Cụ bà Mạnh Thường Quân đến từ viện dưỡng lão

04/10/2019 - 08:40

PNO - Trong lúc bà chủ nhà còn đang ngượng nghịu vì nhà cửa không đủ tươm tất, tôi vẫn mải ngắm nhìn mọi thứ với ý nghĩ: đây là “nhà” của một Mạnh Thường Quân.

 Cứ vài tháng, bà Mai Xuân lại lặng lẽ đến quầy lễ tân của Báo Phụ Nữ TP.HCM “xin đóng góp 500.000 đồng vào quỹ từ thiện của báo”.

Người ra vào tòa nhà nhớ đến bà bởi cái vóc người nhỏ nhắn, kham khổ và dáng đi chậm chạp của một cụ bà ngoài 70 tuổi.

Nhưng, tất cả thông tin mà người tiếp nhận từ thiện có được về bà chỉ là cái tên Hồ Mai Xuân, ở Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, cựu nữ hộ sinh, không có con cái.

3 tháng, 2 chuyến xe buýt, 500.000 đồng

Bước qua hai cánh cổng bảo vệ, tôi vào khu nhà B4 của Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Nghe nói tôi đến từ Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Xuân đon đả vỗ vỗ tay vào ngực, nói: “Cô thăm Mai Xuân hen? Đây, vô nhà ngồi chơi đi cô”. 

Cu ba Manh Thuong Quan den tu vien duong lao
Viết nhật ký là một trong những công việc hằng ngày của bà Xuân

Căn phòng số 5 rộng chừng 10m2, được ngăn với khoảng sân xanh cây ngoài kia bằng một ô cửa sổ rộng. Bức tường trắng lâu ngày gợi cảm giác cũ kỹ. Tất cả sức sống của một “căn nhà” như đang được lùa vào cùng ánh sáng ban ngày đang chiếu qua những tàng cây ngay trước ô cửa. 

Dây phơi khăn bắc ngang giữa phòng. Tủ quần áo, giường chiếu, thùng các-tông đựng sách vở, kệ nhựa để chén bát, ti vi như chất chồng lên nhau trong không gian nhỏ hẹp. 

Người đàn bà chủ nhà chợt bẽn lẽn cười: “Cả cuộc đời Mai Xuân gom về đây hết nên phòng ốc mới ngổn ngang vầy…”. 

Trong lúc bà chủ nhà còn đang ngượng nghịu vì nhà cửa không đủ tươm tất, tôi vẫn mải ngắm nhìn mọi thứ với ý nghĩ: đây là “nhà” của một Mạnh Thường Quân.

74 tuổi, có 40 năm làm nữ hộ sinh trong các bệnh viện lớn ở TP.HCM, long đong tá túc qua nhiều nơi, cuối cùng, bà về già trong căn phòng này. 

Công việc tiếp xúc với nhiều người khiến tôi thường có cảm tưởng rằng, người ta đau đáu việc làm từ thiện là vì những trắc ẩn từ quá khứ cơ cực nào đó, nhất là ở những người không dư dả. Thế nhưng, bà Xuân không thuộc cái “lẽ thường” mà tôi tưởng. 

Năm 2014, khi bà bắt đầu gắn bó với công tác từ thiện của Báo Phụ Nữ TP.HCM là lúc cuộc đời bà “đã rơi rớt những bám víu cuối cùng”, khi cả tiền bạc lẫn chỗ dựa đều đã mất.

Bà kể: “Hồi xưa, Mai Xuân cũng có nhà chứ! Có ai mà không có nhà đâu! Nhà của ba má Mai Xuân ở Bàn Cờ - Vườn Chuối (Q.3), nhưng rồi đứa em trai bán để lấy tiền đi nước ngoài định cư…”. 

Hồi còn căn nhà ở Vườn Chuối, bà là một nữ sinh Gia Long. Tốt nghiệp tú tài, bà vào trường nữ hộ sinh của Bệnh viện Từ Dũ rồi ra công tác ở Bệnh viện Hùng Vương. Cái năm đứa em trai bán đi căn nhà của ba má, công việc của bà ở Bệnh viện Hùng Vương cũng vào thời kỳ cao điểm, phải làm ngày làm đêm. 

Bà chuyển hẳn vào ở trong bệnh viện. Bao nhiêu tiền để dành, bà gói ghém gửi hết cho anh trai làm ăn với giao ước “mai mốt về hưu, em về Bình Dương ở với anh”. 

Về hưu năm 1998, nhưng bà vẫn công tác ở bệnh viện theo chính sách lưu dụng, rồi chuyển sang làm ở Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Phú Thọ… một thời gian dài trước khi nghỉ hẳn. Lúc này, bà mới về Bình Dương. 

Nhưng cuộc tá túc tuổi già chưa được bao lâu thì người anh ruột qua đời. Vốn nhạy cảm, bà nhanh chóng thấy mình như trở thành gánh nặng của người chị dâu vốn đã vất vả vì mất chồng, bà quyết định tìm một viện dưỡng lão bình dân nào đó để tá túc. 

Vốn liếng một đời vun đắp cho cơ ngơi của anh trai đã rơi rụng khi chuyện làm ăn của anh trắc trở. Bà tạm biệt người chị dâu, chuyển vào sống ở Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè bằng lương hưu từng tháng mà “hễ còn sống là còn nhận” của mình.

Cu ba Manh Thuong Quan den tu vien duong lao
Bà Xuân trong một động tác yoga giữa khoảnh sân xanh cây của Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè

“Cả cuộc đời gom về đây”, câu nói tưởng thuận miệng nói chơi, hóa ra lại là đúc kết một phần đời rạch ròi, có kế hoạch của một cụ bà đã đi gần hết con dốc cuộc đời: “Mai Xuân giờ chỉ còn lo tích cóp để chi trả thêm phí y tế khi lâm bệnh, và chuẩn bị 50 triệu đồng cho chi phí cuối đời ở nhà tang lễ”. 

Năm 2014, khi lần đầu được đọc Báo Phụ Nữ TP.HCM theo tiêu chuẩn ở trung tâm dưỡng lão, “kế hoạch của cuộc đời Mai Xuân” có thêm một gạch đầu dòng, là “tiết kiệm để đóng góp vào quỹ từ thiện của báo”.

Vì không đủ điều kiện để vào khu dưỡng lão dành cho đối tượng chính sách, mỗi tháng, bà phải đóng cho trung tâm dưỡng lão mức phí 3 triệu đồng. 

Trừ hết các khoản tiêu vặt, tiền xe về thăm quê ở Bến Tre, 500.000 đồng làm từ thiện là khoản tiền duy nhất bà Mai Xuân tiết kiệm được sau ba lần nhận lương hưu. 

“Cứ ba lần lên bưu điện lãnh lương là Mai Xuân được một lần ghé Báo Phụ Nữ” - bà rành rọt - “Vậy thôi, chuyện làm từ thiện của Mai Xuân có nhiêu hà chứ có gì đâu mà kể!”.

Bà nghĩ là làm. Từ “căn nhà” này, để đến được trụ sở Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà phải chờ ba tháng, đi một chuyến xe buýt lên ngã bảy Lý Thái Tổ, rồi mới đi bộ ngược lại theo đường Điện Biên Phủ. 

Sở dĩ phải vòng vèo vậy là vì ở ngã bảy Lý Thái Tổ, có Bưu điện Q.10 - nơi bà nhận lương hưu hằng tháng. Số lương hưu của một cựu nữ hộ sinh là 3,5 triệu đồng. 

Tuổi 74 tất bật trong viện dưỡng lão

“Có bấy nhiêu” thôi. Chuyện từ thiện đó nhẹ tênh như cái phần đời “càng lúc càng nhẹ” mà bà đang sống. 

Buổi trưa thanh bình, thoáng đãng kỳ lạ trong khoảnh sân nằm ngay bên con đường sầm uất Nguyễn Thị Minh Khai. 

Tôi hỏi: “Lát con về rồi Mai Xuân sẽ làm gì?”. Bà nhanh nhẹn: “Mai Xuân viết nhật ký. Hổm nay ham đọc quá nên chưa viết được, biết bao nhiêu chuyện để viết lại”.

Tôi ghẹo: “Mai Xuân bận bịu quá…”. Bà cười: “Bận chứ, sáng dậy giặt đồ, ăn sáng xong nghỉ một lát là tới giờ tập yoga, tập xong là gần trưa rồi, về đọc báo một tí là tới giờ ăn, ngả lưng một tí lại tới buổi chiều… Cứ vậy, hổng có thì giờ làm gì hết!”. 

Tôi như được “khai sáng” về cuộc sống của một người già. Ở góc phòng, tấm thảm yoga màu tím cuộn tròn để sẵn. 

Tôi đang tưởng tượng hình ảnh cụ bà 74 tuổi cứ sáng sáng lại cắp cái thảm yoga đến phòng tập thì bà Xuân như sực nhớ ra: “À, cô uống cà phê nghen”. Thấy tôi lắc đầu ái ngại, bà ra vẻ tự hào: “Sợ gì hông uống? Hổm rày mỗi ngày, Mai Xuân uống bốn gói. Nay đi khám bác sĩ la quá nên giảm xuống, uống ba gói thôi”. 

Bà vừa nói xong là bật cười sảng khoái. Tôi cố làm ra vẻ “lành mạnh”: “Ba gói vẫn còn nhiều lắm…”. Bà chợt huơ huơ hai bàn tay, hát: “Em ơi có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời!”.

Sáu mươi năm cuộc đời qua điệu bộ vui nhộn lạ lùng của cụ bà 74 tuổi làm tôi bật cười. Căn phòng rộn rã hẳn lên. Lúc này, tôi mới nhận thấy sức sống trong chính căn phòng này, nơi người đàn bà ngoài bảy mươi tuổi vẫn sống từng phút trong sự “giàu có” của mình. 

Đang kể về những trải nghiệm đáng nhớ ở Thị Nghè, bà chợt nói giọng xuề xòa: “Mai Xuân mới bị trung tâm phạt đó, phạt tội… làm ảnh hưởng môi trường sống”.

“Tội làm ảnh hưởng môi trường sống” của bà cụ thể là… đã cho chó mèo hoang ăn cơm, khiến “bọn trẻ” cứ tới giờ lại kéo đến khu trung tâm, gây phiền toái cho những cụ không thích chó mèo khác. 

Không thể làm trái quy định của trung tâm, bà lại quay sang “giúp đỡ” lũ thằn lằn trong phòng riêng của mình. Mỗi bữa cơm, bà lại nhón một phần nhỏ, lấy thêm vài miếng trái cây, bỏ vào một cái nắp nhựa, để bên khung cửa sổ.

Mỗi ngày một món, bà cứ để sẵn ở đó và quan sát để đến lúc này có thể thích thú kể: “Thằn lằn là cái bọn mê ăn chuối. Bữa nào có chuối là tụi nó khoái lắm!”. 

Lúc này, cuộc sống ở viện dưỡng lão đã hiện lên sinh động, kỳ thú chẳng kém một cuộc phiêu lưu của trẻ nhỏ.

Tôi chợt thuận miệng, hỏi: “Bà có hay được người nhà vô thăm không?”. Bà lắc đầu, thật thà: “Không có, người thân giờ ở xa hoặc chết hết rồi, hổng vô thăm…”. 

Rắc rối này cũng bình thường, cho tới khi tôi nghe bà ấm ức: “Nghĩ cũng buồn, đọc báo thấy người ta đi đường còn dừng lại cho bồ câu ăn mà mình ngồi đây phải nhìn “tụi nhỏ” bị đói, cứ thấy mình vô dụng”. 

Tôi chợt thuận miệng, hỏi: “Bà có hay được người nhà vô thăm không?”. Bà lắc đầu, giọng kể hào hứng ban nãy giờ nhẹ tênh cảm xúc, chỉ nghe ra một câu nói thật thà: “Không có, người thân giờ ở xa hoặc chết hết rồi, hổng vô thăm…”. Rồi bà nói tiếp như sợ câu chuyện dừng lại ở đó. Rằng cứ mỗi ba tháng một lần, khi rời Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà lại đi bộ sang chợ Vườn Chuối để cắt tóc, rồi lang thang trong khu Bàn Cờ để… thăm lại xóm cũ. 

Rồi bà vòng ra phía trước Bệnh viện Bình Dân. “Chỗ Bệnh viện Bình Dân, hồi Mai Xuân còn có nhà ở đó thì nó là một cái sân banh. Mai Xuân nhỏ xíu, chạy chơi ở trỏng hoài, rồi sau này người ta mới làm bệnh viện”. 

Vậy là những lần “đi bộ xuống Báo Phụ Nữ” như cũng vô tình kết nối người đàn bà tuổi xế chiều với những ngày ấm cúng xa xăm của tuổi nhỏ. 

Bà kể câu chuyện đó như để bù lại cho tôi cái lắc đầu trước đó về chuyện thăm nom của người thân thích. Còn tôi thì lặng lẽ học lấy những lý lẽ về sự thiếu - đủ, giàu - khó, bất hạnh - hạnh phúc ở đời... 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI