Bão lại nổi ở Biển Đông

17/07/2019 - 07:59

PNO - Trong khát vọng hòa bình của dân tộc này luôn chứa đựng sức mạnh tự vệ, sức sống chủ quyền, nơi từng tấc đất, mỗi đầu ngọn sóng.

Chiều 16/7, đợt áp thấp nhiệt đới từ vùng biển phía đông đảo Ludong (Philippines) đã mạnh lên và hình thành cơn bão có tên quốc tế Danas, tiến dần vào khu vực Biển Đông.

Cũng vào “buổi chiều có bão” này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chính thức nêu quan điểm về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, trong đó khẳng định: “Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982”.

Phát ngôn không nói rõ là “nước ngoài” nào nhưng quan điểm đối ngoại về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông là nhất quán, là bất biến.

“Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam” - lời của người phát ngôn Việt Nam, chiều 16/7.

Bao lai noi o Bien Dong

Phát ngôn ấy, là sức mạnh đại diện của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, là tuyên bố xác lập tư thế chủ quyền quốc gia trước thế giới, là cờ Tổ quốc được cắm trên từng hàng cọc nhọn Bạch Đằng, là tiếng Quốc ca vọng về từ biển cả.

Mà trong hoạt động ngoại giao cấp cao gần nhất, là cuộc thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 8-12/7 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, quan điểm ngoại giao ấy đã được người đứng đầu Quốc hội Việt Nam, cũng chính là đại diện cho ý chí của nhân dân Việt Nam bày tỏ rõ ràng với người đồng cấp Trung Quốc, Chủ tịch Nhân đại Lật Chiến Thư và trước Tổng bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Việt Nam mong muốn cùng Trung Quốc kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Đông. Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, kiên trì giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, có sự tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982…

Có hay không sự nhất quán trong tuyên bố ngoại giao Trung Quốc, thậm chí là lời hứa không quân sự hóa khu vực Trường Sa năm 2015 của Chủ tịch Tập Cận Bình với hoạt động quân sự của nước này ngày một gia tăng trên thực địa biển?

Thậm chí, ngày 2/6, tại Đối thoại Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa tái khẳng định rằng, Trung Quốc có quyền lắp đặt vũ khí trên các đảo nhân tạo để đối phó các mối đe dọa ở Biển Đông.

Từ ngày 29/6-3/7, Cục hải sự tỉnh Hải Nam tuyên bố quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận trên khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa. Đây cũng là thời điểm Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo diệt hạm trên Biển Đông, gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

 

Sẽ không có bất cứ sự hồi đáp đáng tin cậy nào khi từ thực địa ngư trường đến tuyên bố ngoại giao luôn chất chứa những úp ngửa, mâu thuẫn, xung đột. Và trong ý chí, nguyện vọng, hành động luôn lấy giá trị của hòa bình, hòa hiếu làm nền tảng, Việt Nam, với lịch sử mấy - ngàn - năm - thức - giấc, vẫn luôn hiểu và nhận rõ, đất nước mình sẽ không - bao - giờ - được - ngủ.

Một vạn lý Trường Sơn trên biển, cũng là dãy núi dọc dài miền biên địa, đằng sau biên cương, thềm lục địa là ẩn chứa bao con mắt lăm le, chực chờ. Trong khát vọng hòa bình của dân tộc này luôn chứa đựng sức mạnh tự vệ, sức sống chủ quyền, nơi từng tấc đất, mỗi đầu ngọn sóng.

Chúng ta không thể mang “niềm tin ngây thơ” - cách nói của bà Nguyễn Thị Bình, cách nay gần nửa thế kỷ, khi bà dẫn đầu đoàn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bước vào cuộc đàm phán tại Paris, trong một cuộc mít-tinh tại miền Bắc Thụy Điển, giữa cái lạnh mùa đông, một cụ già đã hỏi bà Bình rằng, các bạn Việt Nam có nghĩ sau khi các bạn đuổi Mỹ đi rồi, Trung Quốc đến, các bạn sẽ làm thế nào.

“Chúng tôi trong đoàn nhìn nhau: sao có thể có một câu hỏi lạ như vậy?... Bây giờ khi nghe tin Trung Quốc đánh Việt Nam, không biết bà cụ sẽ nghĩ gì?” (trích Hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình - nhà xuất bản Tri thức).

Còn chúng ta, hôm nay, một ngày bão nổi trên Biển Đông, chúng ta đang nghĩ gì, làm gì? 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI