Cuộc gặp gỡ từ những khát vọng lớn lao

15/11/2019 - 06:24

PNO - Chính những khát vọng lớn lao, những “tình yêu thương vô tư” sẽ đưa đến những cuộc gặp gỡ lạ kỳ.

Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức (xã Đức Hạnh, H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) hôm ấy cờ xí rợp trời. Nhìn hàng cờ mừng giăng trước dãy nhà bệnh nhân, chị Tuyết Nhung nói: “Tụi em không cần cầu kỳ, mấy anh trang trí chi cực?”. Anh Quyết cười, nói như một vị chủ yêu nhà mến khách “nghe nói có đoàn của mấy chị, tụi tui cũng giăng cờ mừng khí thế cho anh em phấn khởi. Gặp gỡ được nhau vậy thì phải mừng!”.

“Anh em” ở đó là những bệnh nhân tâm thần được trung tâm nuôi dưỡng. “Đoàn của mấy chị” gồm các nữ tu và các cán bộ Hội LHPN TP.HCM. Chữ “mừng” của vị giám đốc trung tâm nghe thiệt thà vậy thôi, mà đủ khiến người nghe giật mình vì cái đáng mừng hiếm ai nhận ra của mấy lẽ gặp gỡ này.

Món quà gặp gỡ

Đó là một chuyến thăm định kỳ. Ở cái trung tâm bảo trợ cách xa thành phố, khoảng đất rộng được lấp đầy bằng những dãy nhà, khu điều trị lao xao hàng trăm bệnh nhân trong tấm đồng phục màu hồng. Khắp trung tâm, những bức tường vàng đã ngả màu vẫn còn mới nguyên những dòng chữ “Có lòng yêu thương vô tư thì sẽ có tất cả”, “Chung tay chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh tâm thần”... Dưới sân là một cuộc “chung tay”. Các nữ tu trong màu áo của tôn giáo mình đang ngồi lẫn giữa những tấm áo hồng của bệnh nhân. Những người thợ cắt tóc đang dàn hàng ngang, “khách hàng” là những bệnh nhân tâm thần đang nhốn nháo quanh những người thợ cắt, mặt cười ngơ ngác.

Cuoc gap go tu nhung khat vong lon lao
Sư cô Thích Nữ Nhựt Thành và bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM) trong chuyến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức

 Trò chuyện trong lúc chờ tới lượt cắt tóc, chợt một anh bệnh nhân nắm lấy tay áo ni sư Thích Nữ Nhựt Thành, nói vội: “Cô ở chùa Vĩnh Xương hả? Nhà con cũng ở gần ga Sài Gòn, ngay đường Trần Văn Đang đây…”. Ni sư Nhựt Thành từ tốn hỏi: “Con lên đây lâu chưa? Ở đó, con có biết…”. Câu trả lời rành mạch, hào hứng dần chuyển thành những cái lắc đầu ngơ ngác. Anh không nhớ đã xuống đây bao lâu. Anh không có người thân thăm nuôi, cũng không biết đường về nhà, không nhớ những chi tiết đơn giản xung quanh ngôi nhà anh vừa reo mừng “gặp lại” khi nghe tên ngôi chùa mà ni sư Nhựt Thành trụ trì. 

Bình Đức nuôi dưỡng hơn 400 người luôn chìm trong những quên và nhớ, buồn và vui, phấn khích và ngơ ngác - như anh. Lúc được hỏi về những thứ còn thiếu ở trung tâm, anh Quyết liệt kê: máy nước nóng, máy tập thể dục, ti vi. Nhưng khi đặt chân đến đó, đứng giữa những bệnh nhân sẵn những nỗi nhớ đau đáu và đầy những cơn quên đến điên loạn, đoàn người đang mang theo những máy nước nóng, những ti vi mới thấy những thiếu thốn không thể liệt kê, mới thấu hiểu hai chữ “chung tay” được viết to trên dòng chữ cao cao trên bức tường vàng. Chỉ cần bước vào một bệnh viện tâm thần bất kỳ, khi gánh nặng nuôi dưỡng bệnh nhân còn được gia đình san sẻ, người ta cũng thấy rùng mình với sự áp lực và nặng nhọc của những nhân viên y tế. Huống hồ, ở một trung tâm bảo trợ người tâm thần, nơi hầu hết người bệnh không có thân nhân, lại thêm nỗi nhớ nhà cùng nhu cầu gặp gỡ, trò chuyện vốn đã cào cấu từ trong sâu thẳm để bật ra nơi họ những điên loạn khó lường...

Tuy vậy, Bình Đức không lạ với những chuyến thăm. Anh Đỗ Văn Quyết hẳn cũng không ngờ được những hạnh ngộ bất ngờ cuộc gặp giữa anh bệnh nhân quê Q.3, TP.HCM và vị trụ trì ngôi chùa gần ga Sài Gòn. Cái “cuộc gặp gỡ đáng mừng” trong lời anh, có lẽ là dành cho sự gặp gỡ đặc biệt, sự “chung tay” của các vị nữ tu Phật giáo, Công giáo, Cao đài đang cùng có mặt ở đây, cùng ngồi đây đó giữa các bệnh nhân trong khoảnh đất này. Mệnh đề phía sau chữ “chung tay”, ý muốn “nuôi dưỡng và chăm sóc bệnh nhân tâm thần” đã làm nên cuộc gặp gỡ này. Từ trường đẹp đẽ xung quanh “tình yêu thương vô tư” đã kết nối những con người tưởng chừng khác biệt.

Cuoc gap go tu nhung khat vong lon lao

Cuộc gặp gỡ kiểu vậy, tôi từng được nghe trong lời lý giải của bà Lâm Thị Ngọc Hoa (Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM) về nguồn gốc của ngày hội Nữ tu thành phố làm công tác xã hội từ thiện. Từ mười mấy năm trước, trong những cuộc tiếp xúc, ý muốn thúc đẩy hội viên chăm lo cho đời sống của những thành phần yếu thế trong xã hội của lãnh đạo Hội LHPN thành phố đã “gặp gỡ” với tinh thần thiện nguyện, vì cộng đồng của các nữ tu tôn giáo. Từ cuộc gặp đó, năm 2007, ngày hội Nữ tu thành phố làm công tác xã hội từ thiện đầu tiên ra đời. Những ngày hội như chuyến thăm trung tâm Bình Đức chỉ là một nỗ lực hiện thực hóa một mối duyên gặp gỡ tự nhiên.

Sức mạnh của tình yêu thương vô tư

Từ những năm học đầu tiên thuở những năm chín mấy, tôi đã được học về “tình đoàn kết”. Thuở đó, những bức vẽ minh họa trong sách lẫn những áp-phích ngoài phố đều có gương mặt phấn khởi của người lao động. Chú công nhân vững chãi đứng bên một cỗ máy trong công xưởng. Cô nông dân hồ hởi ôm bó lúa. Những mảnh ghép xã hội mơ hồ hình thành nên hình ảnh một đất nước rộn rã sự góp sức của nhiều con người - đó là “đoàn kết”.

Sau này, khi làm việc ở TP.HCM với cơ hội chứng kiến công việc của nhiều lĩnh vực, khái niệm đoàn kết dân tộc trở nên bao quát mà cũng giản dị hơn bao giờ hết. Đoàn kết, là khi tôi nhìn thấy trong một hoạt động tích cực sự có mặt của nhiều thành phần tưởng không liên quan gì đến nhau. Và cũng là họ, khi quay về phần việc của mình, cũng lặng lẽ làm những việc riêng lẻ cho những đóng góp sâu hơn, với những mục tiêu vĩ mô hơn, cho đất nước này.

Đằng sau cánh cửa cuối cầu thang ngay góc đường Nguyễn Du, người chăm sóc giáo sư Nguyễn Đình Đầu thường từ chối những vị khách bằng câu trả lời: “Cụ đang ngủ”. Giáo sư sắp tròn 100 tuổi. Thời gian nghỉ ngơi luôn được chiếm phần lớn thời gian biểu, giấc ngủ có khi lại đến chỉ vài ba phút sau khi thức giấc. Thời gian còn lại dành cho nghiên cứu. Vậy mà, mới cách đây vài năm, mùa xuân năm 2014, ông công bố công trình quyển sách Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa với hơn 3.000 tấm bản đồ của Đông Dương và Việt Nam cùng những lý lẽ, luận cứ xác đáng chứng minh Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.

Cuoc gap go tu nhung khat vong lon lao
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu với câu chuyện Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa

Công trình của giáo sư Nguyễn Đình Đầu được xem là một tư liệu khoa học quý báu về lãnh thổ. Nó hẳn nhiên là một công trình nghiên cứu độc lập của một nhà khoa học. Nhưng, nó chẳng thể là một sự tình cờ thuần túy. Tháng 5/2014, khi người Việt khắp thế giới sục sôi nỗi bức xúc khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương trái phép trên lãnh hải Việt Nam, thì nhà nghiên cứu địa lý - lịch sử thuộc hàng cây đa cây đề này công bố Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa.

Thời gian ấy, khi lãnh đạo nhà nước Việt Nam đang liên tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai vùng lãnh thổ Hoàng Sa - Trường Sa. Khi giới truyền thông không ngừng thông tin về sự thật không thể chối cãi về cả lịch sử lẫn pháp lý về chủ quyền đất nước. Khi công chúng từ trẻ đến già, đều sục sôi ý chí bảo vệ lãnh thổ. Thì một nhà khoa học đã bước vào tuổi xưa nay hiếm - vẫn lặng lẽ trong những thư viện cổ kiêm từ Đông sang Tây, lục tìm những tư liệu cổ, những bằng chứng địa lý, lịch sử và cả những chứng cứ pháp lý. Tất cả đều để khẳng định “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Lúc này, một người trẻ, một người làm báo, một người làm quản lý nhà nước, hay bất kỳ anh tài xế, chị lao công, cô nhân viên văn phòng đều có thể có cùng một câu chuyện, về Hoàng Sa, Trường Sa.

Nghiên cứu khoa học có thể là một việc làm độc lập. Chăm sóc, nuôi dưỡng người lang thang, cơ nhỡ, bệnh nhân tâm thần… có thể là một chuyên môn đặc thù. Tu hành càng là một phép thực hành riêng lẻ, độc lập. Cả truyền thông, quản lý nhà nước, công tác xã hội… đều là những chuyên môn độc lập. Người ta có thể lặng lẽ làm công việc của mình, cho đến khi có một thách thức lớn hơn, một khát vọng lớn hơn. Thử thách lớn lao, từ trường từ những khát vọng lớn lao sẽ cần cái mạnh mẽ của sự hợp sức. Và ngược lại, chính những khát vọng lớn lao, những “tình yêu thương vô tư” sẽ đưa đến những cuộc gặp gỡ lạ kỳ.

Cuoc gap go tu nhung khat vong lon lao
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu thăm hỏi giáo sư Nguyễn Đình Đầu tại tư gia

Chúng tôi cũng từng trải nghiệm một cuộc gặp gỡ như thế. Lần ấy là tình cờ. Trong chương trình trao học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” của Báo Phụ Nữ TP.HCM, khi phỏng vấn cô nữ sinh tên Dương Ngọc Tiểu Minh, chúng tôi đã lặng người khi em chia sẻ: “Em không biết cha mẹ, chỉ biết gốc gác của mình từ khi sư cô Thích Nữ Nhựt Thành nhặt em trước cổng chùa rồi đem về nuôi em ăn học”. Cô bé nói thêm: “Sư cô nói chỉ nuôi em lớn nhưng không thể thay đổi cuộc đời em. Quỹ học bổng của Báo Phụ Nữ đang giúp em điều đó”. Chúng tôi biết mình vừa “gặp lại” vị ni sư trong chuyến đi Bình Phước năm nào. Vị sư cô ấy vừa tặng 60 triệu đồng cho ngày hội Nữ tu thành phố làm công tác xã hội từ thiện để mua máy tập thể dục ngoài trời cho một trung tâm bảo trợ xã hội. Thế nhưng, trong lời dạy Tiểu Minh, bà vẫn tự nhận mình không thể một mình nuôi nấng em trọn vẹn. Có lẽ, bà muốn gửi vào nhận thức sinh tồn của đứa trẻ sức mạnh của sự chung tay. 

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI