Đầu tư đường sắt cao tốc 5 tỷ USD, người dân có thể sống ở Cần Thơ, đi làm ở Sài Gòn

04/08/2018 - 14:25

PNO - Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nếu đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ được xây dựng, người dân có thể sinh sống và làm việc giữa hai địa phương vì thời gian di chuyển chỉ mất 45 phút với vận tốc trên 200 km/h.

Tại hội nghị về công tác phối hợp trong lĩnh vực giao thông vận tải giữa lãnh đạo TP.HCM và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), nhiều vấn đề quan trọng về hạ tầng và dự án giao thông quan trọng cấp thiết của TP.HCM được đặt ra.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể so sánh, giao thông cửa ngõ của thủ đô Hà Nội kết nối với các tỉnh xung quanh tốt hơn TP.HCM. Hiện nay TP.HCM là đầu tàu cả nước nhưng tuyến quốc lộ 1 đã quá tải, trong khi đó quốc lộ 22, quốc lộ 50 kết nối với Tây Ninh và Long An, Tiền Giang cũng trong tình trạng tương tự.

Dau tu duong sat cao toc 5 ty USD, nguoi dan co the song o Can Tho, di lam o Sai Gon
 

Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây mới đưa vào sử dụng bắt đầu quá tải dù sân bay Long Thành chưa khởi công, cao tốc TP.HCM – Trung Lương cũng trong tình trạng tương tự. Do đó, Bộ trưởng đề nghị TP.HCM sớm có điều chỉnh quy hoạch để mở rộng giao thông kết nối, tạo trục đường mới. 

“Nếu không làm sớm thì 5-10 năm nữa giao thông thành phố sẽ kẹt cứng”, Bộ trưởng Bộ GTVT nhận định.

Dau tu duong sat cao toc 5 ty USD, nguoi dan co the song o Can Tho, di lam o Sai Gon
Nhà ga tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được thi công tại đoạn qua ngã tư Thủ Đức

Tại hội nghị, các đơn vị liên quan cho biết theo quy hoạch và đề xuất, dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Cần Thơ dài 139km sẽ đi qua 5 tỉnh thành gồm: TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Điểm đầu là nhà ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh), đoạn tuyến này đi theo hành lang đường bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ, ông rất nôn nóng với dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Cần Thơ vì đây là giải pháp kết nối giao thông của thành phố với các tỉnh thành miền Tây. Mục tiêu nhiệm kỳ này, thành phố sẽ làm mới 172 km, tuy nhiên đến tháng 6 năm nay tổng kết cho thấy mới làm được hơn 30%. Vì vậy, thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực và rất cần sự hỗ trợ của Bộ GTVT trong việc đầu tư, phát triển hạ tầng.

Ông Phong dẫn chứng, công ty Pouyuen có hơn 95.000 công nhân, trong đó có 2/3 đang sống ở Tiền Giang và Long An và công ty có 409 ô tô đưa đón công nhân từ hai tỉnh trên lên TP.HCM làm việc mỗi ngày. Nếu kết nối được các tuyến đường sắt sẽ giảm được áp lực dân số lên TP.HCM.

Dau tu duong sat cao toc 5 ty USD, nguoi dan co the song o Can Tho, di lam o Sai Gon
Tuyến metro số 1 đang được lắp đường ray. Gần đây dự án này gặp rất nhiều khó khăn vì liên tục thiếu vốn

“Mỗi năm TP.HCM tăng thêm 162.000 người, riêng tăng cơ học thì 102.000, còn tăng tự nhiên là 60.000. Có những quận chúng tôi vất vả lắm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống và làm việc. Như quận Bình Tân, hộ khẩu đăng ký chỉ gần 300.000 dân nhưng thực tế là 745.000 dân sinh sống và làm việc thường xuyên. Cho nên nhu cầu đường sắt giữa TP.HCM – Cần Thơ là rất bức thiết”, ông Phong nói.

Người đứng đầu UBND TP.HCM cũng cho biết, ông đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh thành có dự án đường sắt đi qua để tạo sự thống nhất và được sự hoan nghênh, phối hợp với TP để làm việc với Bộ GTVT.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định, TP.HCM hiện nay đã rất đông đúc, nếu kết nối được Cần Thơ thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề và phát huy vai trò quan trọng của tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đối với vận chuyển hành khách, hàng hóa trong khu vực. Ông đề nghị Cục Đường sắt nghiên cứu lại dự án, lộ trình và thống nhất cách làm tuyến đường sắt này. 

Dau tu duong sat cao toc 5 ty USD, nguoi dan co the song o Can Tho, di lam o Sai Gon
Nhà ga ngầm đang được thi công bên dưới công viên 23 Tháng 9 của tuyến metro số 1

“Tôi ví dụ, công nhân và người làm việc của TP.HCM có thể không cần ở TP. Họ có thể ở Long An, Mỹ Tho, Tiền Giang, Vĩnh Long… Sáng lên tàu với tốc độ chạy 165 km/h thì chỉ mất có 45-60 phút để tới TP làm việc, không cần thiết phải ở đây chi cả.

Nếu khả quan thì Bộ GTVT làm chủ đầu tư và mời các tỉnh về thống nhất cách làm. Dự án này chỉ có thể làm đối tác công tư chứ Nhà nước hoặc tư nhân không thể làm nổi", ông Thể nói.

Cũng theo Bộ trưởng Thể, cần nghiên cứu kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tuyến TP.HCM – Cần Thơ. Nếu hành khách đi tàu từ Bắc vào TP.HCM mà chỉ dừng lại ở Thủ Thiêm thì sẽ không có sức hút. Vì vậy, cần có phương án kết nối thuận tiện cho hành khách có nhu cầu về Cần Thơ được thuận tiện.

Tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ sẽ đi song hành với cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, chiều dài 139 km, từ ga đầu Tân Kiên, TP.HCM đi qua các ga thuộc tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và ga cuối là cảng Cái Cui, TP Cần Thơ (Ga Nam Cần Thơ).

Dự án sử dụng đường sắt đôi, khổ 1.435 mm - dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới, tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách. Như vậy, từ TP.HCM đến Cần Thơ tàu chạy chỉ dưới một giờ.

Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Quỹ Morfund Canada, quy mô vốn đầu tư là 6,3 tỷ đô la Canada, tương đương 5 tỷ USD (112.000 tỷ đồng). Tuyến đường sắt có 10 ga, được quy hoạch thành 10 thành phố quy mô tương đương một phường với đầy đủ cơ sở hạ tầng, nhà ở, trường học, bệnh viện, hệ thống siêu thị...

Trường Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI