau nhiều lần bám theo những chiếc xe máy chở những chiếc lồng khả nghi và thất vọng vì đây chỉ là những người đi bẫy, bắt chim nhỏ lẻ, chúng tôi bắt đầu có chút manh mối về những khu vực có thể thu gom chim trời đưa về chợ chim Thạnh Hóa với số lượng lớn. Một chiều tối cuối tuần giữa tháng Tám, chúng tôi theo dõi và quyết định đuổi theo một chiếc xe tải nhỏ có dấu hiệu khả nghi từ địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang phóng như bay về hướng Long An. 

Khi đuổi bám ở cự ly gần, chúng tôi chỉ thấy phía sau thùng xe tải là những chiếc lồng đựng chuột. Lúc này trời đã nhá nhem tối và quãng đường đến chợ chim vẫn còn khá xa. Đuổi theo cho đến khi chiếc xe này dừng lại ngay giữa chợ chim Thạnh Hóa, chúng tôi thấy những chiếc lồng đựng chuột nhanh chóng được đưa xuống, chuyển vào bên trong các cửa hàng. Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp cận gần để ghi hình thì bất ngờ trên xe tải lộ ra vô số bao đựng chim đang chờ được chuyển xuống. 

Chợ nông sản thành chợ chim

Người dân địa phương cho biết, chợ chim Thạnh Hóa đã hoạt động cả chục năm nay. Ban đầu, đây là chợ nông sản, chủ yếu bán các loại rau, củ, quả của vùng Đồng Tháp, Long An, sau đó mới bán chim. Hiện chợ chim Thạnh Hóa được nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã xác định là nơi bán chim tự nhiên công khai lớn nhất miền Tây. Đến nay, chợ vẫn còn treo biển là chợ nông sản nhưng chủ yếu bán các loài chim trời và động vật hoang dã. 

'Dia nguc chim troi' o mien Tay
 

Trao đổi với chúng tôi về những thông tin liên quan đến hoạt động của chợ chim Thạnh Hóa, nhiều cán bộ đang làm việc cho các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã liên quan đến vùng đất ngập nước ở tỉnh Long An và Đồng Tháp tỏ ra rất thất vọng.

Bà Trịnh Thị Long - điều phối viên chương trình đất ngập nước của Tổ chức Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam - cho biết, nhiều lần đi qua khu vực này, thấy cảnh chim, cò bị giết thịt, mua bán công khai, bà rất bất bình:  “Hình ảnh đó quá phản cảm. Chợ nằm ngay trên đường đi đến hai khu Ramsar nổi tiếng của phía nam là Láng Sen và Tràm Chim nên các chuyên gia nước ngoài rất ngạc nhiên và bức xúc.  Tại một số hội thảo về bảo vệ động vật hoang dã, tôi cũng từng đề cập chuyện này, nhưng những người có trách nhiệm ở địa phương nói rằng, chim bán ở chợ Thạnh Hóa không nằm trong danh mục động vật hoang dã quý hiếm nên không xử phạt được. Do đó, chợ chim cứ tồn tại, tạo hình ảnh phản cảm cho công tác bảo tồn các loài chim đặc hữu tại vùng đất ngập nước Láng Sen và Tràm Chim”.

Sau nhiều lần tiếp cận, ghi hình, trong vai khách du lịch, chúng tôi đến khu bảo tồn Láng Sen và Tràm Chim để tham quan và nhận thấy tại đây có nhiều loài chim y hệt như chim bán ở chợ chim. Theo tài liệu do chúng tôi thu thập được, tại khu bảo tồn Láng Sen, từng xảy ra tình trạng bẫy bắt chim trời ở vùng đệm (vùng giáp với khu bảo tồn), đến mức có thời điểm, Ban quản lý Khu bảo tồn Láng Sen phải lên tiếng, bày tỏ lo ngại.

Vào thời điểm đó, đoàn công tác liên ngành của tỉnh Long An xác nhận, chim bị bẫy, thuốc chết với số lượng lớn, được bán đi khắp nơi, đưa vào các nhà hàng làm thức ăn, có nguy cơ gây bệnh cho người. Tại Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), vào năm 2013, từng có khoảng 7.000 con cò ốc về đây trú ngụ nhưng hiện loài này đang có nguy cơ tuyệt chủng. Kỳ lạ là trong những ngày thâm nhập chợ chim Thạnh Hóa, chúng tôi thường xuyên ghi hình được cảnh cò ốc bày bán công khai với số lượng lớn. 

Theo bà Long, để được công nhận là khu Ramsar, chim ở khu bảo tồn phải đảm bảo số lượng khoảng 22.000 con. Vì thế, khi số lượng chim giảm, sẽ ảnh hưởng đến khu Ramsar. “Chợ chim Thạnh Hóa nhiều năm rồi hoạt động nhộn nhịp, số lượng chim mua bán nhiều như thế chắc chắn sẽ làm giảm đáng kể số lượng chim ở vùng đất ngập nước. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tìm cách dẹp bỏ chợ chim này để bảo vệ hai khu Ramsar Láng Sen và Tràm Chim đã được thế giới công nhận” - bà Long nói. 

Ramsar như là báu vật 

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (tỉnh Long An) được công nhận là khu Ramsar của Việt Nam vào ngày 27/11/2015, có tổng diện tích hơn 5.000ha, thuộc vùng trũng Đồng Tháp Mười với hệ sinh thái vô cùng phong phú với hơn 156 loài thực vật hoang dã, 149 loài động vật, trong đó có 13 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) được công nhận khu Ramsar vào năm 2012,  có diện tích hơn 7.588ha, là nơi cư trú của trên 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá và 147 loài chim nước, trong đó có 13 loài chim quý hiếm của thế giới, đặc biệt là sếu đầu đỏ.

Theo Công ước Ramsar được thông qua năm 1971 tại thành phố Ramsar (Iran), những khu đất ngập nước để được công nhận là khu Ramsar cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt, trong đó có những tiêu chuẩn về các loài động thực vật quý hiếm, đặc trưng, điển hình, đóng vai trò hỗ trợ cho các hệ sinh thái đang bị đe dọa hoặc các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. 

Trung Thanh - Lê Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI