Con ngựa sắt vẫn muốn chạy tiếp!

25/02/2019 - 06:27

PNO - Chuyến công du tàu hỏa lịch sử lần này, không chỉ là xác lập mối quan hệ ngoại giao trên nền tảng ý thức hệ, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội còn mang thông điệp phát triển kinh tế, hội nhập của ông Kim Jong Un.

Nằm ở điểm cực Bắc của Hàn Quốc, ngay khu biên giới liên Triều, tuyến đường sắt thuộc nhà ga Baegmagoji đột ngột đứt đoạn, một tấm biển được dựng lên với dòng chữ “con ngựa sắt vẫn muốn chạy tiếp”.

Con ngua sat van muon chay tiep!
Ảnh: internet

Chưa nói đến hình ảnh “ngoại giao tàu hỏa” mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un kế thừa một cách xuất sắc từ ông và cha mình thì ít nhất, đó cũng là một biểu hiện của khát vọng nối lại hòa bình cho hai miền bán đảo Triều Tiên, sau gần 70 năm cuộc chiến liên Triều (1950-1953).

Chính xác là 68 năm, tính đến thời điểm này, những cuộc chia ly không có ngày đoàn tụ, cho đến những lần dọa dẫm, căng thẳng, xung đột; chuyện của một dân tộc - hai quốc gia trở thành điểm nóng khu vực, kéo theo những bất đồng, phân hóa quan điểm trên bàn cờ chính trị quốc tế. Và dĩ nhiên, đó không còn là lựa chọn hay quyết định của người-trong-cuộc, nó xoay chiều theo trục thế giới mà con vụ luôn nằm trong tay các ông lớn đứng đầu.

Việt Nam - điểm đến của Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên 2019, đã từng chung số phận chia cắt hai miền Nam - Bắc nhưng kết cuộc, nằm ngoài toan tính của các nước lớn, ý thức độc lập dân tộc đã làm nên ngày thống nhất đất nước. Sau 80 giờ lăn bánh, đoàn tàu Thống Nhất khởi hành từ ga Hà Nội sáng 31/12/1976 đã vào đến ga Sài Gòn sáng 4/1/1977.

42 năm cho ngày “con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui” hay gần 70 năm cho những đường ray còn nằm đó chờ đợi chuyến tàu đoàn tụ hai miền Triều Tiên, khát vọng nối liền sông núi, hòa bình dân tộc vẫn là hiện thực ở nơi này, cứ dang dở ở nơi kia.

Và trong chuyến công du tàu hỏa lịch sử lần này, không chỉ là xác lập - phát triển mối quan hệ ngoại giao trên nền tảng ý thức hệ như cách đây 61 năm (Chủ tịch Kim Nhật Thành - ông của Chủ tịch Kim Jong Un - đã đến Việt Nam năm 1958), Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội còn truyền đi thông điệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong chiến lược Byungjin mà ông đã xây dựng năm 2013, tức hai năm sau khi lên nắm quyền, trong đó xác quyết phát triển song song hai lĩnh vực vũ khí hạt nhân và kinh tế.

Con ngua sat van muon chay tiep!
Ảnh: internet

Việt Nam trong cuộc chiến với đế quốc hay đứng trước những mưu đồ “chia để trị” của các thế lực ngoại bang, bành trướng lại chính là chứng nhân của khát vọng hòa bình, sức sống độc lập, ý chí thống nhất. Việt Nam - trong thời hậu chiến và hội nhập - cũng là lựa chọn về con đường phát triển kinh tế, ổn định chính trị, công bằng xã hội, dân chủ nhân dân.

Những “tham số” ấy, phải chăng là quy chiếu cho sự chọn lựa tin cậy của hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ - Triều Tiên, trong đó, đặc biệt là phép tham chiếu cho nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un.

“Thúc đẩy xây dựng kinh tế và nâng cao mức sống cho nhân dân” mà Byungjin hướng tới không nằm ngoài mục tiêu đảm bảo ổn định chính trị, từng bước chuyển đổi gánh nặng kinh tế tập trung sang phát triển kinh tế thị trường, kiểm soát những rủi ro, tác động xã hội phức tạp; và dĩ nhiên “đẩy mạnh khả năng quốc phòng mà không gia tăng ngân sách quốc phòng”.

Tháng 4 năm 2018, khi đến Bình Nhưỡng với tư cách là Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), ông Mike Pompeo - là ngoại trưởng đương nhiệm của Hoa Kỳ - đã lắng nghe lời bộc bạch của Chủ tịch Kim Jong Un rằng, trên cương vị là người cha, ông không muốn con cái mình sẽ sống suốt đời với hạt nhân.

Nhưng trên cương vị là một lãnh tụ, lại là lãnh tụ của Triều Tiên thì một đồng thuận về từ bỏ hoàn toàn sức mạnh vũ khí hạt nhân là điều không thể xảy ra với ông Kim Jong Un. Một vài thỏa thuận để đáp ứng những bước đi đầu tiên của lộ trình giải giáp của phía Triều Tiên là có thể, đổi lại, Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm vận, tuyên bố chấm dứt chiến tranh liên Triều, giảm bớt lực lượng liên quân Mỹ - Hàn…

Trong khi đó, mặc dù luôn tỏ ra mềm dẻo, thậm chí có phần “nhượng bộ” Người tên lửa (biệt danh mà ông Trump đặt cho ông Kim Jong Un), Tổng thống Trump vẫn cho thấy sự kiên trì đến cùng là “Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn thì trừng phạt mới được tháo dỡ”.

“Con ngựa sắt vẫn muốn chạy tiếp” để thôi không còn những chia cắt, đợi chờ. Nhưng không ít ngờ vực vẫn còn, nhiều toan tính, sắp đặt chực chờ, hiện diện; liệu con người có bẻ ghi theo chí hướng, đích đến thật sự của mình hay cuối cùng vẫn chỉ mỗi đơn độc cái sân ga…

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI