Đề án thí điểm chi thu nhập: Không nên cứng nhắc hệ số tăng thêm

02/03/2018 - 17:29

PNO - Theo PGS Võ Trí Hảo, không nên cứng nhắc hệ số điều chỉnh tăng thêm thu nhập như đề an mà đối với đơn vị đạt hiệu quả top đầu thì áp dụng ngay mức tăng 1,8 lần, top giữa tăng 1,2 lần, top cuối tăng 0,6 lần.

Ngày 2/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý.

De an thi diem chi thu nhap: Khong nen cung nhac he so tang them
 

Tại hội nghị, PGS Võ Trí Hảo – Phó trưởng khoa Kinh tế - Luật (ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ ông có cảm giác đề án chưa tạo được sự cạnh tranh giữa các đơn vị được tăng thêm thu nhập trong khi đề án này được TP kỳ vọng sẽ thu hút được đội ngũ cán bộ công chức hiệu quả cao.

Do đó, PGS Võ Trí Hảo cho rằng, không nên cứng nhắc hệ số được điều chỉnh tăng thêm như trong đề án là năm 2018 tăng 0,6 lần, năm 2019 tăng 1,2 lần, năm 2020 tăng 1,8 lần mà đối với những đơn vị đạt hiệu quả công việc top đầu của TP sẽ được tăng ngay 1,8 lần, top giữa 1,2 lần và top còn lại là 0,6 lần.

Bên cạnh đó, ông Hảo cũng hy vọng sau năm 2021 thì TP sẽ xin được nghị quyết để nâng mức từ 1,8 lần như hiện nay lên mức 3,6 lần vì khối lượng công việc của cán bộ công chức TP.HCM gấp nhiều lần các đơn vị khác. “Ở Tân Phú có phường phải giải quyết công việc cho gần 100 ngàn dân, tương đương với 3 huyện miền núi. Vậy thì lý do gì phải khống chế trần tăng là 1,8 lần”, ông Hảo giải thích.

Còn TS Huỳnh Thế Du (ĐH Fulbright) lưu ý, đề án này phải làm sao tạo được động lực cho cán bộ công chức của TP.HCM đạt hiệu quả công việc cao hơn chứ không chỉ là tăng thêm thu nhập. Ông cũng băn khoăn về đối tượng chính của đề án là 140.000 cán bộ - công chức đang hưởng lương của TP hay chỉ những người làm việc ở những điểm quan trọng, nút thắt liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM đề xuất phải có đề án đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ công chức, phải có tiêu chí cụ thể để đảm bảo tính công bằng trong việc tăng thêm thu nhập vì nếu làm không tốt khâu đánh giá dễ tạo tâm tư và thậm chí gây mất đoàn kết trong đơn vị được tăng thêm.

Bà Đinh Thị Liễu - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (Sở Y tế) góp ý, tiêu chí phân loại, đánh giá công chức, viên chức nên giao cho từng ngành, đơn vị đánh giá đề phù hợp với đặc thù từng đơn vị. Thời gian trả thu nhập tăng thêm nên trả hàng tháng sau khi dựa vào kế hoạch, tiêu chí, số lượng công việc để tạo động lực cho cán bộ, nhân viên.

Bà Lê Ngọc Thùy Trang - Phó giám đốc sở Tài chính TP.HCM cho biết lộ trình tăng thêm thu nhập 0,6-1,2-1,8 lần được xây dựng dựa vào cân đối ngân sách TP trong 3 năm 2018, 2019 và 2020.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó ban Chính sách – Pháp luật (Liên đoàn Lao động TP) băn khoăn, ngoài đối tượng chính trong đề án, TP còn có cán bộ, công chức và viên chức không hưởng lương từ ngân sách TP mà hưởng theo ngành dọc như công an, quân đội, thuế, hải quan, tòa án, viện kiểm sát… nhưng đang thực hiện nhiệm vụ của TP cũng nên được quan tâm

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI