Tổ chức đại học của Việt Nam đang 'bộ máy chồng bộ máy'

07/11/2018 - 06:39

PNO - Góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội lo rằng, sau khi tự chủ đại học, một số trường “top đầu” trong nước sẽ đề ra mức học phí cao khiến sinh viên nghèo khó bề theo học.

Trên có ban nào, dưới có phòng đó

Sáng 6/11, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhận định, mục tiêu xuyên suốt dự thảo luật này là tháo gỡ nút thắt về tự chủ đại học, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. 

ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (tỉnh Long An) nêu những bất cập trong tổ chức bộ máy của đại học. Sau hơn 20 năm áp dụng, mô hình đại học bao gồm các trường đại học thành viên (trường đại học trong đại học) đang cho thấy tình trạng “bộ máy chồng bộ máy”: “Trên đại học có ban chức năng nào thì dưới mỗi trường đại học thành viên cũng có phòng tương ứng. Điều này gây lãng phí nguồn lực và cản trở sự phát triển của đại học mà sau nhiều lần sửa đổi luật, vẫn chưa giải quyết được”.

To chuc dai hoc cua Viet Nam dang 'bo may chong bo may'
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh

ĐB này nhắc lại khuyến cáo của một tổ chức quốc tế rằng, mô hình đại học quốc gia, đại học vùng chỉ có ở Việt Nam, không có ở nơi nào khác trên thế giới”. Do đó, cần thống nhất bộ máy tổ chức để phát triển thành một đại học đa lĩnh vực, tận dụng được nguồn nhân lực. Theo ĐB này, nếu sắp xếp lại tổ chức thì mỗi năm, ít nhất sẽ tiết kiệm được khoảng 120 tỷ đồng cho mỗi đại học. 

ĐBQH Dương Minh Tuấn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lại đề cập tới vấn đề học phí để các trường tự chủ. Vừa qua, Việt Nam đã thí điểm cho một số trường được tự chủ về tài chính, trường đó nâng học phí dịch vụ lên, nhiều cử tri than phiền giá học phí quá cao. “Câu chuyện mình bàn ở đây là do trước đây mình sợ giá cao quá nên khống chế mức trần, bây giờ mình bung cho lên. Chính vì vậy, tôi đề nghị cần có lộ trình tự chủ” - ĐB Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, giá học phí của Việt Nam so với các trường quốc tế vẫn còn rẻ, nhưng điều kiện kinh tế của người dân chưa cao nên việc một số trường “đỉnh” có mức học phí cao sẽ khiến nhiều sinh viên nghèo khó có thể theo học. Ông đề xuất, dự thảo luật phải có quy định ràng buộc để các trường phải trích một tỷ lệ phần trăm cụ thể làm học bổng, hỗ trợ cho những người giỏi không đủ tiền đóng học phí. 

Ngành y bị gạt ra khỏi hệ thống đào tạo chung?

Tại buổi thảo luận, nhiều ĐBQH đã đề cập vấn đề đào tạo nhân lực ngành y trong dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). ĐBQH Lê Thị Yến (tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, khoản 1 điều 6 của dự thảo nêu: “Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học quy định tại luật này bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ”. Đối với ngành y, để trở thành bác sĩ hành nghề chuyên môn, sinh viên phải được đào tạo 6 năm trong trường và thêm ít nhất 2-3 năm đào tạo chuyên sâu.

“Những đối tượng này không thể hòa cùng với trình độ và văn bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ được, trong khi trình độ và văn bằng chuyên sâu lại chưa được quy định trong dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) lần này. Vậy, trình độ và văn bằng chuyên sâu sẽ được quy định ở luật nào?” - ĐB Lê Thị Yến đặt câu hỏi.

Đồng tình với ĐBQH Lê Thị Yến, ĐBQH Vũ Thị Nguyệt (tỉnh Hưng Yên) bày tỏ sự băn khoăn về việc dự thảo lần này bỏ mất trình độ và văn bằng chuyên sâu: “Tôi và rất nhiều cán bộ y tế trong ngành cảm thấy mình bị gạt ra khỏi hệ thống đào tạo chung, rất tâm tư khi không biết mình đang đứng ở đâu và được ai công nhận. Nếu dự luật lần này tiếp tục không quy định thì có thể phải 10 năm nữa những người như chúng tôi vẫn phải tiếp tục hành trình tìm lại chính mình do đã bị pháp luật bỏ quên”.

To chuc dai hoc cua Viet Nam dang 'bo may chong bo may'
Đại biểu Lê Thị Yến

ĐB này đề nghị, ngay trong dự thảo luật lần này, cần quy định rõ trong khoản 1, điều 6 trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ hoặc trình độ chuyên gia, để phù hợp với thực tiễn trong nước và thế giới.

Là một bác sĩ, ĐBQH Vũ Thị Nguyệt cũng cho rằng, dự thảo luật này giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chuẩn chương trình đào tạo là chưa thể hiện vai trò của các cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng chuẩn. Hay, với quy định tiêu chuẩn giảng viên đại học tối thiểu là thạc sĩ, tiến sĩ thì những người trong ngành y có bằng chuyên khoa I, chuyên khoa II hay nội trú, có trình độ chuyên môn và tay nghề rất giỏi đang tham gia giảng dạy thì sẽ được công nhận như thế nào? 

Kiểm soát chặt việc mở mã ngành 

Liên quan đến quy định mở mã ngành, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (tỉnh Ninh Thuận) nhấn mạnh sự cần thiết khi gắn đào tạo với nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. ĐB Hương nêu thực tế, hiện nay, chất lượng đào tạo của một số cơ sở giáo dục đào tạo đại học chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động; một lượng lớn sinh viên ra trường không có việc làm hoặc làm việc trái với ngành nghề được đào tạo. Ngoài ra, có cơ sở giáo dục đại học mở mã ngành đào tạo theo điều kiện sẵn có của nhà trường, chưa đủ năng lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện chất lượng đào tạo. Do đó, dự thảo luật cần khắc phục được tình trạng này.

Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) quy định về mở ngành đào tạo: “Trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định theo quy định tại luật này”. Nghĩa là, cơ sở giáo dục đại học nếu không đánh giá kiểm định hoặc kết quả đánh giá kiểm định không đạt yêu cầu thì không được tiếp tục tuyển sinh.

Huyền Anh

 
TIN MỚI