Đem nghị định mới cưỡng chế hàng rào gỗ cũ

05/06/2019 - 10:47

PNO - Hàng rào gỗ có từ năm 1964 nhưng UBND phường áp dụng nghị định ban hành năm 2013 để lập biên bản vì cho rằng “thi công không có giấy phép xây dựng”.

Vụ việc đã được đưa ra tòa án quận.

Dem nghi dinh moi cuong che hang rao go cu
Hàng rào bị cưỡng chế

Các quyết định… tréo ngoe

Theo hồ sơ vụ kiện, ngày 17/12/2015, UBND P.12, Q.Phú Nhuận, TP.HCM lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Phan Thị Hiền - chủ nhà số 11/1 Trần Huy Liệu - về hành vi “vi phạm hành chính thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Cụ thể, lắp dựng hàng rào gỗ trên phần sân chung, kích thước 2,8x1,0m. Vi phạm tại điểm b, khoản 6, điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP”.

Biên bản vi phạm hành chính nêu trên yêu cầu: “Hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hoặc kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà chủ đầu tư không thực hiện các yêu cầu nêu trên thì bị cưỡng chế phá dỡ theo quy định pháp luật”. 

Tuy nhiên, ngày 24/12/2015, UBND Q.Phú Nhuận ban hành Quyết định số 1654/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối với chủ đầu tư là bà Phan Thị Hiền, lại nêu rằng: “Không xử phạt vi phạm hành chính do đã hết thời hiệu xử phạt theo khoản 2, điều 4 Nghị định 121/2013/NĐ-CP”.

Điều đáng nói, điểm b, khoản 6, điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP mà UBND P.12 dùng làm căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ nhà số 11/1 quy định rất rõ: “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị”. Còn UBND Q.Phú Nhuận áp dụng khoản 2, điều 4 Nghị định 121/2013/NĐ-CP để ban hành quyết định cưỡng chế hàng rào. 

Khoản 2, điều 4 Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định: “Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, quản lý phát triển nhà và công sở là 2 năm”. Trong khi đó, biên bản vi phạm hành chính được UBND P.12 lập ngày 17/12/2015, tức chỉ có trước quyết định cưỡng chế đúng 7 ngày và quyết định cưỡng chế cũng lấy biên bản này làm căn cứ.

“Quyết định của UBND P.12 đã vận dụng tùy tiện pháp luật, vì hàng rào gỗ lắp từ năm 1964, không phải là đối tượng phải xin phép theo pháp luật hiện hành. Quyết định này đã đánh tráo khái niệm từ việc lắp dựng hàng rào gỗ sang xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị để xử phạt tôi” - bà Hiền nêu trong đơn khởi kiện.

Dem nghi dinh moi cuong che hang rao go cu
Biên bản vi phạm hành chính do UBND P.12, Q.Phú Nhuận lập

Hàng rào có trước nghị định

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng rào gỗ mà UBND P.12 lập biên bản vi phạm thuộc phần sân chung của nhà số 11/1 và 11/1A, phần sân này có một hàng rào gỗ đã mục nát. Tuy nhiên, bên tay phải nhà số 11/1 là nhà số 11/3 có mở cổng đi ra phía sân chung của nhà số 11/1 và 11/1A. 

Cũng theo hồ sơ vụ kiện, năm 1987, có một biên bản cam kết được lập tại UBND P.12 với nội dung: nhà số 11/1 đồng ý đổi cho nhà số 11/3 một chuồng gà, nhà số 11/3 được mở lối đi ra phần sân chung và được sử dụng chung hàng rào này (tức hàng rào đã tồn tại từ năm 1987).

Ngày 12/9/1988, Ủy ban Xây dựng cơ bản TP.HCM ban hành thông báo cho UBND Q.Phú Nhuận, khẳng định “phần sân trước nhà số 11/1 không phải là hẻm đi lại mà thuộc quyền của nhà số 11/1 nên được phép thi công theo giấy phép của Ủy ban Xây dựng cơ bản TP.HCM”.

Theo luật sư Thái Đức Long (Đoàn Luật sư TP.HCM, người bảo vệ quyền lợi cho chủ nhà số 11/1), hàng rào mà UBND P.12 lập biên bản có trước Nghị định 121/2013/NĐ-CP. Việc UBND P.12 căn cứ Nghị định 121 là hoàn toàn sai. 

Ngoài ra, quyết định cưỡng chế hàng rào của UBND Q.Phú Nhuận cũng sai, bởi nếu có vi phạm xây dựng, UBND quận phải ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu trả lại hiện trạng ban đầu, nêu thời hạn, sau đó mới ban hành quyết định cưỡng chế nếu quá thời hạn mà người vi phạm không chấp hành. 

Nam Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI