Đắk Lắk: Có trường hợp tranh chấp đất rừng bằng bạo lực

06/01/2018 - 06:30

PNO - Theo lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk, tình trạng tranh chấp đất rừng trên địa bàn đang diễn ra phức tạp, có trường hợp coi thường pháp luật, tự dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp bằng bạo lực.

Chiều 5/1, tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch UBND huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, mới đây UBND huyện Ea Súp yêu các cán bộ, đảng viên kê khai việc quản lý, sử dụng đất rừng.

Theo thống kê của UBND huyện Ea Súp, hiện nay chỉ mới khoảng 50% cán bộ, đảng viên đã kê khai và cho thấy đang quảng lý, sử dụng khoảng 2.000 ha đất rừng. Phần lớn diện tích này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đang được cán bộ, đảng viên cấp huyện, xã quản lý, sử dụng.

Dak Lak: Có truòng họp tranh chap dat rung bàng bạo lục
Hình ảnh vụ hỗn chiến tại Ea Súp do tranh chấp đất đai.

Từ việc kê khai này, UBND huyện Ea Súp nhằm mục đích xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm. Đối với 50% cán bộ, đảng viên chưa kê khai, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm. Sau đó sẽ rà soát, phân loại, những diện tích nào phù hợp thì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn lại sẽ kiên quyết thu hồi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đó.

Về việc dư luận cho rằng có nhiều băng nhóm chuyên đi tranh giành đất do người dân khai phá, mua bán canh tác nhiều năm khiến người dân bức xúc dẫn đến vụ hỗn chiến làm 1 người chết, 7 người bị thương mới đây, ông Đông nói: “Có băng nhóm hay không thì tôi chưa khẳng định nhưng có việc một số đối tượng đi tranh giành đất”.

Theo vị chủ tịch huyện, trong năm 2017, trên địa bàn huyện xảy ra 4 vụ việc nổi cộm, chủ yếu liên quan đến các vấn đề tranh chấp đất rừng làm 2 người chết, nhiều người bị thương. Việc giao đất cho doanh nghiệp chồng chéo lên diện tích đất người dân canh tác từ lâu dẫn đến mâu thuẫn. Theo thống kê ban đầu, hiện huyện có trên 10.000 ha đất rừng bị lấn chiếm trái phép.

Để xảy ra mất rừng, tranh chấp đất đai nói trên, ông Đông cho rằng, một số người dân xâm lấn đất rừng khi tranh chấp thì không báo chính quyền địa phương giải quyết dẫn đến các vụ việc phức tạp.

Các doanh nghiệp được nhà nước giao đất buông lỏng quản lý, cán bộ doanh nghiệp được giao quản lý bảo vệ rừng lại lại xâm chiếm đất rừng. Các doanh nghiệp không thực việc việc phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời, tình trạng dân dư cư tự do cũng là nguyên nhân gây áp lực rất lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp.

Cũng tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi - Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện nay tình trạng tranh chấp đất rừng đang diễn ra phức tạp, có trường hợp coi thường pháp luật, tự dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp bằng bạo lực. Xuất phát từ sự quản lý đất đai lỏng lẻo của chính quyền cơ sở, chủ rừng, các công ty lâm nghiệp từ nhiều năm trước dẫn đến tình trạng lấn chiếm, làm phát sinh tranh chấp giữa người dân với nhau và giữa người dân với doanh nghiệp.

“Hiện nay cơ quan công an đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án tại 5 công ty lâm nghiệp để mất rừng, mất đất rừng. Sau đó sẽ khởi tố bị can về tội hủy hoại rừng hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” – thiếu tướng Rơi thông tin.

Trước tình trạng nói trên, ông Nguyễn Hải Ninh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk đề xuất, tổ chức hội nghị chuyên đề để phân tích, mổ xẻ, làm rõ trách nhiệm, đề ra giải pháp quản lý bảo vệ rừng và đất rừng. 

Văn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI