Chính sách chưa thể hiện 'giáo dục là quốc sách'

30/05/2018 - 13:34

PNO - Cách đây hơn 10 năm, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm ra đời khiến lượng sinh viên đăng ký vào ngành sư phạm luôn nằm trong top đầu. Nhưng thời gian gần đây, điểm đầu vào của ngành sư phạm ngày càng giảm

Dự án Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung: Thay điều không thể thành điều... càng không thể

Mặc dù tăng lương cho giáo viên được nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất qua các kỳ họp, tuy nhiên, do không nhận được sự đồng thuận từ phía Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính nên nội dung này không được đưa vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (Dự án Luật Giáo dục sửa đổi), trình Quốc hội sáng 29/5. 

Bên cạnh thông tin “hụt hẫng” này, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự thất vọng khi các chính sách trong Dự án Luật Giáo dục sửa đổi chưa thể hiện được một cách tương xứng với vai trò “giáo dục là quốc sách”. Việc tạo chính sách tín dụng cho sinh viên sư phạm không đủ để trở thành yếu tố hấp dẫn thu hút nhân tài, trong khi điều quan trọng nhất là tạo ra được môi trường sư phạm tốt cho người giáo viên phát huy năng lực, có mức lương chi trả xứng đáng để đảm bảo được cuộc sống, chống lại tác động “nhiễu” của thị trường... 

Không chỉ nghi ngờ về tính khả thi của Dự án Luật sửa đổi khi đề xuất nâng chuẩn giáo viên tiểu học lên trình độ đại học, đại biểu Quốc hội còn thẳng thắn chỉ ra, quy định này chưa phản ánh đúng bản chất của vấn đề nâng cao chất lượng cho người đứng lớp

Trước đây, Nhà nước đã từng áp dụng chính sách miễn học phí để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Nhưng do kết quả không khả quan nên trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này dự định thay quy định “miễn học phí cho học sinh - sinh viên sư phạm” bằng cho “vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí”.

Chinh sach  chua the hien 'giao duc la quoc sach'
 

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên và thiếu niên của Quốc hội: 

Cho vay vốn tín dụng không còn sức hút

Cách đây hơn 10 năm, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm ra đời khiến lượng sinh viên đăng ký vào ngành sư phạm luôn nằm trong top đầu. Nhưng thời gian gần đây, cụ thể là trong năm 2017, điểm đầu vào của ngành sư phạm ngày càng giảm, thậm chí có trường cao đẳng sư phạm tuyển sinh viên chỉ có tổng 9 điểm cho cả 3 môn. Nói như vậy để thấy, chính sách miễn giảm học phí như trước, hay cho vay vốn tín dụng như trong dự thảo luật lần này không còn sức hút nữa.

Trong khi đó, các trường thuộc khối lực lượng vũ trang, an ninh năm 2017, các trường này có điểm tuyển sinh rất cao. Lý do có thể lý giải là sinh viên vào các trường này được miễn học phí và nuôi ăn học. Thứ hai, khi ra trường, sinh viên được phân công công tác, bố trí việc làm. Thứ ba, lực lượng này được hưởng mức thu nhập cao. Từ ba yếu tố đó đã tạo ra sức hút cho ngành lực lượng vũ trang. Đó là thực tiễn mà ngành giáo dục phải tham khảo để thu hút sinh viên giỏi vào trường sư phạm.

Bên cạnh đó, đối tượng của ngành giáo dục là con người, nếu thí điểm mà sai là không thể sửa được. Có thể, cả một thế hệ học sinh sẽ không được đào tạo bài bản về kiến thức hoặc thiếu những kỹ năng cần thiết. Thậm chí, phương pháp, tư duy của học sinh không được như mong muốn.

Chinh sach  chua the hien 'giao duc la quoc sach'
Đại biêu Quốc hội Phạm Tất Thắng

Với đặc thù như vậy, những thay đổi, thí điểm trong ngành hết sức quan trọng, cần thiết có điều khoản riêng quy định trong dự án luật lần này. Có một số chính sách, đổi mới của ngành giáo dục trong thời gian qua khiến dư luận băn khoăn, dường như nó “nhanh và nhiều”.

Các điều kiện cần thiết trước khi triển khai vào thực tế chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng. Điển hình như Đề án 750 tỷ - “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020”, vừa ban hành đã thu hồi… Nếu như chúng ta quy trách nhiệm từ đầu thì sẽ nâng cao được trách nhiệm của những người quyết định. 

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Vân (tỉnh Quảng Ngãi): 

Tiền lương giáo viên cần thay đổi

Từ trước tới nay, chúng ta vẫn chấp nhận với nhau “giáo dục là quốc sách”. Tuy nhiên, qua dự án luật lần này, theo tôi, những chính sách được xem là “quốc sách” chưa thể hiện một cách tương xứng, chưa đề cập một cách rõ nét. Cụ thể, đối với sinh viên sư phạm, trước đây được miễn học phí và nay đề xuất thay bằng chính sách tín dụng, nhưng chỉ dừng lại ở ưu đãi này thì chưa đủ.

Người ta dù rất mong muốn có điều kiện học tập tốt nhưng điều quan tâm hơn là khi về công tác, điều kiện ở đó như thế nào? Tiền lương ra sao? Đó mới là thực tế nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên giỏi hướng tới. 

Việc tăng thu nhập là điều mà đội ngũ giáo viên rất mong chờ. Đặc biệt với lực lượng giáo viên mầm non, tôi nghĩ cả xã hội đều hy vọng họ có chính sách tiền lương tương ứng với nhiệm vụ của họ trên thực tế. Việc tăng thu nhập cho giáo viên dĩ nhiên phải đi cùng với chính sách cải cách tiền lương được quy định trọng Nghị quyết Trung ương 7 của Đảng, nhưng luật cũng thể hiện được đây là lĩnh vực là “quốc sách”, từ đó xác định vị trí tương xứng, với vai trò dành cho ngành.

Chinh sach  chua the hien 'giao duc la quoc sach'
Đại biểu Hồ Thị Vân

Bên cạnh đó, chúng ta chưa có quy định hợp lý để động viên, khuyến khích những người giỏi chuyên môn, có năng lực và kinh nghiệm ở các trường về công tác tại cơ quan quản lý giáo dục. Tôi đã từng đề cập tới bất cập này tại kỳ họp Quốc hội trước. Giả sử điều động một hiệu trưởng ở một trường THCS về làm lãnh đạo tại phòng GD-ĐT thì họ chỉ được hưởng phụ cấp công vụ, còn lại phụ cấp chức vụ giảm, không được hưởng phụ cấp thâm niên.

Còn đối với những giáo viên giỏi được rút về phòng làm chuyên viên là viên chức bình thường thì không được hưởng một khoản phụ cấp nào nếu không thuộc diện huyện 30A (xã, thị trấn thuộc huyện nghèo - PV)…

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: 

Đồng lương sẽ thu hút người giỏi vào ngành sư phạm

Để thu hút người giỏi vào nghề sư phạm thì phải đảm bảo yếu tố mức lương sau khi ra trường ở mức đủ sống và có thể nuôi được một đứa con. Biện pháp “miễn học phí cho học sinh - sinh viên sư phạm” trước đây tôi cho là tương đối tốt, nó giúp cho chất lượng đầu vào ngành sư phạm được tốt hơn trong thời gian vừa qua. 

Nhưng như thế là chưa đủ. Người ta đi học là để có việc làm, mà học sinh - sinh viên sư phạm sau khi ra trường không xin được việc làm, thậm chí phải “chạy” hết cửa nọ đến cửa kia để có việc làm, thì có “miễn học phí” suốt bốn năm đào tạo cũng không hấp dẫn được.

Tuy nhiên, so với phương án “cho vay tín dụng sư phạm” thì nó vẫn tốt hơn. Nhưng vấn đề còn là: nếu cho vay mà sau này không bố trí được việc cho người học thì họ lấy gì để trả, trong khi lỗi không thuộc về người học.

Cho nên, theo tôi phương án “miễn học phí” vẫn tốt hơn. Nếu ta chưa tìm được phương án nào thực sự tốt hơn thì đừng thay đổi. Tất nhiên phương án nào thì cũng phải đảm bảo việc làm và mức lương phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu của bản thân và nuôi được một đứa con, bên cạnh đó các chế độ khác như phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp ưu đãi, vùng sâu vùng xa… vẫn phải được duy trì.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội): 

Không tăng lương, giáo viên khó toàn tâm

Việc tạo chính sách tín dụng cho sinh viên sư phạm được xem là một chính sách hỗ trợ những người có tâm huyết, mong muốn thực sự cống hiến cho ngành giáo dục. Nhưng tôi cho rằng, việc quan trọng nhất đối với ngành sư phạm lại là vấn đề tuyển dụng. Làm thế nào để đào tạo cho giáo viên sư phạm, đảm bảo sau khi tốt nghiệp họ sẽ có việc làm. Nếu “luật hóa” được điều này sẽ làm tăng sức hút của ngành giáo dục trong tuyển chọn nhân tài.

Thứ hai, nghề giáo chắc chắn không bao giờ trở thành nghề có thu nhập cao nhất trong xã hội. Chúng ta không thể làm giàu bằng nghề đi dạy học. Nhưng muốn để cho một nhà giáo tâm huyết, toàn tâm toàn ý với quá trình giảng dạy, không bị phân tâm bởi những vấn đề khác, đặc biệt, là yếu tố thị trường trong xã hội hiện đại thì đề xuất về chế độ tiền lương của giáo viên cũng phải thỏa đáng. Nếu không làm được việc này thì khó có thể nói người giáo viên cống hiến tốt và tránh được tất cả tác động “nhiễu” của thị trường.

Thầy Nguyễn Đức Hùng, giáo viên một trường THPT tư thục: 

Tôi bỏ biên chế vì đồng lương ít ỏi

Tôi từng là giáo viên trường công lập. Trong khi bao người tìm cách vào dạy trường công thì tôi nhẹ nhàng rời bỏ vì đồng lương không đủ cho nhu cầu của cuộc sống một cách cơ bản nhất.

Có dạy ở trường công sẽ thấy, để tạo thu nhập cho giáo viên nhà trường ép học sinh học trái buổi. Tôi không cam tâm dạy trong tình trạng mà phần lớn học sinh không đồng tình. Rồi họp hành và rất nhiều hoạt động nặng nề nhưng lại hình thức, sáo rỗng. 

Riêng cá nhân tôi, phải nói thẳng là tôi không phục lãnh đạo nhà trường, vì đa phần họ không có tài. Tôi thích dạy ra dạy ở trường tư vì sự sòng phẳng đâu ra đó. Vì dạy học thật ra là truyền thụ kiến thức có điều kiện. Nếu anh dạy tốt thì học sinh có lợi và chủ đầu tư mời anh.

Minh Nhật - Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI