Có nỗi nhớ phong ba, bàng vuông và biển...

20/05/2019 - 08:25

PNO - Ngay khi đặt chân lên đảo Song Tử Tây sau hai ngày đêm lênh đênh trên biển, tôi đã đi tìm cây phong ba.

Nhìn ngắm loài cây có hoa màu trắng, kết thành chùm ở đầu cành chỉ Trường Sa mới có, tự dưng thấy lòng rưng rưng. Loài cây này, cũng như những hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc đã cùng nhau trải qua bao miên trường bão táp…

Co noi nho phong ba, bang vuong va bien...

Lộng lẫy những đêm trăng và hoàng hôn

Đêm đầu tiên của cuộc hải trình đúng dịp trăng rằm. Buổi tối, chúng tôi lên boong tàu ngồi ngắm trăng. Trăng trên biển thật lung linh huyền ảo. Trăng dịu dàng bàng bạc khiến tôi quên mất cảm giác mình đang ngồi trên con tàu vượt Biển Đông mênh mông. Khoảnh khắc ấy, mọi thứ trong lòng trở nên ngọt ngào, thân thuộc. Trăng trên biển hay trăng quê nhà, đêm khơi xa hay đêm trong thành phố đều cũng thuộc về đất nước mình. Đẹp một cách hiền hòa, thiết tha.

Co noi nho phong ba, bang vuong va bien...
Hoa phong ba trên đảo Song Tử Tây.

Những đêm sau, tôi đều nhìn lên bầu trời tìm kiếm trăng muộn. Phía trước là biển cả, trên cao là bầu trời trăng sao lấp lánh, xung quanh là những người bạn đồng hành, bên cạnh là tiếng hát: “Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/ Ngàn bão tố phong ba ta vượt qua vượt qua…”. Đó thật sự là khoảnh khắc khó quên.

Con tàu cứ lao đi giữa biển khơi, nếu không nhờ những đêm trăng sao, tôi cũng không thể nào định hướng được. Ngày còn bé, chị em tôi vẫn hay nằm trên đống rơm ngoài đồng tìm những chòm sao Song Ngư, Hùng Tinh, Bắc Đẩu… Đếm mãi vẫn không hết những vì sao trên trời.

Đêm ngồi với biển, lại thấy mình được trở về cảm giác ngày xưa. Lại còn được biết thêm kiến thức hàng hải, rằng nhìn ngôi sao nào sẽ biết được thủy triều, ngôi sao nào gần hay xa trái đất, quỹ đạo của chúng trong dải ngân hà ra sao... Bầu trời đêm chứa đựng biết bao điều kỳ diệu mà người thì có mấy khi được dịp ngồi ngắm nhìn trọn vẹn, để mà hiểu, mà yêu, mà thấy rằng mọi thứ trong vũ trụ này đều có riêng những quy luật kết nối.

Co noi nho phong ba, bang vuong va bien...
Lá tra

Những buổi sáng, chúng tôi lại lang thang trên boong tàu chờ… cá heo. Không phải ai cũng may mắn nhìn thấy. Tôi chờ mãi, cuối cùng khi tàu đến gần đảo đã reo lên vỡ òa khi nhìn thấy dưới dòng nước xanh có đàn cá heo dẫn đường. Có người nói khi thấy cá heo xuất hiện lần đầu tiên là biển động, chúng xuất hiện thêm lần nữa là biển sẽ yên.

Tôi đã được nhìn thấy cả hai lần này. Quả đúng như vậy, đã có lúc những chiếc xuồng nhỏ vào đảo phải nương theo sóng mà đi. Sóng lớn đến mức “đánh” chúng tôi ngả nghiêng và đồ đạc không giữ cẩn thận có thể rơi xuống nước. Biển cả luôn đầy thách đố và những bất ngờ.

Chúng tôi đi biển tháng Tư - mùa lặng sóng nhất trong năm, nhưng cũng có lúc phải ngất ngư chao lắc khi biển động. “Biển cuối năm đáng sợ hơn rất nhiều. Đến cả anh em đi tàu đã quen mà còn say sóng không chịu nổi. Một người ăn cơm phải hai, ba người khác giữ bát đũa. Sóng đánh cao đến mức nhìn phía trước chỉ thấy một màu trắng xóa” - một thủy thủ cho biết. Biển tháng Tư của tôi lộng lẫy những hoàng hôn và đêm trăng nhưng biển cũng là nỗi sợ hãi của bao người khi nổi phong ba, cuồng nộ. 

Co noi nho phong ba, bang vuong va bien...
Dưới tán bàn vuông.

Chạm tay vào biển

Nhìn màu nước biển xanh ngăn ngắt, tôi nói phải mang nước biển Trường Sa về nhà mới được. Bạn đồng hành cười: “Nước biển xanh là nhờ bầu trời, mình mang về thì không thể có màu xanh như vậy được đâu”. Nước nào cũng là nước nhưng quý giá vì đó là “nước biển Trường Sa”. Cũng có người hễ đến một điểm đảo lại lấy một ít cát bỏ vào lọ, ngày trở về trong lọ có đủ 10 vốc cát của điểm đảo nổi, đảo chìm mà đoàn được dịp ghé thăm.

Ai ra Trường Sa cũng muốn mang về chút gì đó làm kỷ niệm. Ngày tôi chuẩn bị lên đường công tác, bạn bè dặn nhớ mang quà Trường Sa về, san hô cũng được, đá trắng cũng được nhưng tôi không dám nhặt. Đá là để bảo vệ đảo, san hô là để đắp nên bãi bồi.

Co noi nho phong ba, bang vuong va bien...
Hạc giấy thả về biển khơi.

Quà Trường Sa mà các chiến sĩ gửi tặng cho đoàn công tác quý giá nhất là cây bàng vuông, quả bàng vuông hoặc những con ốc biển. Có người lính lãng mạn đã làm một chậu cây bằng hoa… ốc biển. Nhìn rất đẹp. Còn tôi mang về một chiếc lá bàng vuông đã rụng. Lá to, rõ những đường vân và xanh rất lâu. Mang ra hong nắng chờ lá vàng, rồi chép lên đó những câu thơ mà thầy giáo Nguyễn Hữu Phú đã sáng tác tặng trẻ em ở đảo: “Quê em ở xã đảo/ Song Tử Tây hiền hòa/ Giữa bốn mùa sóng gió/ Cây bàng vuông vươn xanh...”. Kỷ vật ấy với tôi quý giá lắm.

Năm tháng rồi sẽ trôi, cuộc hải trình và những kỷ niệm với biển đến một lúc nào đó trở thành xa xôi trong quá vãng, thì những gì còn lại vẫn là từ ký ức lưu giữ, trong thao thức của mỗi người. 

Co noi nho phong ba, bang vuong va bien...
Phút nghỉ ngơi của các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây.

Ở đảo Song Tử Tây, tôi nhớ những cây phong ba rợp bóng. Thu vào tầm mắt biển biếc từ hải đăng đảo Sơn Ca. Ngắm nhìn dải hoa muống biển trên bãi bồi đảo Sinh Tồn, cái giếng nước đã có từ buổi đầu chiến sĩ hải quân đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn. Có lúc giữa tiếng hát xôn xao của đội văn nghệ, tôi lại hướng ống kính lên những tán bàng vuông xanh nõn. Phía trên cao ấy còn có màu của lá cờ đỏ sao vàng phấp phới. Nhìn ngắm và khắc ghi.

Nhớ cả màu xanh ngọc bích của những bãi cạn trên đảo chìm Đá Nam, Cô Lin, Tiên Nữ… Mỗi hòn đảo là một cột mốc chủ quyền lãnh hải. Mỗi bước chân tôi đặt lên vùng biển đảo của Tổ quốc là một niềm tự hào thiêng liêng. Biển Việt nơi nào cũng đẹp, bao dung sâu thẳm.

Co noi nho phong ba, bang vuong va bien...
Chùa Sơn Linh bình yên trên đảo Sơn Ca.

… Buổi sáng cuối cùng của cuộc hải trình, tôi thức giấc và lên boong tàu, đã nhìn thấy trước mắt là cây rừng, là bến bờ phía Cần Giờ. Điện thoại có sóng và kết nối được internet. Biết rằng thành phố rất gần còn biển cả đã lùi lại rất xa rồi. Tự dưng lại nhớ da diết những đêm trăng của ngày đầu trên biển.

Nhớ từng gương mặt thân quen trên tàu KN290, cả những hoàng hôn tôi đứng ở boong tàu say mê chụp ảnh mặt trời lặn. Đi một cuộc hải trình dài gần 1.300 hải lý mới thấm thía những câu thơ của năm tháng bé xưa đã không thể nào hiểu hết: “… Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa/ Sẽ có cây có cửa có nhà/ Vẫn là đất nước của ta...” (Những cánh buồm - Hoàng Trung Thông). “Đất nước của ta” ở ngoài khơi xa ấy thật đẹp, thật kiên cường. Tôi vẫn ước, giá như mình được thêm một lần trở lại…

Co noi nho phong ba, bang vuong va bien...
Những chú chó ngoài đảo xa. 

Những chú chó ngoài đảo xa

Ở đảo Sơn Ca, Sinh Tồn hay Đá Nam, Đá Thị, Tiên Nữ… tôi đều thấy những chú chó của biển. Nhìn cứ tưởng chúng đều đã già nhưng các chiến sĩ bảo không phải đâu, tuổi đời của chúng vẫn còn trẻ nhưng sóng gió biển cả đã làm cho chúng phong trần rắn rỏi. Tôi bật cười mà thấy thương thương.

Ở nơi chỉ có sóng, gió và nắng, những chú chó vẫn lớn lên, khỏe mạnh, trở thành bạn của những người lính biển. Có lúc chiến sĩ đi gác chúng cũng theo cùng. Ở đảo Đá Thị, khi thủy triều xuống, chúng còn theo các anh ra bãi cạn bắt ốc nhảy. 

Hôm chúng tôi đến đảo Tiên Nữ, có nghe kể một chú chó tốt giống ở đây vừa được gửi sang đảo Sinh Tồn. Còn ở đảo Sơn Ca, một đàn chó con vừa mới ra đời. Những hành trình tiếp nối để sự sống sinh sôi, phát triển nơi đảo xa.

Chợt nhớ “nàng Antaramena” - nhân vật chú heo con trong tác phẩm Đảo chìm của nhà văn Trần Đăng Khoa - viết từ cảm hứng về một chú chó trên đảo Thuyền Chài. Những chú chó mang đến niềm vui và trở thành nguồn cảm hứng nhiều yêu thương trong những câu chuyện kể. Trở về đất liền, tôi vẫn nhớ hoài những giờ phút thong dong được ngồi ngắm biển cùng bầy chó trìu mến quẩn quanh cạnh bên…

Bùi Tiểu Quyên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI