Có thể Việt Nam không còn được vay theo điều kiện ODA: Bài toán khó

02/11/2016 - 11:08

PNO - ''Việt Nam sẽ không còn được vay vốn ODA với nhiều ưu đãi nữa. Thay vào đó, chắc chắn Việt Nam sẽ phải vay vốn ODA với mức lãi cao hơn, các điều kiện vay sẽ khắt khe hơn, khả năng vay sẽ khó khăn hơn''.

Mới đây, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình.

Chính vì thế, trong thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ không còn nằm trong nhóm những nước nhận được các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB).

Việc này đã đặt ra vấn đề rằng, Việt Nam sẽ phải cam kết trả nợ nhanh, cụ thể phải tăng gấp đôi tốc độ trả nợ gốc.

Co the Viet Nam khong con duoc vay theo dieu kien ODA: Bai toan kho
Có thể Việt Nam không còn được vay theo điều kiện ODA

Muôn vàn khó khăn

Trước vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, thông tin trên không sai, Việt Nam không còn nằm trong danh sách những nước nghèo nữa mà đã trở thành nước có thu nhập trung bình.

''Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ không còn được vay vốn ODA với nhiều ưu đãi nữa. Thay vào đó, chắc chắn Việt Nam sẽ phải vay vốn ODA với mức lãi cao hơn, các điều kiện vay sẽ khắt khe hơn, khả năng vay sẽ khó khăn hơn.

Thực tế đó buộc chúng ta phải đặt ra bài toán nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, vốn phải được sử dụng có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục đích. Tôi muốn nói là, việc đầu tư phải có lựa chọn, có chọn lọc, dự án được đầu tư phải góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, tạo giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế.

Nhưng, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta sẽ đóng cửa không vay nữa. Chúng ta vẫn phải đi vay, vẫn phải trả nợ. Thực tế, chuyện vay mới trả nợ cũ là chuyện bình thường ở bất kỳ một quốc gia nào. Họ vay để cho đầu tư phát triển và vay để phục vụ các yêu cầu cấp bách của Quốc gia như cải thiện cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các vùng kinh tế phát triển.'' ông Hải Lưu ý

Theo ông Hải, trong điều kiện của Việt Nam, khi nền kinh tế còn khó khăn, điều kiện vay vốn bị siết lại trong khi áp lực trả nợ đang tăng lên thì kế hoạch vay nợ và trả nợ đòi hỏi phải có sự tính toán, thiết kế rất kỹ lưỡng. Cùng với đó, cũng cần xây dựng kế hoạch sử dụng vốn sao cho hiệu quả nhất.

Trả lời về việc Việt Nam sẽ phải đối diện với những khó khăn gì trong việc trả nợ, đặc biệt, khi báo cáo mới đây của Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận định, ''hiệu quả sử dụng vốn thấp, không thu hồi được để trả nợ'', ông Nguyễn Đức Hải cho rằng:

''Đúng là sẽ có khó khăn. Chính vì nhận thức rất rõ những khó khăn, thách thức nên yêu cầu về vay và trả nợ mới được đặt ra một cách cấp thiết hơn.

Nhất là ở những dự án lớn, đòi hỏi về vốn vay phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn, dự án nào cần mới vay, dự án nào đầu tư phải thúc đẩy được phát triển mới vay. Bây giờ chúng ta không thể cứ đi vay tràn lan, vay bằng mọi giá được nữa.

Ngoài nguồn vốn ODA chúng ta cũng phải khuyến khích mở rộng huy động nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó phải tận dụng, khai thác nguồn lực lực từ xã hội.

Tóm lại, dù là vay từ nguồn nào chúng ta cũng phải trả nợ, trả cả nợ gốc lẫn nợ lãi, vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải sử dụng nguồn vốn vay cho hiệu quả nhất. Bao gồm cả trong vấn đề quản lý, sử dụng vốn lẫn cả trong hiệu quả khai thác công trình.

Nhất là về nguồn vốn ODA, vì là nguồn vốn vay từ nước ngoài nên áp lực trả nợ sẽ lớn hơn. Nếu vay vốn nước ngoài, trả lãi cao mà sử dụng không hiệu quả, đầu tư vào những dự án không phù hợp nguồn vốn sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế và toàn xã hội.''

Nhiều bất cập

Ông Hải cho biết thêm, công tác quản lý, sử dụng vốn nước ngoài còn nhiều bất cập. Việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) điều chỉnh kế hoạch vốn, một lần nữa khẳng định những tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng dự toán, đề xuất danh mục, phân bổ, sử dụng nguồn vốn nước ngoài.

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nhiều công trình, dự án đang cần được bổ sung vốn để sớm hoàn thiện thì tình trạng trên là biểu hiện lãng phí, kém hiệu quả trong sử dụng vốn vay nước ngoài.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm để việc lập dự toán, phân bổ vốn phải đảm bảo tính hợp lý và được xây dựng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các điều kiện luật định.

Hiện tại, ngân sách Nhà nước đang phải bố trí khoảng 1 tỷ USD mỗi năm để trả nợ nước ngoài. Nhưng nếu phải trả nợ nhanh thì phải trả 2 tỷ đô mỗi năm, tức khoảng 4.5% NSNN, chiếm khoảng 18% tổng trả nợ hàng năm của chính phủ. Việc tăng 100% từ 1 tỷ USD đến 2 tỷ USD thì việc thu xếp số tiền này với điều kiện ngân sách hiện nay sẽ gặp phải những khó khăn nhất định.

Trước về vấn đề này, ông Hải thông tin rằng, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng đã có kiến nghị tới Chính Phủ. Cụ thể, Ủy ban Tài chính Ngân sách yêu cầu Chính phủ phải xây dựng lộ trình trả nợ mang tính dài hơi hơn. Tức là, phải xây dựng cả kế hoạch trả nợ sau năm 2020, chứ không phải chỉ tới năm 2020 nữa.

Hiện nay, các vấn đề Ủy ban Tài chính kiến nghị cũng đã được thể hiện khá rõ ràng trong kế hoạch vay và trả nợ của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tất nhiên, tôi vẫn phải thừa nhận, để cân đối được ngân sách trả nợ trong bối cảnh này là điều vô cùng khó khăn.

Căn cứ theo thông lệ quốc tế, nhiều nước vẫn thực hiện vay mới trả nợ cũ đặc biệt là các nước có thị trường vốn phát triển như Mỹ, Nhật Bản. Liệu Việt Nam có nên thực hiện việc này hay không, theo ông Nguyễn Đức Hải:

''Các khoản vay với các đối tác lớn đều có những quy định và phụ thuộc vào mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Vì vậy, việc vay mới trả nợ cũ sẽ có lộ trình dưới sự tham mưu của Bộ KHĐT và Bộ Tài chính. Hai đơn vị này có trách nhiệm tính toán cụ thể.

Tôi lưu ý, dù là kế hoạch vay hay trả thế nào cũng phải dựa dựa trên sự tích lũy của chính nền kinh tế trong nước. Chỉ khi nền kinh tế có hiệu quả thì nguồn vốn đi vay mới có hiệu quả.''

Hà Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI