Đại diện bệnh viện thừa nhận Hoàng Công Lương không phải chịu trách nhiệm trong vụ việc

18/05/2018 - 18:58

PNO - Bị cáo Lương và Sơn không phải chịu trách nhiệm về sự cố tai biến chạy thận vì không có văn bản quy định. Người chịu trách nhiệm là những người đứng đầu được giao nhiệm vụ có trong văn bản cụ thể.

Chiều ngày 18/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm kết thúc khi vẫn còn nhiều vướng mắc ở phiên xét hỏi gây bức xúc cho nhiều người đến xem xử án.

Trong phiên tòa, khi được hỏi về việc ai trong phòng vật tư chịu trách nhiệm cho vụ việc này, luật sư Nguyễn Danh Huế, đại diện cho Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình cho biết: “Bệnh viện hoạt động có quy chế do Bộ y tế ban hành, trong quy chế của Bộ nói rất rõ chức năng nhiệm vụ rất rõ ràng. Như vậy, bác sĩ Hoàng Công Lương hay cán bộ phòng vật tư Trần Văn Sơn cũng không phải chịu trách nhiệm vì không có văn bản nào quy định trách nhiệm của hai bị cáo này.

Thay vào đó, ông Trần Văn Thắng trưởng phòng vật tư phải chịu trách nhiệm vì người đứng đầu cao nhất, đã có văn bản quy định về trách nhiệm này”.

Dai dien benh vien thua nhan Hoang Cong Luong khong phai chiu trach nhiem trong vu viec
Ba bị cáo trong phiên xét xử

Ngoài ra, ông Huế còn cho biết, người đại diện kí kết hợp đồng, cụ thể là ông Trương Quý Dương là người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm. Trong quyết định 6197, hướng dẫn về thuê khoán bên ngoài bệnh viện cũng có ghi rõ về việc giám đốc bệnh viện không được bỏ mặc nhà thầu muốn làm gì thì làm, phải thường xuyên đôn đốc, giám sát các dịch vụ.

Như vậy trong vụ việc, ông Dương là người chịu trách nhiệm cao nhất giám sát các hợp đồng với nhà thầu và đơn vị được ông này giao việc cũng phải chịu trách nhiệm giám sát nhà thầu.

Tiếp đó, luật sư bảo vệ cho bị cáo Sơn cũng đã hỏi luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, đại diện cho Công ty Thiên Sơn và ông Đỗ Anh Tuấn về hợp đồng kí kết bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống lọc nước RO. Trong việc kí hợp đồng này, đại diện công ty Thiên Sơn cho biết đã cử người giám sát việc thực hiện hợp đồng theo trách nhiệm tự nguyện. Bà Hương cũng cho biết, công ty không tư vấn cho bệnh viện mà bệnh viện tự lựa chọn công ty. 

Thế nhưng, theo bị cáo Bùi Mạnh Quốc, trong cả quá trình sửa chữa, bị cáo chỉ làm việc một mình mà không có ai người theo dõi, giám sát từ công ty Thiên Sơn. Bị cáo Quốc cho biết, trong những lần khác, đại diện của Thiên Sơn là bà Tiên chỉ có mặt khi kí biên bản bàn giao vật tư sau khi xong việc.

Bác sĩ Hoàng Công Tình cũng nói rằng, bà Tiên đại diện cho công ty Thiên Sơn có mặt tại đơn nguyên thận nhân tạo thường làm công việc kiểm đếm số lượng bệnh nhân chạy thận. Bà này có làm giám sát hay không thì ông Tình không biết.

Tuy nhiên, trong suốt 4 ngày xét xử vừa qua, những cá nhân được coi là trách nhiệm trong vụ việc như ông Trương Quý Dương, Đỗ Anh Tuấn, Trần Văn Thắng đều không xuất hiện tại tòa. Thậm chí, ông Đinh Tiến Công – điều dưỡng trưởng, Khoa hồi sức tích cực và là người ghi biên bản cuộc họp phân công công tác xuất hiện vào phiên tòa sáng ngày 18-5 cũng xin vắng mặt vào phiên tòa chiều. Điều này khiến các luật sư tỏ ra rất bức xúc.

Xuất hiện nạn nhân thứ 9

Cũng trong phiên tòa ngày 18/5, luật sư Nguyễn Hoàng Chung, đại diện bảo vệ quyền lợi cho gia đình các nạn nhân bất ngờ công bố thông tin về nạn nhân thứ 9 của vụ tai biến.

Ông Trung cho biết, nạn nhân thứ 9 tên Phạm Ngọc Chung (SN 1961, trú tại huyện Kỳ Sơn), tử vong tháng 2/2018. Sau khi tử vong, người nhà nạn nhân này mới tìm đến văn phòng luật sư và nhờ giúp đỡ.

Dai dien benh vien thua nhan Hoang Cong Luong khong phai chiu trach nhiem trong vu viec
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung

Luật sư Chung cho biết: “Mong muốn của gia đình bị hại ở đây là có hai nội dung, yêu cầu những người chịu trách nhiệm hoặc có liên quan về cái chết những thân nhân của họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đó là mong muốn, ý chí của các gia đình có người thân tử vong.

Nội dung thứ hai là về việc bồi thường, trong quá trình điều tra và truy tố, bên phía cơ quan điều tra và VKS chưa đưa họ vào tham gia với tư cách là người tham gia tố tụng. Vì vậy cho đến khi có cáo trạng, toàn bộ yêu cầu của bà con về việc bồi thường đền bù là hoàn toàn không chính xác”.

Cụ thể trong một biên bản thỏa thuận giữa bệnh viện và đại diện gia đình nạn nhân, bên phía bệnh viện có đưa ra con số và yêu cầu các gia đình tìm căn cứ chứng minh cho con số đó. Nhưng từ con số của bệnh viện đưa ra thì ở trong cáo trạng lại đưa vào nội dung yêu cầu đền bù của bên bị hại.

Vấn đề này chưa rõ ràng, chưa chính xác vào thời điểm hiện tại, chưa cập nhật yêu cầu đền bù của gia đình nạn nhân. Các gia đình nạn nhân cũng mong muốn làm rõ người phải chịu trách nhiệm. Như trong phần xét hỏi 4 ngày qua đã cho thấy việc buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm toàn bộ cho cái chết của các nạn nhân trong tai biến y khoa là chưa đầy đủ.

“Kể cả bên đại diện bệnh viện cũng trả lời rằng, phạm vi trách nhiệm thuộc về phòng vật tư, cụ thể là ông trưởng phòng Trần Văn Thắng. Người của phòng vật tư tham gia vụ án trong vai trò bị cáo là Sơn thì nói rằng mình không có bất kì một quyết định, một văn bản nào phân công trách nhiệm mình phải thực hiện công việc gì. Ở đây, có thể thấy bị cáo Sơn bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm, từ căn nguyên là trang thiết bị có vấn đề. Nhưng đại diện bệnh viện lại trả lời cái này thuộc về phòng vật tư.

Cho đến giờ, các gia đình bị hại vẫn chưa thấy sự xuất hiện đại diện phòng vật tư xuất hiện với vai trò người chịu trách nhiệm về sự cố. Tôi thấy phiên tòa này chưa thể làm rõ được điều đó, trong khi đại diện phiên tòa trả lời như vậy.

Cũng như các luật sư và những người tham gia tố tụng, tôi cũng mong mỏi trong phiên tòa có sự xuất hiện của một số người, phiên tòa rất cần sự có mặt của họ. Chẳng hạn như ông Trương Quý Dương, ông Đỗ Anh Tuấn hay ông Trần Văn Thắng. Nhưng lời khai, tình tiết họ cung cấp sẽ làm rõ ra rất nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm cụ thể của những ai. Khi đó, việc xét xử mới được đầy đủ và khác quan”, ông Trung nói.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI