Dân 'thành đồng, đất thép' vẫn hụt hẫng vì các sai phạm tại dự án Safari Củ Chi

29/11/2019 - 08:03

PNO - Dù đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, người dân vẫn chưa thỏa mãn. Họ không còn thắc mắc về tiền bồi thường, mà đau đáu rằng thủ tục pháp lý thực hiện dự án đã đúng quy định, quy trình chưa?

Dù đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, người dân vẫn chưa thỏa mãn. Họ không còn thắc mắc về tiền bồi thường, mà đau đáu rằng thủ tục pháp lý thực hiện dự án đã đúng quy định, quy trình chưa? Và tại sao lại phụ lòng dân bởi phần lớn họ đã theo tinh thần cha anh xưa tiếp tục ủng hộ công cuộc chung của thành phố nói riêng, đất nước nói chung.

Tại buổi tiếp đại diện các hộ dân thuộc dự án (DA) đầu tư xây dựng công viên Thảo Cầm Viên mới (gọi tắt là DA Safari) tại H.Củ Chi do UBND TP.HCM tổ chức chiều 28/11, bà Nguyễn Thị Sơn Thủy - đại diện các hộ dân có đất bị thu hồi tại xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng - cho biết, mình không thắc mắc về tiền bồi thường nữa, chỉ thắc mắc về thủ tục pháp lý thực hiện DA đã đúng quy định pháp luật hay chưa?

Nhiều vấn đề dân chưa thỏa mãn

“Toàn bộ thủ tục triển khai thực hiện DA từ khởi đầu cho đến sau cùng đều không hề có. Đáng lẽ ban hành quyết định thu hồi tại thời điểm nào, thì phải bồi thường theo giá thời điểm đó. Đàng này, UBND huyện khi xây dựng phương án giá số 99/PA-GBT vào năm 2004 nhưng lại áp dụng quyết định 05/QĐ-UB có từ năm 1995? Điều này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân vì đơn giá bồi thường khá thấp”, một đại diện khác là ông Võ Hoàng Phước bức xúc.

Dan 'thanh dong, dat thep' van hut hang vi cac sai pham tai du an Safari Cu Chi
Ông Võ Hoàng Phước - đại diện các hộ dân có đất bị thu hồi tại xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng - nêu bức xúc - Ảnh: Quốc Ngọc

Nhiều người được trình bày cũng đã nói lên sự hụt hẫng chung của họ: tại sao ban đầu người dân “thành đồng, đất thép” đã sẵn lòng giao đất để cùng thành phố thực hiện những mong muốn phát triển cho công cuộc chung, nhưng rốt cuộc lại bị chính quyền các cấp cố tình làm trái các quy định của pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lấy đi quyền lợi của dân?

Trả lời người dân liên quan đến nội dung hội đồng bồi thường chi tăng 104 tỷ đồng là không vụ lợi và yêu cầu chính quyền cần làm rõ số tiền này lọt vào tay ai, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Chủ tịch UBND H.Củ Chi - cho hay, vấn đề này đã được Thanh tra Chính phủ kết luận số tiền đền bù tăng hơn 104 tỷ đồng do áp giá đền bù chưa phù hợp với các quy định pháp luật về đất đai nhưng đã được chi trả đầy đủ cho người dân.

Qua thanh tra chưa phát hiện có dấu hiệu vụ lợi nhưng cần phải kiểm điểm một cách nghiêm túc. Và tại cuộc họp với Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình ngày 30/11/2017, đại diện các bộ ngành trung ương đều thống nhất không thu hồi lại từ người dân, nhưng đề nghị UBND thành phố cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương để chi trả, hỗ trợ cho những trường hợp còn lại.

Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - nêu quan điểm, phải đặt vấn đề pháp lý liên quan đến DA Safari trong từng thời điểm, hoàn cảnh và quá trình hoàn thiện của pháp luật.

DA đã có chủ trương từ năm 1996. Mục tiêu của DA là xây dựng công viên du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Safari ở Củ Chi sẽ là nơi trưng bày, lưu giữ, nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống các loại động vật quý hiếm của Việt Nam và thế giới.

“Luật pháp của chúng ta thường xuyên thay đổi, gần đây mới hoàn thiện và mới có các khái niệm như quy hoạch, kế hoạch, rồi mới triển khai thực hiện DA”, ông Hoan nói.

Có sửa, nhưng nếu không sai thì tốt hơn

Theo ông Võ Văn Hoan, đúng là trong quá trình triển khai DA, thành phố đã có một số thiếu sót. Safari cùng với một loạt DA phát triển khác trong cùng giai đoạn của nó như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đại lộ Đông Tây, khu Công nghệ cao, Nông nghiệp công nghệ cao… thể hiện tầm nhìn của các thế hệ lãnh đạo thành phố và chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

Tình trạng đô thị tới đâu, đường sá tới đó là bất ổn, không tạo ra đô thị phát triển bền vững, hiện đại được nên cần đưa ra hướng phát triển cụm đô thị với các DA tầm khu vực. Safari là một nguyện vọng, nằm trong chiến lược phát triển với tính đột phá cao, nhưng rất tiếc trong quá trình thực hiện chưa tốt, tạo bức xúc cho bà con.

“Ngoài vấn đề pháp lý, cô chú cũng đã nói lên tình cảm rất chân thật. Nó xuất phát từ một người dân có đất đã giao mà DA lại không được triển khai. Ai trong hoàn cảnh này cũng đau đớn”, ông Hoan chia sẻ.

Thiếu sót lớn của thành phố đầu tiên từ công tác bồi thường. Nhiều loại đất không có khái niệm trong luật. Nếu cứ để đất nông nghiệp thuần túy thì thiệt thòi cho người dân nên thành phố vận dụng ra các loại đất để bổ sung thêm cho bà con, nhưng pháp luật lại không công nhận các loại đất đó.

Chưa kể việc áp dụng không thống nhất: “Hai xã khác nhau. Một xã áp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất loại gì bồi thường theo loại đó, còn một xã thì lấy theo hiện trạng thực tế. Điều này tạo ra chênh lệch và so bì của người dân. Chứ ban đầu người dân rất đồng thuận với hơn 90% ủng hộ chủ trương của thành phố. Rất tiếc cái cách của mình có độ chênh giữa hai bên. Tạo ra khoảng cách và phản ứng của bà con”, ông Hoan tỏ ra hết sức tiếc rẻ.

Nhưng cái dở thứ hai của thành phố, theo ông Hoan, chính là khi người dân bức xúc, người dân khiếu nại về độ chênh lệch đó thì chính quyền không tập trung giải quyết tới nơi tới chốn. “Ta cứ loay hoay tìm cách này cách kia, nhưng rõ ràng chênh lệch đó là vô lý. Cùng một con đường mà bên này bồi thường khác, bên kia đường giá khác. Chậm giải quyết phát sinh bất bình”, ông Hoan nói và yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Nhóm sai sót thứ hai thuộc về vấn đề chọn chủ đầu tư. Có đến hai lần thành phố đã “tính chưa tới” đối với người dân Củ Chi. Lần thứ nhất, do tính chất Safari tức là nơi nuôi thú, bảo tồn cây cối nên giao cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư.

“Đơn vị này họ lo cho mình còn không xong thì làm sao có thể nghĩ đến một Safari 400-500ha có tầm cỡ khu vực để phục vụ người dân thành phố này! Khi được giao DA, họ chỉ mãi đi tới đi lui tìm vốn. Nhưng đến cái hàng rào cũng làm không xong, không làm được cái gì cả”, đến lượt ông Hoan bức xúc nói.

Điều này, theo vị phó chủ tịch, phải rút kinh nghiệm khi giao DA cho một cơ quan không có đủ năng lực thực hiện, dù Thảo Cầm Viên Sài Gòn có chức năng và cũng có mong ước rằng Thảo Cầm Viên cũ ở trung tâm thành phố với Safari Củ Chi là một.

“Cái cũ trở thành bảo tàng của thú và cây cối thì Safari này là một phần thể hiện sự phát triển của TP.HCM trong tương lai hiện đại hơn, tạo điều kiện cho người dân đến giải trí vui chơi, nhưng rất tiếc chủ đầu tư làm không nổi”, ông nói.

Nhưng đến lần “tính chưa tới” thứ hai, cũng lại giao cho chủ đầu tư mới dù năng lực rất dồi dào, khả năng triển khai nhanh, nhưng sai lầm lại chính là nhà đầu tư quá tham vọng. “Khi nghiên cứu quy hoạch Safari, nhà đầu tư đặt ra những vấn đề sử dụng một số diện tích xây dựng những hạng mục khác, không phục vụ cho mục đích ban đầu của Safari. Điều này UBND thành phố chưa phê duyệt nhưng bà con đều biết, tạo ra tâm lý không đồng thuận và bức xúc hơn. Chúng tôi đã giải quyết dừng không cho họ tiến hành nữa”, ông Hoan cho hay.

Dan 'thanh dong, dat thep' van hut hang vi cac sai pham tai du an Safari Cu Chi
Có chủ đầu tư dù được chọn nhưng cuối cùng TP không duyệt dự án do quá tham vọng, sử dụng một số diện tích xây dựng những hạng mục khác, không phục vụ cho mục đích ban đầu của Safari

Nhóm sai sót thứ ba xoay quanh tổ chức tái định cư. Dù trong phương án có nhưng không làm, rất thiệt thòi cho bà con. Bởi khi bà con chờ nhận nền tái định cư thì chúng ta phải hỗ trợ tạm cư trong thời gian xây dựng khu tái định cư. “Có nhưng mà quên. Hỗ trợ tạm cư, cái này phải tính toán hỗ trợ chi phí tạm cư cho bà con… Chúng ta có sửa sai nhưng nếu như không sai thì tốt hơn vì rất nhạy cảm với người dân Củ Chi, những người đã cống hiến đất cho việc chung của thành phố”, ông Hoan nói.

Đối với nhiều vấn đề chưa thỏa mãn của dân kể từ khi có kết luận thanh tra số 2112/KL-TTCP ngày 30/11/2018 của Thanh tra Chính phủ về thanh tra toàn diện DA trên, ông Ngô Minh Châu - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết, ngoài kết luận thanh tra, chính quyền còn thực hiện ý kiến kết luận chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện thành lập tổ công tác liên ngành.

Qua đó, thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở ngành, các đơn vị có liên quan và tổ công tác liên ngành khẩn trương tham mưu cho UBND thành phố thực hiện nghiêm túc, dứt điểm ý kiến của Phó thủ tướng.

UBND thành phố đã giao tổ công tác liên ngành và Chủ tịch UBND H.Củ Chi kiểm tra, rà soát và đề xuất cụ thể các nội dung liên quan đến việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư của DA Safari đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế địa phương và công bằng cho dân có đất bị thu hồi. 

Quốc Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI