Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Phải bịt kín những 'kẽ hở' để chống tham nhũng

22/01/2019 - 17:39

PNO - "Phải bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng". Cán bộ Ban nội chính phải "gác gôn" cho Đảng trên lĩnh vực này..", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính của Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, ngày 22/1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt.

Cụ thể, trong 5 năm, từ khi tái lập đến nay, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu với Ban Chỉ đạo đưa 301 vụ án, 361 vụ việc về tham nhũng, kinh tế vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Từ đó, đưa ra xét xử sơ thẩm 47 vụ/634 bị cáo, tuyên phạt 10 bị cáo với 11 mức án tử hình; 20 bị cáo với 21 án tù chung thân; 8 bị cáo tù 30 năm; 18 bị cáo tù từ 20 đến 30 năm; 535 bị cáo tù từ 12 tháng đến dưới 20 năm. 

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như trong công tác tham mưu như chưa sâu, chưa đi đến cùng; tham mưu, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn "tham nhũng vặt" hiệu quả chưa cao...

Tong Bi thu, Chu tich nuoc Nguyen Phu Trong: Phai bit kin nhung 'ke ho' de chong tham nhung
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải bịt kín những "kẽ hở" để chống tham nhũng

Năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Ban Nội chính tập trung nghiên cứu, tham mưu cho các đơn vị để xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, thể chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng". Các cán bộ của Ban Nội chính phải "gác gôn" cho Đảng trên lĩnh vực này, không cho phép ai làm trái Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị Ban Nội chính tập trung tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy để phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT; quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh…

Đặc biệt, cần tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, trong đó “phải phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác chống tham nhũng

Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM  Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố có nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Do đó, thành phố đã thành lập tổ công tác do Chủ tịch thành phố làm tổ trưởng.

Tong Bi thu, Chu tich nuoc Nguyen Phu Trong: Phai bit kin nhung 'ke ho' de chong tham nhung
Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị

Điển hình như vụ chợ An Đông, tổ công tác đã phát hiện có phần lỗi của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, những cái sai, cái yếu kém này không nhận, hoặc nhận không đầy đủ, dẫn đến bà con không đồng tình.

Liên quan tới vụ Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, theo Thanh tra Chính phủ, các cơ quan quản lý cũng có những sai sót. “Bài học lớn đặt ra khi giải quyết vụ việc này là nếu có sai sót thì chúng ta phải nhận”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng kiến nghị sớm có kết luận còn lại của Thủ Thiêm. Bởi vừa qua mới chỉ công bố những vấn đề liên quan đến dân, còn vấn đề liên quan đến trách nhiệm chung chưa có.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, năm qua, hệ thống Đảng và chính quyền, mặt trân các cấp đã tiếp nhận hơn 3.400 tin báo có nguy cơ sai phạm trong cán bộ, công chức và sự việc xảy ra. Qua đó hơn 3.000 tin đã được xử lý.  

Minh Quang

 
TIN MỚI