Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề xuất 'trả lại tên' cho trạm thu phí

04/06/2018 - 09:31

PNO - Trước cam kết của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc tìm phương án thay đổi tên gọi "trạm thu phí", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, không cần phải thay đổi mà chỉ cần trả về tên cũ là được.

Sáng nay, 4/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Nằm trong nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng có giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).

"Cái tên cũ đúng thì cứ lấy lại thôi”

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) hỏi về giải pháp căn cơ để hoàn thiện thể chế BOT, giám sát thực hiện dự án để tránh sai phạm, hài hòa lợi ích; tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp tàu thủy; tiến độ nâng cấp quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định.

Về quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định hư hỏng nặng, chưa nâng cấp, Bộ trưởng cho biết việc đường xuống cấp là do ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai, xe quá tải,... Bộ đã chỉ đạo duy tu, sửa chữa nâng cấp mặt đường, tuy nhiên do kinh phí duy tu chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, nên việc cải tạo, nâng cấp mặt đường còn hạn chế. Bộ đang tiến hành rà soát, nghiên cứu để có giải pháp xử lý triệt để.

Đại biểu Hoàng Quan Hàm chất vấn, về các dự án BOT, Bộ trưởng có nói xử lý dựa trên lợi ích của người dân. Bức xúc của người dân ở đây là 17 dự án nằm sai vị trí, 3 dự án không đi vẫn phải trả tiền, 6 dự án làm cao tốc và đường tránh thì đặt trạm cả trên cao tốc lẫn đường tránh.

“Trong báo cáo của Bộ trưởng và giải pháp chỉ thấy toát lên dân chịu thì thu, không chịu thì dừng, giảm giá… Như vậy đã vì lợi ích của dân chưa, khi mà không đi cũng phải trả tiền?”, đại biểu Hàm chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời "3 dự án mà chúng tôi báo cáo nằm ngoài phạm vi dự án thì một số dự án do lịch sử để lại, làm lâu rồi, khi chuyển về Bộ thì chúng tôi tiếp nhận.

Ví dụ trạm Thăng Long – Bắc Nội Bài thì Chính phủ có chỉ đạo tiếp tục thu phí. Có dự án trước đây chúng ta lập thì khi đưa vào dự án, có sự tham gia của chính quyền địa phương. Nếu bây giờ phải di dời thì phải tham mưu Chính phủ, Quốc hội và cần phải có số vốn lớn để thực hiện".

Vấn đề BOT tiếp tục làm nóng phiên chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Trả lời câu hỏi của ĐB Trương Trọng Nghĩa về nghi vấn có doanh nghiệp “sân sau” chuyên trúng thầu các dự án BOT, làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch… Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định không có vấn đề này.

Chu tich Quoc hoi Nguyen Thi Kim Ngan de xuat 'tra lai ten' cho tram thu phi
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chất vấn

Theo đó, vừa qua Bộ GTVT tổ chức đấu thầu BOT, không dự án nào không thông báo đấu thầu theo quy định trong thời gian 1 tháng. Đây là khoảng thời gian để các nhà đầu tư sẽ quan tâm nghiên cứu thông tin. Trong thời gian qua, nhiều dự án BOT được triển khai, nhiều nhà đầu tư chưa hoàn thiện được thủ tục nên ít nhà đầu tư quan tâm. Một số dự án, Bộ GTVT đã kéo dài thời gian thông báo với mong muốn có thêm nhà đầu tư nhưng không có. Căn cứ vào Luật cho phép Bộ chỉ định nhà thầu nếu chỉ có 1 nhà thầu tham gia.

"Theo Luật chúng tôi phải chỉ định theo quy định", Bộ trưởng Thể khẳng định và theo lời ông đây là phương án án bắt buộc vì không có 2 nhà đầu tư trở lên.

“Việc đấu thầu có hình thức không? Luật của chúng ta rất chặt chẽ, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát. Khi phát hiện hiện tượng “thông thầu”, vi phạm luật thì căn cứ vào Luật để xử lý”, Bộ trưởng Thể trả lời.

Liên quan đến ý kiến đại biểu về việc thực hiện dự án BOT kéo dài gây lãng phí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận “thực tế là có”.

Bộ trưởng lý giải, thực tế có một số nhà thầu trúng nhiều dự án, rải rác nhiều địa phương và phối hợp chưa chặt chẽ với địa phương để thực hiện. Từ đó dẫn tới yếu kém năng lực hành chính, một số trường hợp tiến hành chậm gây lãng phí.

Đây cũng là vấn đề Bộ GTVT bức xúc và phải tiến hành họp từng tháng, từng tuần để thúc đẩy các dự án này.

Về giải pháp lâu dài với BOT, Bộ GTVT cho biết sẽ thực hiện quyết toán và phê duyệt đúng quy định pháp luật. Bộ GTVT đề nghị Bộ xây dựng (XD) tham gia thẩm tra dự toán của Bộ GTVT. Đáng lẽ, Bộ GTVT làm luôn nhưng do đây là vấn đề được dư luận quan tâm nên đưa qua Bộ XD để giảm sát chặt chẽ.

Đại biểu Lý Tuyết Hạnh tranh luận lại câu trả lời của Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể về vấn đề hư hỏng quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Bình Định: “Tôi đồng ý với Bộ trưởng rằng có tác động của thời tiết và môi trường. Tuy nhiên, tuyến quốc lộ là vĩnh cữu, nhưng đường quốc lộ được đầu tư ở Bình Định được khởi công năm 2014, hoàn thành 2015 nhưng đến 2016 thì hư toàn tuyến trong khi các tuyến khác như ở Quảng Ngãi vẫn tốt…”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị làm rõ sự chênh lệch số năm thu phí giao thông được dự toán được phê duyệt và kết quả kiểm toán đã công bố. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc thu phí BOT, các cơ sở nâng cấp quốc lộ 1 sắp tới được khắc phục như thế nào.

Chu tich Quoc hoi Nguyen Thi Kim Ngan de xuat 'tra lai ten' cho tram thu phi
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là vấn đề cả xã hội quan tâm. Theo luật và nghị định Chính phủ, giai đoạn qua đấu thầu BOT trên cơ sở dự án BOT được duyệt, trong đó có nhiều phần dự phòng: trượt giá, khối lượng, công tác giải phóng mặt bằng, những phần phát sinh chi phí… Vì vậy, có thể phát sinh chi phí và có giá trị lớn.

Bộ GTVT ký với các nhà thầu BOT theo dự án được duyệt, Bộ đã chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc. Kết quả tới thời điểm hiện tại đã kiểm tra 50/56 dự án. Để đảm bảo lợi ích của người dân, NN, DN, Bộ GTVT đã đàm phán và quyết định giá sau khi kiểm toán.

Do đó, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, việc kiểm toán Nhà nước phát hiện sự chênh lệch là điều hiển nhiên. Theo so sánh, số liệu kiểm toán và quyết toán của Bộ tương đồng nhau. Bộ trưởng khẳng định, sự phát hiện và triển khai của Kiểm toán Nhà nước là đúng, nhưng Bộ cũng đã thực hiện đúng.

Bộ trưởng cho biết, thời gian tới tiếp tục rà soát, sửa đổi để hoàn thiện các quy định liên quan đến BOT. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm của cán bộ, công chức trong ngành nếu phát hiện các sai phạm liên quan đến BOT....

Việc tái cơ cấu Vinashine chưa hiệu quả, Bộ đang tiến hành nhiều giải pháp để tiếp tục thực hiện. Còn đối với Vinaline, sau khi tái cơ cấu năm 2017 doanh nghiệp này đã có lãi trên 500 tỷ đồng, năm nay đặt kế hoạch lãi là 700 tỷ đồng, sắp tới sẽ thực hiện chào bán cổ phần ra công chúng,..

Đánh giá các tồn tại, bất cập của các dự án BOT, Bộ trưởng nêu, việc nâng cấp, cải tạo công trình hiện hữu là lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích đầu tư tại Nghị định số 108 năm 2009 của Chính phủ, phù hợp với quy định pháp luật, giải quyết được khó khăn về nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc đầu tư các dự án này hạn chế sự lựa chọn của người sử dụng.

Chu tich Quoc hoi Nguyen Thi Kim Ngan de xuat 'tra lai ten' cho tram thu phi
Bộ trưởng Bộ GTVT thừa nhận khuyết điểm trong việc đổi tên trạm thu phí thành "thu giá"

Ngoài ra, nhà nước chưa có giải pháp quản lý hiệu quả về doanh thu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ dẫn đến dư luận còn nghi ngờ về tính minh bạch trong việc quản lý doanh thu.

Theo Bộ trưởng, chính sách phí - nay là giá dịch vụ sử dụng đường bộ còn bất cập, còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Giá dịch vụ sử dụng đường bộ chưa đảm bảo công bằng cho các phương tiện khu vực xung quanh trạm và một số phương tiện sử dụng các tuyến đường ngang đi qua trạm, sử dụng quãng đường ngắn.

Một số trạm trước đây thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn ngân sách nhà nước được tận dụng lại để chuyển sang thu hoàn vốn cho các dự án BOT, vị trí nằm ngoài phạm vi dự án gây bức xúc cho người sử dụng...

Về giải pháp xử lý bất cập, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã tính toán lại thời gian thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, đa số các dự án giá đều giảm so với hợp đồng, một số dự án phải kéo dài thời gian thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ do lưu lượng thực tế thấp hơn so với dự báo.

Trước luồng dư luận phản đối việc Bộ GTVT đổi tên trạm thu phí thành “thu giá” trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã trực tiếp xin lỗi và  tiếp thu ý kiến các ý kiến đóng góp. Theo đó, Bộ GTVT sẽ cố gắng sớm nhất để thay đổi trạm thu phí thành cái tên phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, trước báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc đổi tên trạm thu phí thành thu giá thì không phải trình lại Chính phủ. “Tôi thấy cứ trả về tên cũ là được, trình Chính phủ lâu lắm. Cái tên cũ đúng thì cứ lấy lại thôi”.

Chu tich Quoc hoi Nguyen Thi Kim Ngan de xuat 'tra lai ten' cho tram thu phi
 

Đi vài trăm mét phải trả tiền cả tuyến vì… bất khả kháng?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phản ánh về tình trạng người dân đi qua tạm BOT T2, đoạn nối Kiên Giang - An Giang, chỉ đi vài trăm mét nhưng phải trả tiền cả tuyến.

Bộ trưởng Thể thừa nhận, đây là dự án có nhiều bất cập của người dân qua khu vực trạm, có thể đi gần cũng phải trả phí: “Việc thu phí hở như thế này có việc hơi bất cập”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, đây là “hình thức bất khả kháng” do hình thức thu phí “hở”, bởi trạm này đặt ở vị trí có nhiều đường cắt ngang và nhiều người dân sinh sống xung quanh”.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh: “Người dân không xin nhà nước và DN cho người dân được giảm. Vấn đề ở đây là có đi có trả và sự công bằng. Bộ GTVT giải quyết như thế nào về lâu về dài”.Để giải quyết, Bộ trưởng Thể cho biết đã miễn giảm cho trạm thu phí T2 rất lớn, toàn bộ người dân trong khu vực, TP Long Xuyên đã được miễn giảm như một dự án đặc biệt.

Trước câu hỏi chất vấn này, Bộ trưởng Thể cho biết sẽ tiếp tục làm việc với UBND các cấp của An Giang nhiều lần, sẽ rà soát kỹ lưỡng các phương án đề có giải pháp hợp lý.

Trong chương trình chất vấn tại Quốc hội, nhóm vấn đề thứ nhất là giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông BOT… sẽ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể chịu trách nhiệm tả lời chính.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ... cùng “chia lửa” về vấn đề này với Bộ trưởng Bộ GT-VT.

Nhóm vấn đề thứ hai do Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chịu trách nhiệm trả lời chính liên quan tới công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo, nhất là trong quản lý, sử dụng đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi giải phóng mặt bằng…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng có mặt trong danh sách ngồi “ghế nóng” lần này với các vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm là chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông, công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập, tình trạng xuống cấp về chuẩn mực đạo đức, lối sống trong ngành giáo dục.

Bộ trưởng thứ tư góp mặt trong danh sách chất vấn là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Bộ trưởng sẽ trả lời những nhóm vấn quan tâm là công tác quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị, nhất là công tác cấp phép xây dựng các chung cư cao tầng tại các khu trung tâm của các thành phố lớn.

Nhóm vấn đề về tình trạng thị trường lao động, công tác quản lý xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm sau đào tạo, tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục đối với trẻ em; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em… sẽ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI