Dấu hỏi về trung tá công an trong vụ xử băng nhóm bảo kê chợ Long Biên

26/07/2019 - 07:30

PNO - Theo các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại, kẻ bảo kê thực sự không phải là Hưng "kính". Cần làm rõ vai trò của trưởng ban quản lý chợ và vị trung tá công an phụ trách địa bàn.

Phần tranh tụng nảy lửa giữa luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại với đại diện viện kiểm sát được dư luận chú ý bởi hàng loạt dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, vi phạm Luật Tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết vụ án. Theo đó, kẻ ‘’bảo kê” thực sự chưa phải là Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”).

Dau hoi ve trung ta cong an trong vu xu bang nhom bao ke cho Long Bien
 
Dau hoi ve trung ta cong an trong vu xu bang nhom bao ke cho Long Bien
Nhiều tình tiết quan trọng của vụ án đã bị bỏ qua

Dựng đối tượng cộm cán lên làm tổ trưởng

Ngày 25/7/2019, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án “cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại chợ Long Biên, do Nguyễn Kim Hưng cầm đầu. Đồng phạm là các bị cáo Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến hói), Nguyễn Mạnh Long (tức Long "cao"), Lê Thanh Hải (tức Hải "gió"), Dương Quốc Vương (tức Vương "lợn"). Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã đề nghị xử kịch khung với tổng mức án trên 20 năm cho nhóm bị cáo nói trên. 

Tại quyết định số 64, ký ngày 5/11/2013 về việc phân công nhiệm vụ đối với cán bộ, viên chức và nhân viên hợp đồng BQL chợ Long Biên năm 2013-2014, ông Đàm Đình Dũng - Trưởng ban - đã phân công Nguyễn Kim Hưng làm Tổ trưởng Tổ Dịch vụ bốc dỡ hàng hóa số 2, bỏ qua thành tích bất hảo từng có 5 tiền án, tiền sự về các tội hiếp dâm, xâm phạm sức khỏe của người khác, cưỡng đoạt tài sản… 

Tại tòa, luật sư Trương Anh Tú - người bảo vệ quyền lợi cho bị hại - bất ngờ trình bằng chứng quan trọng về việc Ban quản lý (BQL) chợ Long Biên đã trao cho Hưng “kính”, cùng một số đối tượng cộm cán  quyền điều hành hoạt động thu tiền bến bãi, bốc xếp… tại chợ Long Biên. 

Bên cạnh đó, việc thu phí ô tô vào chợ, phí vệ sinh, phí bảo vệ hàng hóa trên các phương tiện cơ giới, bán hàng trên xe của các hộ kinh doanh tại khu K (Bến Nứa cũ) được giao cho Hà Văn Sơn (tức Sơn Tạo) đối tượng cộm cán, có số má trong giới giang hồ. 

Quyết định trên cũng giao Phạm Ngọc Chi (tức Chi "ma cô") làm Tổ phó Tổ Bảo vệ số 2, chịu trách nhiệm thu phí đỗ xe trên tuyến đường Hồng Hà và khu đất 4ha thuộc tổ 9, phường Phúc Xá. 

Việc làm này chính là hành vi hợp thức hóa, giúp các đối tượng cộm cán giang hồ có quyền bảo kê, thu “phế” trong “lãnh địa” của mình. Việc gây sức ép, thu tiền bảo kê của tiểu thương trong suốt thời gian dài như vậy, số tiền thu được từ những hoạt động nói trên đã được chia cho những ai, cần phải làm rõ. 

Theo đó, không thể bỏ qua trách nhiệm của ông Đàm Đình Dũng trong quá trình giải quyết vụ án. 

Dau hoi ve trung ta cong an trong vu xu bang nhom bao ke cho Long Bien
Nhóm đối tượng bảo kê tại chợ Long Biên

Cùng quan điểm, luật sư Trần Đình Triển dẫn chứng: “Đây là vụ án gây ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự, đời sống xã hội. 

Rõ ràng, đã có sự cố ý buông lỏng quản lý, làm ngơ của hàng loạt cơ quan chức năng để các đối tượng cộm cán lộng hành suốt thời gian dài. Công tác quản lý địa bàn của lực lượng công an, vai trò quản lý nhà nước đã bị xâm phạm nghiêm trọng. 

Vụ việc chỉ bị phát giác khi báo chí vào cuộc. Đích thân Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân”. 

Theo ông Triển, việc Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội truy tố các bị cáo theo điều 170 Bộ luật Hình sự (định khung từ 1 - 5 năm tù) là không thỏa đáng. 

Trước đó, cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố theo khoản 2 của điều này (định khung  từ 3 - 10 năm tù). Như vậy, có ba tình tiết quan trọng để xem xét vụ án đã bị bỏ qua. 

Thứ nhất là “phạm tội có tổ chức” (tại tòa, các bị cáo khai rõ, có sự bàn bạc, thống nhất cách thu và ăn chia với nhau, tiền nộp lên BQL chợ). Thứ hai là “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” (từ tháng Hai đến tháng Tám, liên tục ép tiểu thương bằng rất nhiều cách). Thứ ba là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội’’. 

Việc viện kiểm sát không truy tố theo khoản 2 là có dấu hiệu bất thường trong định tội.

Dau hoi ve trung ta cong an trong vu xu bang nhom bao ke cho Long Bien
Bị cáo Nguyễn Kim Hưng

Cần làm rõ trách nhiệm quản lý địa bàn

Tại phần đầu phiên tòa diễn ra sáng 25/7, các bị cáo đều đồng loạt kêu oan. Nhưng đến chiều, sau khi được “tư vấn”, các bị cáo đồng loạt nhận tội, ra sức xin lỗi vợ chồng tiểu thương Nghiêm Thúy Nga và mong được hưởng mức án nhẹ để sớm trở về với gia đình, xã hội. 

Theo các luật sư, việc cơ quan điều tra quyết định tách 5 vấn đề liên quan trực tiếp đến vụ án này (tố cáo của bị hại liên quan đến việc bị cáo Hưng chiếm đoạt số tiền 1,6 tỷ đồng; tài liệu liên quan đến việc các bị cáo chiếm đoạt của 11 hộ kinh doanh khác tại chợ Long Biên; tài liệu liên quan đến hành vi của Hồ Quang Thao, Kiều Văn Dũng có hành vi đe dọa, kéo cá thối tra tấn tinh thần, cản trở việc kinh doanh của người bị hại; tài liệu sai phạm về kinh tế của BQL chợ Long Biên và trách nhiệm của ông Đàm Đình Dũng) để điều tra sau là sai Luật Tố tụng hình sự. Việc đó làm sai bản chất của vụ án, không đánh giá được chính xác mức độ ảnh hưởng, những thiệt hại nghiêm trọng về mọi mặt do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra cho bị hại và xã hội.

Luật sư Tú ví von: “Việc tách ra đó không khác gì cho chúng ta xem một bức tranh vẽ con voi, nhưng chỉ xem được phần chân của nó. Như vậy, bức tranh sẽ không còn là bức tranh nữa”.

Còn luật sư Triển khẳng định: “Việc tách những vấn đề nói trên thể hiện rằng cơ quan điều tra làm chưa hết trách nhiệm của mình. Cả năm vấn đề đó chưa được khởi tố, tại sao lại tách? Cáo trạng ban hành tháng 5/2019, giờ đã gần hết 2 tháng, nếu xem xét về tố tụng thì thời hiệu cũng không còn”. 

Theo luật sư Triển, cơ quan điều tra và viện kiểm sát viện dẫn các tài liệu cũng không chính xác. Không thể lấy giấy tờ không phải là văn bản pháp quy ra để áp dụng, giải quyết vụ án.

Cụ thể là hành vi của các bị cáo trong cáo trạng truy tố từ tháng 2 đến tháng 8/2018 nhưng lại áp dụng công văn 431 ngày 20/3/2019 của UBND Q.Ba Đình.

“Áp dụng văn bản mà hành vi phạm tội diễn ra trước, trong khi công văn này không có giá trị về pháp lý. Trong hồ sơ vụ án, có rất nhiều tài liệu, hợp đồng có dấu hiệu được nại ra nhằm hợp thức hóa hành vi phạm tội của các bị cáo, bỏ lọt tội phạm thực sự của vụ án. Lời khai tại tòa của các bị cáo cho thấy, số tiền thu được nộp cho BQL chợ và được hợp thức hóa bằng các chứng từ do chính BQL viết ra” - luật sư Triển 
nhận định.

Phiên tòa trở nên gay cấn khi các luật sư của bị hại dẫn chứng hàng loạt chi tiết liên quan đến dấu hiệu ”bảo kê” của những người có trách nhiệm trong vụ án này.

Bằng chứng về việc bị cáo Hưng có mối quan hệ mật thiết với một trung tá công an thuộc Đội Phụ trách địa bàn, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hà Nội cũng được nêu ra trước tòa, bản danh sách có tên người nhà của những cán bộ có chức vụ, quyền hạn trong lực lượng công an cũng được nhắc đến. 

Trả lời câu hỏi “thiệt hại thực sự của vụ án này là bao nhiêu tiền”, bị hại Nghiêm Thúy Nga khóc nức nở: “Tôi đã bị chèn ép đến mức tự tử hai lần không thành. Suốt một năm, không biết kêu ai cho thấu? Đơn đi đến đâu bị dìm đến đó. Công an một mặt khuyên tôi đừng làm to chuyện, mặt khác bỏ mặc tôi chịu ức hiếp. Khách hàng thấy tôi bị như thế liền chạy cho xa. Trưởng BQL chợ thì nghiêng hẳn về phía nhóm bảo kê. Suốt thời gian qua, chưa một ai đong đếm được tôi đã khốn khổ đến thế nào”. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI