Đắk Lắk nói gì về quá trình xác minh lý lịch nữ trưởng phòng dùng bằng cấp của chị gái thăng tiến?

08/10/2019 - 22:18

PNO - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, quá trình xác minh lý lịch kết nạp Đảng cho bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo), chi bộ sơ suất không xác minh nơi sinh sống của bố mẹ bà Sa.

Liên quan đến vụ bà Trần Thị Ngọc Ái Sa giả (sinh năm 1975, tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo, ở nhà tên Thêm) - Trưởng Phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk dùng bằng cấp 3 của chị gái để "thăng tiến", ngày 8/10 trả lời báo chí, lãnh đạo Đảng uỷ phường 6, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) xác nhận, tại tổ 17, phường 6 ở địa phương này cũng có bà Trần Thị Ngọc Ái Sa đang cư trú.

Tuy nhiên, nơi đây chưa từng giới thiệu, kết nạp Đảng đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa. Từ trước đến nay, Đảng ủy, Chi bộ chưa nhận bất cứ giấy tờ gì ở tỉnh Đắk Lắk đề nghị địa phương xác nhận lai lịch cho cô Trần Thị Ngọc Ái Sa để có cơ sở kết nạp Đảng.

Dak Lak noi gi ve qua trinh xac minh ly lich nu truong phong dung bang cap cua chi gai thang tien?
Bà Trần Thị Ngọc Thảo - người dùng bằng cấp 3 của chị ruột

Trao đổi vấn đề khúc mắt này với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, một nguồn tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho hay, trong hồ sơ sinh hoạt Đảng, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa giả (tức bà Trần Thị Ngọc Thảo) khai gia đình có 11 anh chị em nhưng lại không khai tên Trần Thị Ngọc Thảo.

Bà Ái Sa giả cũng khai, trong 11 anh chị em có chị gái Trần Thị Ngọc Ánh là Đảng viên công tác tại một trường mầm non trên địa bàn phường 4 (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Do đó, quá trình xác minh lý lịch, chi bộ Phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk chỉ xác minh qua chi bộ của chị Ngọc Ánh xem chị này có phải là Đảng viên hay không. Sau đó, chi bộ trường mầm non - nơi chị Ngọc Ánh công tác và Đảng ủy phường 4 (TP Đà Lạt) xác nhận, chị Ngọc Ánh là Đảng viên. Do đó, chi bộ Phòng Quản trị chủ quan, sơ suất không đến Đảng ủy – nơi bố mẹ chị Ái Sa giả sinh sống để xác minh mới dẫn đến sai sót.

Ngoài ra, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định bà Trần Thị Ngọc Ái Sa giả - nữ Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng chính là Trần Thị Ngọc Thêm hay Trần Thị Ngọc Thảo (gọi tắt Trần Thị Ngọc Ái Sa giả - PV).

“Qua làm việc, chị Trần Thị Ngọc Ái Sa giả thừa nhận chị chính là Trần Thị Ngọc Thảo. Hồi nhỏ, chị Thảo có tên cúng cơm là Trần Thị Ngọc Thêm. Tuy nhiên, từ nhỏ đến lớn, mọi người trong gia đình không gọi tên là Thêm mà gọi là Trần Thị Ngọc Thảo. Hiện các cơ quan chức năng đang xác minh và sẽ xử lý nghiêm, không bao che” – nguồn tin này cho hay.

Như đã đưa tin trước đó, ngày 22/8/2019, các cơ quan liên quan ở tỉnh nhận được Đơn tố cáo (nặc danh) tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa giả (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) chưa học hết cấp 3 nhưng đã lấy bằng cấp 3 của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa thật (là chị ruột) để đi học trung cấp, học liên thông lên đại học và hiện nay học đến thạc sĩ; đồng thời, kê khai lý lịch cán bộ công chức không trung thực.

Đến ngày 17/9, Ban Tổ chức Tỉnh ủy kết luận, nội dung đơn tố cáo bà Sa giả như ở trên là đúng. Bà Sa cũng thừa nhận sai phạm của mình, tự giác, thành khẩn nhận khuyết điểm, đề nghị được giải quyết cho thôi việc. Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy không đồng ý và thống nhất triển khai quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với bà Sa theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước.

Theo tường trình của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa thật - (sinh năm 1973, nhân viên điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) thì bà không cho em gái mượn bằng, không biết về việc em gái đã khai lý lịch như thế nào để học hành, làm việc tại Đắk Lắk.

Văn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI