Đánh đu số phận trên những cuốc xe ôm 'cày khuya'

24/10/2018 - 06:46

PNO - Trong vụ một phụ nữ lái chiếc xe BMW tiền tỷ gây tai nạn liên hoàn vào tối 21/10, hình ảnh ám ảnh chúng tôi nhất là chiếc nón bảo hiểm có logo Grab nằm lăn lóc trên đường.

Trước đó hai ngày, một sinh viên nghèo quê tỉnh Bình Thuận chạy Grab bị một tên cướp tuổi vị thành niên tước đoạt mạng sống. Nguy hiểm luôn rình rập cánh tài xế xe ôm công nghệ.

Danh du so phan tren nhung cuoc xe om 'cay khuya'
Hình ảnh chiếc nón Grab giữa hiện trường vụ tai nạn giao thông đẫm máu khiến nhiều người ám ảnh về độ nguy hiểm của nghề chạy xe ôm

Liều mình vì 10.000 đồng phụ thu

Gần 12g khuya, tôi ghé vào một mái hiên trên đường Trần Phú, Q.5, TP.HCM, nơi một nhóm tài xế xe ôm Grab đang vạ vật đợi khách gọi. Một người trong số đó là Tiến Huy(*) - cậu sinh viên 20 tuổi quê tỉnh Bình Định, nước da trắng trẻo, giọng nói đặc sệt miền Trung. Hơn 700 ngày sống ở Sài Gòn, Huy đã có một phần ba thời gian “sống về đêm” bằng nghề chạy xe ôm công nghệ. 

Dọc theo cung đường Trần Phú - Lê Hồng Phong - An Dương Vương, có khá đông sinh viên làm thêm bằng nghề này. Giống như Huy, các sinh viên chạy xe ôm công nghệ hầu hết đều từ tỉnh lên TP.HCM học, nhà nghèo. Chạy xe ôm không cho thu nhập quá cao nhưng cũng đủ để các sinh viên nghèo trang trải chi phí hằng ngày. “Mỗi tối, trừ hết chi phí, em kiếm được từ 150.000-200.000 đồng, hôm ế thì được có mấy chục ngàn à” - Huy nói.

Ngồi co ro dưới mái hiên, móc xấp tiền lẻ ra đếm, Huy than “đêm nay ế quá, chỉ mới được hai cuốc ngắn, chưa đầy 60.000 đồng”. Ở quê nhà Bình Định, Huy có 4 chị em, người chị lớn đã lấy chồng, cha mẹ còn phải nuôi 2 em nhỏ ăn học nên mỗi tháng chỉ gửi vào cho Huy 2 triệu đồng. Gánh nặng học phí, tiền ăn, tiền trọ... buộc Huy phải ra đường mưu sinh vào ban đêm. Nhiều hôm, Huy đến giảng đường với đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ.

Nhiều sinh viên cho biết, họ chọn giờ “hành nghề” từ 22g đến gần sáng hôm sau không chỉ do vào khung giờ đó, nhà cung cấp tính phụ thu thêm khoảng 10.000 đồng/cuốc xe. “Giờ khuya, chở mấy ông say rượu về, có khi gặp mối ngon, được bo cả trăm ngàn, hai mối như vậy là đủ sở hụi cho một đêm” - Văn Đức, 19 tuổi, quê tỉnh Khánh Hòa, hớn hở khoe. Một sinh viên năm cuối của Trường đại học Sài Gòn cắt ngang lời Đức: “Từ đầu tháng đến giờ, em bị mấy ông say quỵt tiền hai cuốc rồi đó. Chở đến nơi, họ nói quên mang tiền rồi đi một lèo vô trong hẻm, em chẳng dám đuổi theo vì sợ bị đánh”.

Cuộc trò chuyện đang dang dở thì điện thoại của Đức rung lên, báo hiệu có người gọi từ một quán nhậu trên đường Trần Phú. Móc điện thoại, Đức phân vân vì trời đang mưa lớn, khách lại yêu cầu chở đến tận Q.9, nhưng rồi cậu cũng bấm “nhận cuốc”. Liếc vào màn hình điện thoại, chúng tôi thấy giá tiền cho cuộc di chuyển này chưa đến 100.000 đồng, nhưng Đức vẫn mặc vội áo mưa, lao xe đi đón khách vào thời điểm đã sang ngày mới. Khi Đức vừa đi, Huy nói giọng đầy lo lắng: “Chạy cuốc này hơi chua nhưng vì gần đến hạn đóng tiền nhà trọ nên thằng Đức ráng cày đó anh. Giờ này tụi em chỉ khoái cuốc ngắn trong nội thành thôi chứ đi kiểu đó liều mạng quá”.

Danh du so phan tren nhung cuoc xe om 'cay khuya'
Tiến Huy - sinh viên một trường đại học ngồi đợi khách đến lúc rạng sáng

Những ngày qua, tin tức về một sinh viên năm ba đại học chạy xe ôm Grab bị sát hại cũng khiến cánh chạy xe ôm đêm chùn tay. Trên các diễn đàn của giới xe ôm công nghệ, các tài xế thường xuyên bày nhau các biện pháp đối phó khi gặp cướp trong đêm. Thế nhưng, dù đề phòng cách mấy, các sinh viên non nghề cũng là “con mồi” mà các đối tượng cướp xe ôm nhắm đến.

Ông Lý Phúc - người chạy xe ôm gần 16 năm ở Q.5 - cho biết, những tài xế xe ôm “cày đêm” hầu như đều có kinh nghiệm cả chục năm hành nghề, đủ khôn ngoan để đối phó với cướp nhưng vẫn thường xuyên gặp nạn. “Tui dặn đám nhỏ ở đây hoài, đêm khuya mà thấy cuốc đi ra ngoại thành, nơi vắng vẻ thì đừng nhận vì rất dễ gặp nguy hiểm. Thế nhưng, vì giờ đó có tiền phụ thu này nọ nên nhiều đứa vẫn liều mình nhận chạy. Đôi khi vì khổ mà người ta phải liều” - ông Phúc tâm sự.

Ba giờ sáng, cánh tài xế GrabBike tập trung về Bến xe Miền Tây rất đông. Họ chia ra từng tốp nhỏ đứng vạ vật bên các quán cà phê ven đường đợi khách. Ở đây, chúng tôi gặp Nguyễn Văn Hoàng - 22 tuổi, quê tỉnh Bình Định - đang ngồi cùng một “đồng nghiệp” đợi khách. Trên khuôn mặt của cậu sinh viên, vẫn còn một vết bầm tím sau trận ẩu đả với một khách say xỉn cách đây vài ngày. Đêm hôm đó, Hoàng đón một khách trên đường Nguyễn Văn Luông, Q.6 với giá 22.000 đồng, nhưng khi chở tới nơi, người này lại yêu cầu chở đến một nơi khác, Hoàng không đồng ý nên xảy ra cự cãi, bị khách này đánh và quỵt luôn tiền.

Là sinh viên năm cuối, lịch học ban ngày dày đặc nên Hoàng chỉ tranh thủ chạy xe ban đêm. Thường ngày, Hoàng chỉ chạy xe từ 2g-6g sáng rồi về đi học. Với khung giờ đó, ở khu vực Bến xe Miền Tây có lượng khách dồi dào nhất. Nhưng, những “lính mới” như Hoàng đón khách ở đây rất dễ xảy ra va chạm với cánh xe ôm truyền thống. Đã có nhiều vụ ẩu đả giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ ở khu vực này do tranh giành miếng cơm. “Nhiều chuyện lắm, mà khổ nhất là thiếu ngủ. Có hôm trả khách xong, chạy về một mình, em ngủ gật, xe lao vào thanh chắn ven đường. May mà lúc đó vắng xe nên không sao” - Hoàng kể.

Đánh đổi cả mạng sống

Tối 21/10, nhiều người bàng hoàng khi thấy một chiếc nón của hãng Grab nằm vương vãi ở hiện trường vụ tai nạn đẫm máu do một phụ nữ lái xe BMW gây ra tại khu vòng xoay Hàng Xanh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Trước đó vài đêm, tài xế GrabBike Lê Nhật Hào - sinh viên năm ba Trường đại học Giao thông Vận tải TP.HCM - cũng bị một sát thủ “nhí” sát hại để cướp xe. Vài tháng trở lại đây, hàng loạt vụ xe ôm bị sát hại, hành hung đến bỏ mạng gây ám ảnh cho cánh tài xế xe ôm công nghệ “cày” đêm.

Hai giờ sáng, ngồi đợi ở lề đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM, màn hình cảm ứng điện thoại sáng lên, Lê Anh Vương - 21 tuổi, quê tỉnh Gia Lai - hớn hở nhận cuốc xe đi từ Q.3 đến Q.12 với mức giá hơn 120.000 đồng. Đây là cuốc xe Vương nhận đầu tiên sau gần 2 giờ “ra đường”.

Thế nhưng, sau sự hớn hở, khuôn mặt cậu sinh viên hiện rõ nét lo lắng khi mà cung đường đến nơi trả khách phải qua Quốc lộ 1. “Giờ này, xe tải phóng bạt mạng, thỉnh thoảng còn gặp đua xe nữa, chưa kể dưới đó nhiều đoạn vắng lắm” - Vương nói. Suy nghĩ một hồi, Vương gọi điện cho khách nhờ hủy cuốc với lý do xe bị hỏng, bị khách này bực dọc mắng qua điện thoại. Vương cho biết, cách đây 2 tháng, trong một lần chở khách đến chợ đầu mối Thủ Đức, anh bị một kẻ say xỉn gây tai nạn, may là chỉ bị thương tích nhẹ, nhưng Vương phải sửa xe tốn mất 2 triệu đồng.

Với những tài xế xe ôm công nghệ như Vương, hủy cuốc là chuyện “chẳng đặng đừng”, vì sau mỗi lần hủy cuốc, tài xế sẽ phải “làm việc” với hãng. Nhiều hôm chở khách, Vương biết mình sẽ bị khách quỵt tiền hoặc gặp nguy hiểm nhưng không biết cầu cứu ai trong trường hợp ấy. “Nếu trong phần mềm, hãng tích hợp thêm nút SOS nữa thì tài xế sẽ ít gặp nguy hiểm hơn. Khi tài xế có nguy cơ gặp nguy hiểm, sẽ bấm vào nút đó để mọi người biết, lộ trình di chuyển của tài xế sẽ hiện lên bản đồ và đồng nghiệp ở gần đó sẽ đến hỗ trợ” - Vương chia sẻ.

Nhiều tài xế GrabBike ở khu vực Bến xe Miền Tây cho biết, họ bị quỵt tiền, gặp cướp... như cơm bữa. Chúng tôi có dịp gặp Quách Minh Thảo - 25 tuổi, tài xế GrabBike may mắn sống sót trong một vụ cướp táo tợn. Vào rạng sáng 5/10, khi chở khách đến một con hẻm trên đường Đông Hưng Thuận 5, P.Tân Hưng Thuận, Q.12, Thảo bị khách rút dao đâm vào người để cướp xe. Do đã gần sáng nên khi nghe anh Thảo tri hô, người dân địa phương đã ra hỗ trợ, đưa đi cấp cứu nên anh mới được bảo toàn tính mạng.

Cách đây không lâu, khi Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm Hướng Nam vừa triệt phá vụ án người nước ngoài cướp tài sản của tài xế GrabBike, một cán bộ chỉ huy đội này cho biết: “Đối tượng gây án với cánh xe ôm thường là con nghiện (nghiện game, phê thuốc) nên rất manh động, sẵn sàng tước đoạt sinh mạng. Khi bị tấn công giữa đêm khuya, nạn nhân khó bề chống trả. Trên thực tế, gần đây, có nhiều tài xế xe ôm bị bọn cướp sát hại rất dã man”.

Nhiều đêm, trên đường về nhà, tôi vẫn thường thấy một nhóm người trong đồng phục xe ôm công nghệ ngồi đợi khách gần các quán nhậu. Họ mong chờ một vị khách nào đó sẽ gọi mình chở về khi đã ngà ngà say. Như đêm qua, ngồi trò chuyện với nhóm sinh viên chạy xe ôm trên đường Trần Phú đến tận 4g sáng, khi tôi trở về nhà, họ vẫn cố nán lại với hy vọng sẽ “vớt” được một khách trước giờ về nhà, thay đồ đến giảng đường. Những khuôn mặt thẫn thờ bỗng sáng rực lên khi màn hình điện thoại báo tín hiệu có khách. Trước khi tôi rời đi, Tiến Huy còn đến gần thỏ thẻ: “Anh đừng đưa hình em lên báo nha, mẹ em mà biết em khổ như vầy, chắc bà không ngủ được quá”. 

(*) Tên một số nhân vật đã được thay đổi

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI